Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Thư Đức Thánh Cha bổ nhiệm ĐHY Ivan Dias làm Đặc Sứ kết thúc Năm Thánh tại Việt Nam


VATICAN. Hôm 28-12-2010, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố thư ĐTC bổ nhiệm ĐHY Ivan Dias, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, làm Đặc Sứ của ngài đến chủ sự các lễ nghi bế mạc Năm Thánh tại Việt Nam.
Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận đại diện Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam sẽ được bế mạc tại Trung tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc Lavang từ ngày 4 đến 6-1 năm 2011 sắp tới.
Cùng thuộc phái đoàn Tòa Thánh còn có Cha Antôn Dương Quỳnh, Chưởng ấn tòa TGM Huế, kiêm Cha sở Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam, Huế, và cha Phanxicô Xavie Vũ Phan Long, dòng Phanxicô, Thư ký Ủy ban Kinh Thánh thuộc HĐGM Việt Nam.
Sau đây là bản dịch nguyên văn thư bổ nhiệm của ĐTC:
”Mến gửi Hiền Đệ của chúng tôi, Hồng Y Ivan Dias,
Tổng trưởng Bộ truyền giáo.
”Công trình loan báo Tin Mừng, được các thừa sai xưa kia khởi sự giữa bao nhiêu khó khăn, đã mang lại hoa trái rất phong phú, trong đó những trái đầu mùa đặc biệt là thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo. Vì thế, Giáo Hội tại Việt Nam, khi vui mừng nhớ đến nguồn cội đức tin của mình, đồng thời muốn canh tân và gia tăng lòng nhiệt thành tông đồ để thăng tiến công cuộc truyền giáo mới tại đây. Nay có hai kỷ niệm những biến cố quan trọng trong đời sống Giáo hội tại Việt Nam tạo dịp rất tốt, đó là 350 năm thành lập hai địa phận đại diện tông tòa đầu tiên và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Công Giáo tại Việt Nam. ”Nhân danh toàn thể Dân Chúa tại Việt Nam, người Anh em đáng kính là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục chính tòa Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam, đã thông báo cho chúng tôi về những điều trên đây và bày tỏ lòng kính mến con thảo, điều mà chúng tôi đánh giá cao. Chính Đức Tổng Giám Mục cũng xin chúng tôi gửi một vị Đặc Sứ đến để củng cố đức tin Công Giáo và tình hiệp thông sinh động của họ với Người Kế Vị Thánh Phêrô và Giáo Hội hoàn vũ.
”Thật đáng ca ngợi chủ đích tháp tùng hành trình Năm Thánh là: ”Chúng ta hãy cùng đi với Mẹ để loan báo Tin Mừng”. Điều này gợi lại hành trình của Đức Trinh Nữ mau lẹ lên đường mang Tin Vui và ân sủng của Chúa Cứu Thế cho bà Elizabeth. Vì thế, chúng tôi cũng muốn biểu lộ với họ lòng quí mến và sự ân cần của chúng tôi với những người sắp cùng các Chủ Chăn cử hành đại lễ đức tin tại Việt Nam. Nhưng vì không thể đích thân đến nước này, chúng tôi nghĩ đến Hiền Đệ đáng kính, và ủy thác cho Hiền Đệ sứ vụ này, vì Hiền Đệ đặc trách nhiệm vụ Tổng trưởng Bộ truyền giáo cho các dân tộc. Vì thế, chúng tôi bổ nhiệm Hiền Đệ làm Đặc Sứ tại các biến cố kỷ niệm này, để từ ngày 4 đến 6 tháng giêng tới đây hành động thay chúng tôi tại Đền thánh quốc gia La Vang, nơi vẫn có đông đảo các tín hữu đến hành hương kính Đức Mẹ. Hiền đệ hãy củng cố trách vụ trọng đại của Giáo Hội, ”được Chúa Kitô sai đi để biểu lộ và thông truyền tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người và mọi dân tộc, Giáo Hội hiểu rằng công trình truyền giáo còn phải chu toàn thật là bao la” (Ad gentes 10). Hiền đệ hãy nhắn nhủ mọi người canh tân lòng nhiệt thành tông đồ, để nhờ niềm hy vọng nảy sinh từ đức tin, lòng yêu mến đối với Thiên Chúa, Thiên Chúa được mọi người chúc tụng, vì lòng từ bi của Ngài tồn tại muôn đời (Xc Spe salvi, 37). Để cho toàn dân Việt Nam được thịnh vượng hơn, chúng tôi nhắn nhủ cộng đoàn Công Giáo tại Việt Nam, được xây dựng theo nghĩa vừa nói, hãy tăng cường tình hiệp nhất giữa các vị Chủ Chăn với nhau, cũng như giữa các vị Chủ Chăn với các tín hữu, thăng tiến việc đào tạo nhân bản và tu đức cho các ứng sinh linh mục, việc thường huấn cho các linh mục và tu sĩ nam nữ, cũng như chuẩn bị thích hợp cho các giáo dân.
”Chúng tôi sẽ hỗ trợ sứ mạng trọng đại của Hiền Đệ bằng lời cầu nguyện, và ngay từ bây giờ chúng tôi phó thác Hiền Đệ đáng kính cho sự bảo trợ yêu thương của Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa và các thánh tử đạo Việt Nam, và sau cùng chúng tôi rộng ban Phép lành Tòa Thánh cho Hiền Đệ, và tất cả những người mà Hiền Đệ được sai tới.
Tại điện Vatican ngày 21 tháng 12 năm 2010,
Năm Thứ 6 triều đại Giáo Hoàng của chúng tôi.
Biển Đức XVI, Giáo Hoàng
Xem văn bản gốc:
Nguồn: 
 vietvatican

