Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN XUÂN LỘC


Tòa Giám Mục Cũ







Tòa Giám Mục Mới Năm 2009



Lược sử Giáo Phận Xuân Lộc



Giáo Phận Xuân Lộc

A. Lược Sử Giáo Phận Xuân Lộc

Giáo phận Xuân Lộc được tách từ giáo phận Saigòn năm 1965, là một trong các giáo phận đàn em, nhưng việc sống Tin Mừng đã phát triển tại đây rất sớm (khoảng năm 1698). Trên 300 năm hình thành và phát triển, nhờ ơn Chúa và sự góp sức chung lòng của các thừa sai: dòng Tên, Hội Thừa Sai Paris, thừa sai thuộc Thánh Bộ, dòng Phanxicô, các linh mục, tu sĩ và giáo dân vùng Xuân Lộc đã viết nên trang sử của mình và góp phần vào trang sử Giáo hội Việt Nam.

Từ sắc chỉ cấm đạo của nhà Nguyễn năm 1630-1665, và cuộc khai phá đất Phương Nam (1698), các Kitô hữu đến vùng đất Bar-Ya hay Ba-ria (Bà Rịa), Dou-nai (Ðồng Nai), Ben-go (Bến Gỗ), Dat-do (Ðất Ðỏ)... để yên bề sinh sống và giữ đạo. Họ được các thừa sai dòng Tên đi theo phục vụ. Năm 1670, ở Xích Lam (Ðất Ðỏ), gần Bà Rịa đã có gần 300 gia đình Công giáo. Năm 1692, Ðức cha F. Pérez kinh lý các họ đạo tại vùng Bến Gỗ. Theo Ðức cha M. Labbé, năm 1670, "miền Ðồng Nai có ít nhất trên 2,000 giáo dân". Sự việc các cha dòng Tên ở Ðồng Nai, được cha Juan Antonio nhắc tới từ năm 1700, cụ thể năm 1738, cha Johann Grueber phục vụ 8,000 giáo hữu. Ngày 2-7-1740, Ðức cha E.F. de la Baume (khâm sai Tòa Thánh) ra nghị định phân chia địa sở cho các thừa sai hoạt động, trong đó Ðồng Nai được trao cho các cha dòng Tên coi sóc (trừ Bến Gỗ thuộc Hội Thừa Sai Paris). Theo cha Adrien Launay, năm 1747, vùng Ðồng Nai có số giáo hữu như: Ben-go (Bến Gỗ) 200 giáo hữu thuộc Hội Thừa Sai Paris. Các cha dòng Tên coi sóc: R. Dou-nai (Ðồng Nai) 400, Ben-go (Bến Gỗ) 250, Da-lua 500, Ke-tat 70, Dou-mon 40, R. Moxoai (Mô Xoài) 400, Ba-ria (Bà Rịa) 140, Nui-nua (Núi Nứa) 50 và Ðất Ðỏ 380.

Năm 1844, giáo phận Ðàng Trong được chia thành hai: Ðông Ðàng Trong (Quy Nhơn) và Tây Ðàng Trong (Saigòn). Tây Ðàng Trong gồm 6 tỉnh Nam Kỳ, xứ Cao Miên (Khơ Me) và các tỉnh phía Nam Ai Lao. Vùng đất Xuân Lộc (Bà Rịa, Vũng Tàu, Ðồng Nai) có đông giáo hữu thuộc giáo phận Tây Ðàng Trong do Ðức cha D. Lefèbvre Ngãi coi sóc.

Năm 1850, Tòa Thánh tách trọn phần đất Khơ Me để thành lập giáo phận mới gọi là Nam Vang, trao cho Ðức cha J.C. Miche Mịch coi sóc.Từ ngày phân chia giáo phận đến hết năm 1862, các thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân thuộc giáo phận Xuân Lộc ngày nay đã phải gánh chịu cơn bách hại cách tàn khốc. Ngoài các bản án được triều đình phê chuẩn cụ thể như vụ thiêu sinh 4 ngục: ngục Dinh (Phước Lễ), ngục Thơm (Long Kiên), ngục Thành (Long Ðiền) và ngục Ðất Ðỏ (Phước Thọ) gồm 700 người. Ðêm 7-1-1862), nhà cầm quyền cho đốt bốn ngục thiêu sinh 444 giáo hữu thuộc 5 họ lẻ: Ðất Ðỏ, Thơm, Dinh, Thành, Gò Sâm (Thạnh Mỹ) hạt Bà Rịa, các vị tử đạo được thừa sai Croc Hòa và cha Trí mai táng trong ba ngôi mộ thập thể ngày 8-1-1862.