Poster "Bế mạc Năm Thánh 2010"

















tgp saigon - Xin kính gửi Poster "Bế mạc Năm Thánh 2010"
Để tiện cho việc in ấn, Poster khổ A2 có thể được ghép bởi 4 tờ A4, mỗi tờ mang 1/4 nội dung của Poster.
Để có một Poster đẹp với độ phân giải cao, nên lưu (save image as) các Poster gửi kèm bên dưới.

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

GIÁO PHẬN VIỆT NAM

GIÁM MỤC & GIÁO PHẬN VIỆT NAM  ( Địa Chỉ )

                                Tổng Giáo Phận Hà Nội
                               Tổng Giáo Phận Huế
                                Tổng Giáo Phận Sài Gòn
                                 Giáo Phận Bắc Ninh
                                 Giáo Phận Ban Mê Thuột
                                Giáo Phận Bà Rịa
                                 Giáo Phận Bùi Chu
                                 Giáo Phận Cần Thơ
 
                                  Giáo Phận Đà Lạt
                                 Giáo Phận Đà Nẵng
                                Giáo Phận Hải Phòng
                                Giáo Phận Hưng Hóa
                                Giáo Phận Komtum
                                Giáo Phận Lạng Sơn
                                Giáo Phận Long Xuyên
 
                                 Giáo Phận Mỹ Tho
  
                                 Giáo Phận Nha Trang
                                 Giáo Phận Phan Thiết
                                 Giáo Phận Phát Diệm
                                 Giáo Phận Phú Cường
                                Giáo Phận Quy Nhơn
 
                                 Giáo Phận Thái Bình
                                 Giáo Phận Thanh Hóa
                                 Giáo Phận Vinh
                                  Giáo Phận Vĩnh Long
                                  Giáo Phận Xuân Lộc


  ( Theo vần AB )
nguyenthuong.ctxl.photodays@picasaweb.com

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Mong ước của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành hiện thực



Thánh lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 sẽ được cử hành vào lúc 8 giờ ngày 06-01-2011 tại Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang, Tổng Giáo phận Huế. Đức Hồng Y IVAN DIAS, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI chủ tế, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban Năm Thánh 2010, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và 60 Giám mục, 1500 Linh mục cùng đồng tế.
Sau Thánh lễ, Hồng Y Đặc sứ của Đức Thánh Cha Benêdictô XVI làm phép Viên đá đầu tiên và 27 viên đá tượng trưng 26 giáo phận và Cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại để xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang. 
Đền thánh La Vang được khởi công xây dựng năm 1924 theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier, được khánh thành ngày 20-8-1928, nhân dịp Đại Hội La Vang 9, và được trùng tu năm 1959.
Năm 1961, theo đề nghị của Đức Tổng Giám Mục Huế, Phêrô Mactinô Ngô Đình Thục, Hội Đồng Giám Mục Miền Nam công nhận La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc, và Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã ban hành sắc lệnh "Để Muôn Đời Nhớ" nâng đền thờ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường (22-8-1961).
Trong chiến tranh, Thánh đường này bị bom đánh sập 1972, còn lại tháp chuông như hiện nay.
Việc xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang là ước mong không chỉ của mỗi tín hữu Việt Nam trong và ngoài nước, của Giáo hội Công giáo Việt Nam, mà còn của Tòa Thánh Vatican, của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi sinh thời.
Chính Ngài đã nói rõ điều ấy trong bài Huấn Dụ sau khi đọc kinh Truyền Tin, ngày 19-6-1988, ngày phong Thánh cho 117 Vị Tử Đạo Việt Nam. Ngài nói: “Giáo Hội mong ước tái thiết Đền Thánh Đức Mẹ La Vang, điều mà chúng ta hy vọng sẽ được thực hiện sớm hết sức, trong bầu không khí tự do và hoà bình, để ca tụng Mẹ là Đấng được mọi đời chúc phúc.
Trong bầu không khí đó, nhờ lời cầu bầu của Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, ngôi Đền Thánh này có thể biểu lộ mọi sinh lực thiêng liêng, không những cho người công giáo Việt Nam, nhưng còn giúp cho sự hoà hợp đất nước, và nhờ đó mà đời sống công cộng cũng như đạo đức trên quê hương sẽ được tăng triển”.
Tạ ơn Chúa, điều mong ước của Giáo hội của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và của mỗi người chúng ta nay thành hiện thực.
Viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường La Vang được làm phép, và ngày 06-01-2011 ghi dấu bắt đầu cho quá trình dựng xây Đền Thánh.
Và như Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể đã nói sau Thánh Lễ Đức Mẹ Lên Trời Hồn Xác, tại La Vang ngày 14.8.2010: "Đây là công việc chung của tất cả mọi người tín hữu trong nước và hải ngoại (Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ và Giáo dân...). Xin mỗi người rộng lòng góp công, góp của, góp ý kiến, nhất là chung lời cầu nguyện. Công việc sẽ rất lâu dài, thế hệ chúng ta chỉ mới bắt đầu mà thôi."
BAN THÔNG TIN LỄ BẾ MẠC NĂM THÁNH


Nguồn: 
 tonggiaophanhue.net




nguyenthuong.ctxl.photodays@picasaweb.com




Mừng lễ Giáng sinh, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI điểm lại tình hình Giáo Hội và thế giới năm 2010