Năm 1924, giáo phận Tây Ðàng Trong được đổi tên thành giáo phận Saigòn. Năm 1954, gần 800,000 người Công Giáo từ Bắc Việt di cư vào Nam và ở rải rác khắp các tỉnh từ miền Trung trở vào, một số rất đông đã tụ về miền Xuân Lộc tạo nên các xứ đạo mới như Hố Nai, Gia Kiệm, Phương Lâm, Vũng Tàu... Năm 1960, Tòa Thánh chia giáo phận Saigòn thành 3 giáo phận: một giữ tên cũ giáo phận Saigòn, giáo phận Ðà Lạt và giáo phận Mỹ Tho. Vùng đất giáo phận Xuân Lộc thuộc giáo phận Saigòn.

Ngày 14-10-1965, Ðức Phaolô VI ban sắc chỉ tách giáo phận Saigòn thành 3 giáo phận: giáo phận Saigòn vẫn giữ tên cũ, giáo phận Phú Cường và giáo phận Xuân Lộc. Giáo phận Xuân Lộc gồm 3 tỉnh: Long Khánh, Biên Hòa và Phước Tuy (Bà Rịa). Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức cha Giuse Lê Văn Ấn làm giám mục tiên khởi. Khi thành lập, giáo phận Xuân Lộc gồm: 164,144 giáo dân trong tổng số dân 521,595 người với 133 giáo xứ, 135 linh mục triều, 19 linh mục dòng, 50 tu sĩ (La San, Gioan Thiên Chúa, Xitô, Ða Minh), 200 nữ tu (Thánh Phaolô, Mến Thánh Giá, Ða Minh). Năm 1974, có 374,560 giáo hữu trên tổng số 1,048,164 dân với 155 giáo xứ, 218 linh mục triều, 25 linh mục dòng, 97 đại chủng sinh, 215 tiểu chủng sinh, 109 tu sĩ, 949 nữ tu, 168 trường trung - tiểu học.

Ðức cha Giuse Lê Văn Ấn đã mở mang giáo phận về mọi phương diện. Ngài đã xây dựng những cơ sở cần thiết cho giáo phận như tòa giám mục, chủng viện, Trung Tâm Hành Hương Ðức Mẹ Bãi Dâu. Ngày 17-6-1974, ngài đã qua đời sau một cơn bạo bệnh.

Ðức cha Ða Minh Nguyễn Văn Lãng được Tòa Thánh chỉ định làm giám mục ngày 11-8-1974. Từ giữa năm 1975, tình hình chính trị Việt Nam thay đổi, Ðức cha Ða Minh đã sáng suốt lèo lái con thuyền giáo phận trong những khó khăn thử thách lớn lao.

Vì nhu cầu mục vụ của giáo phận ngày càng tăng, Ðức cha Ða Minh, với sự chấp thuận của Tòa Thánh, đã làm lễ tấn phong giám mục cho cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật và đặt ngài làm giám mục phó giáo phận Xuân Lộc ngày 16-7-1975.

Ngày 22-2-1988, Ðức cha Ða Minh Nguyễn Văn Lãng đột ngột qua đời, Ðức cha Nguyễn Minh Nhật lên làm giám mục chính tòa giáo phận trong thời kỳ đất nước đang đổi mới. Ngài đã tích cực xây dựng giáo phận, nhất là thúc đẩy phong trào học hỏi giáo lý trong toàn giáo phận, đào tạo Hội Ðồng Giáo Xứ và đặc biệt đào tạo các ơn gọi linh mục.

Năm 1992, cha Tôma Nguyễn Văn Trâm được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc. Ngài được tấn phong ngày 7-5-1992.

Ngày 30-9-2004, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Ða Minh Nguyễn Chu Trinh làm giám mục chính tòa giáo phận Xuân Lộc. Ngày 11-11-2004, lễ tấn phong giám mục được tổ chức tại nhà thờ chính tòa giáo phận, cũng ngày này Ðức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật chính thức nghỉ hưu.

Ngày 22 tháng 11 năm 2005, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã thiết lập Tân Giáo Phận Bà Rịa, tách ra từ giáo phận Xuân Lộc, vừa đồng thời bổ nhiệm Ðức Cha Tomas Nguyễn Văn Trâm, làm giám mục chính toà tiên khởi của tân giáo phận Bà Rịa.