WHĐ (22.12.2010) – Sáng 20-12, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến Hồng y đoàn, Giáo triều và Phủ quản trị Nhà nước Vatican đến chúc mừng lễ Giáng sinh theo truyền thống.
Năm Linh mục: “Cảm ơn các linh mục đã tận tụy truyền bá lòng nhân từ của Chúa”
Điểm lại các sự kiện chủ yếu trong năm vừa qua, trước hết ĐTC nhắc đến Năm linh mục “Đã khởi sự với niềm vui mừng lớn lao, và nhờ ơn Chúa đã bế mạc với lòng biết ơn vô hạn dù Năm Thánh này đã diễn ra khác với điều chúng ta mong đợi. Chúng ta, các linh mục và giáo dân, kể cả những người trẻ, đã được đổi mới trong nhận thức về ơn Chúa ban là chức linh mục của Hội Thánh Công giáo Chúa đã ủy thác cho chúng ta. Một lần nữa chúng ta nhận ra thật tốt đẹp biết bao khi con người nhân danh Chúa, với đầy đủ quyền hạn, được phép nói lời tha tội, và như thế có thể làm biến đổi thế giới và cuộc sống. Cũng tốt đẹp biết bao khi con người được phép nói lời thánh hóa… để với quyền năng của Chúa, có thể gần gũi tha nhân trong mọi nỗi vui buồn của họ. Vì vậy, cũng đúng vào Năm Thánh này, chúng ta càng bị tác động hơn và không thể tưởng tượng nổi khi biết việc lạm dụng tình dục trẻ em lại xảy ra nơi các linh mục khiến cho bí tích bị hoen ố: núp dưới bóng thánh thiêng họ đã gây tổn thương nặng nề cho con người còn bé bỏng và để lại hậu quả nghiêm trọng trong suốt cuộc đời của những trẻ em này”.
Tiếp đó ĐTC nhắc đến thị kiến của thánh nữ Hildegarde de Bingen: “Thánh nhân đã mô tả một cách đáng kinh ngạc về những điều chúng ta trải nghiệm trong Năm Thánh này… Theo thị kiến của ngài, khuôn mặt của Hội Thánh đầy bụi bặm, và đó cũng là điều chúng ta từng thấy. Tấm áo của Hội Thánh cũng đã bị các linh mục xé rách. Trong Năm Thánh vừa qua chúng ta cũng đã thấy những điều thánh nhân nhìn thấy và mô tả. Chúng ta phải đón nhận nỗi nhục nhã này như một lời thúc giục tiến đến sự thật và lời kêu gọi phải đổi mới. Chỉ có sự thật mới giải thoát được thôi. Chúng ta phải tự hỏi có thể làm được gì để sửa chữa những bất công đã gây ra. Phải hỏi mình đã không nói được gì trong lời loan báo, trong mọi cách thể hiện mình là Kitô hữu lại để diễn ra những điều tương tự… Chúng ta phải có những giải pháp mới trong đức tin và trong sự thiện. Chúng ta phải thống hối. Chúng ta phải cố gắng hết sức có thể cho việc chuẩn bị lãnh chức linh mục, để sự việc tương tự không xảy ra nữa. Tôi chân thành cảm ơn mọi người đã dấn thân vào việc giúp đỡ các nạn nhân và giúp họ phục hồi lòng tín nhiệm đối với Giáo Hội, khôi phục khả năng tin tưởng sứ điệp của Giáo Hội”.
ĐTC nhắc đến những cuộc gặp gỡ “những người bị tội lỗi này làm hại”. Ngài luôn gặp được “Những người rất tận tụy ở bên những ai chịu đau khổ và bị tổn thương. Nhân dịp này tôi muốn cảm ơn mọi linh mục tốt lành luôn khiêm nhường và tin tưởng truyền bá lòng nhân từ của Chúa, và giữa lúc diễn ra cuộc tàn phá này, các ngài là những chứng nhân cho vẻ đẹp không hề phôi pha của chức linh mục. Chúng ta ý thức về sự nghiêm trọng đặc biệt của tội lỗi các linh mục đã phạm và về trách nhiệm tương ứng của chúng ta. Nhưng chúng ta không thể im lặng để cho trôi qua tình hình với những sự kiện chúng ta đã được thấy. Còn cả một thị trường phim ảnh khiêu dâm liên quan đến trẻ em, một cách nào đó ngày càng được xã hội coi là điều bình thường. Loài người coi việc phá hoại đầu óc trẻ em chỉ là một thứ hàng hóa, đây là dấu chỉ đáng sợ của thời đại chúng ta.
Ma túy, một đại dịch đang hoành hành khắp thế giới