Tân Giáo Phận Bà Rịa bao gồm lãnh thổ của hai tỉnh Bà Rịa và Vũng Tàu, tổng cộng rộng 1,975 cây số vuông, với tổng cộng dân số là 908,622; trong số này có 224,474 tín hữu công giáo, được phân chia trong 78 giáo xứ, với sự chăm sóc mục vụ của 56 linh mục triều và 35 linh mục dòng. Nhà Thờ Giáo Xứ Bà Rịa, được dâng kính hai thánh tông đồ Giacôbê và Philipphê, trở thành Nhà Thờ Chánh Toà của Tân Giáo Phận Bà Rịa. Tân Giáo Phận Bà Rịa thuộc về Giáo Tỉnh Sài Gòn.

B. Ðịa Lý và Dân Số

1. Ranh giới: Ðịa giới giáo phận Xuân Lộc có hình ngũ giác không đều cạnh. Phía Ðông giáp giáo phận Ðà Lạt và Phan Thiết. Phía Tây giáp giáo phận Saigòn. Phía Nam giáp giáo phận Bà Rịa. Phía Bắc giáp giáo phận Phú Cường (tỉnh Bình Dương).

Như vậy hiện nay giáo phận Xuân Lộc gồm có: tỉnh Ðồng Nai, và một phần tỉnh Bình Dương với tổng diện tích 6,439 km2.

2. Dân số:

Giáo phận Xuân Lộc có 762,226 giáo hữu, trong tổng dân số 2,186,996 người. Ða số dân chúng sống bằng nghề nông, một số làm công nhân tại các đồn điền cao su, và các khu nông nghiệp.

3. Những sắc tộc trong vùng:

Có thể kể những sắc tộc sau:

- Xtiêng: có số dân 50,194 người, hình thành 2 nhóm: Bu Lơ và Bù Chép.

- Dân tộc Mạ: với số dân 25,435 người.

- Dân Chơ Ro: với số dân 15,002 người.

- Và một số người Tày, người Cơ Ho, định cư ở các huyện Tân Phú, Ðịnh Quán...

4. Sông Núi:

Vùng Ðồng Nai có nhiều núi và rừng rậm. Hầu hết là núi thấp có rừng bao phủ như núi Chứa Chan lớn nhất, cao 838m; núi Cam Tiên 441m; núi Bé Bạc 319m; dãy núi Mây Tào cao 716m nằm ở giáp ranh các tỉnh Ðồng Nai, Bình Thạnh và Bà Rịa Vũng Tàu.

Ở Biên Hòa chỉ có một số núi thấp như Bửu Long, Thùy Vân, Thần Mẫu...

Sông chính của tỉnh Ðồng Nai là sông Ðồng Nai chảy dọc theo hướng Tây Nam qua Nhà Bè và đổ ra cửa Soài Rạp.

5. Ðền Chùa:

Ở Ðồng Nai (Biên Hòa) có một số đền chùa nổi tiếng như: Ðền Thờ Nguyễn Hữu Cảnh, người có công khai phá đất Ðồng Nai; đền thờ Nguyễn Tri Phương, đền Tân Lân; đình An Hoàng, chùa Long Thiền (1664); khu du lịch Bửu Long với hồ Long Ẩn; rừng quốc gia nam Cát Tiên và thác Trị An.

C. Các hoạt động đặc biệt

Là một giáo phận đông dân cư do làn sóng di dân từ mọi miền đất đổ về, giáo phận Xuân Lộc đã và đang đẩy mạnh cách đặc biệt hoạt động truyền giáo và sinh hoạt mục vụ tông đồ để huấn luyện các Ban Hành Giáo, đào tạo đội ngũ tông đồ giáo dân, huấn luyện giáo lý viên. Ðặc biệt, quan tâm đến công việc đào tạo chủng sinh, tu sĩ.

Hằng năm, giáo phận có chương trình mục vụ riêng và các thành phần Dân Chúa tích cực tham gia.

Ngoài việc đào tạo nhân sự, trong những năm qua, việc xây dựng các cơ sở vật chất cũng được thực hiện ở khắp nơi: giáo phận trùng tu lại đền Thánh Ðức Mẹ Bãi Dâu (hiện nay thuộc giáo phận Bà Rịa), tượng đài Chúa Kitô núi Tao Phùng (hiện nay thuộc giáo phận Bà Rịa), nhà thờ chính tòa, tòa giám mục...

(theo Niêm Giám của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam) st.