Tiếp theo, ĐTC nói đến ma túy “sức mạnh của nó ngày càng tăng lên, những chiếc vòi của nó tỏa khắp thế giới… Khoái lạc nào cũng không làm thỏa mãn và cố tìm bằng được sự thỏa mãn trong ảo giác đang trở thành một loại bạo lực tàn phá nhiều nơi, và nhân danh thứ tự do lệch lạc nguy hại, đã xúc phạm và hủy diệt sự tự do đích thực của con người… Để chống lại các thế lực này, chúng ta phải nhìn qua những cơ sở tư tưởng của chúng. Trong thập niên bảy mươi, ấu dâm nổi lên như một lý thuyết cho rằng ấu dâm hợp với cả người lớn và trẻ em, nhưng chính nó góp phần chủ yếu vào “nhân sinh quan” sa đọa… Không có gì tự bản chất là tốt hay xấu. Tất cả đều tùy thuộc hoàn cảnh và mục đích… Luân lý được thay thế bằng sự tính toán các hậu quả và như vậy không còn luân lý nữa. Ngày nay các loại lý thuyết như thế đã để lại hậu quả hiển nhiên. Đức Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Veritatis Splendor (Chân lý rạng ngời), với sức mạnh tiên tri nằm trong truyền thống lớn lao mang tính lý trí của nền phong hóa Kitô giáo, đã chỉ ra những nền tảng chủ yếu và bất biến của hành vi đạo đức. Ngày nay cần phải khẳng định lại tính thời sự của văn kiện này như một con đường phải đi nhằm huấn luyện lương tâm”.
Thượng Hội đồng Giám mục Trung Đông đã làm sống lại tinh thần hòa giải
ĐTC nhắc đến Thượng Hội đồng về các Giáo Hội tại Trung Đông đã được ngài trao cho Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) vào tháng Sáu 2010 tại Chypre.
ĐTC nói: “Dù hiện chưa hiệp thông trọn vẹn, chúng ta cũng đã nhìn thấy có biết bao nền tảng Giáo Hội học liên kết sâu xa chúng ta với các Giáo Hội Chính thống: mầu nhiệm bí tích giám mục chứa đựng truyền thống tông đồ, việc giải thích Kinh Thánh theo Luật Chúa Kitô (Regula Christi), sự lĩnh hội ý nghĩa Thánh Kinh trong sự thống nhất đa dạng quy chiếu vào Đức Kitô…, lấy Bí tích Thánh Thể làm trung tâm cho đức Tin và đời sống của Giáo Hội. Chúng ta cũng chứng kiến nền văn hóa Kitô giáo phong phú của Trung Đông và cũng nhận thấy những vấn đề của một đất nước bị phân hóa. Hiển nhiên vẫn còn những vết thương do những sai lầm trong quá khứ, cũng như đã có niềm khát khao tìm lại được hòa bình và sự hòa thuận từng có trước đây. Mọi người đều biết, bạo lực vốn đã gây nên tình cảnh hiện thời, sẽ không giải quyết được gì cả. Chỉ có sự thỏa thuận và hiểu biết lẫn nhau mới tái lập được sự hiệp nhất. Việc mục vụ cần phải chuẩn bị cho dân chúng về điều này”.
“Thượng Hội đồng đã hướng đến Trung Đông, một vùng rộng lớn của thế giới, nơi kết hợp nhiều nền văn hóa, nhiều tôn giáo cũng như nhiều nghi lễ… Những sự kiện nghiêm trọng trong những năm gần đây đã làm suy yếu truyền thống cùng nhau chung sống. Những căng thẳng và chia rẽ gia tăng. Bạo lực cũng vậy, nó chẳng hề kiêng nể điều được tha nhân coi là thánh thiêng. Ngày nay, các Kitô hữu trở thành thiểu số bị áp bức và chịu ngược đãi nhất, sau nhiều thế kỉ chia sẻ cuộc sống với những người láng giềng Hồi giáo…
Tại Thượng Hội đồng, chúng ta đã chờ đợi vị Cố vấn của Đại Giáo trưởng Liban lên tiếng phản đối bạo lực chống lại các Kitô hữu. Ông đã phát biểu, những người Hồi giáo hành động như vậy là đã gây tổn thương cho chính đạo Hồi. Đáng tiếc, tiếng nói lý trí này, cũng như những tiếng nói khác, được chúng ta tri ân, đã phát đi chưa đủ mạnh. Ở đây, trở ngại cũng nằm trong trong quan hệ giữa thói tham lam và sự bảo thủ về tư tưởng. Dựa trên lý trí và đức Tin, Thượng Hội đồng mạnh mẽ khai triển quan niệm đối thoại, tha thứ và đón nhận nhau mà chúng ta muốn nói to lên cho thế giới. Con người là một và nhân loại cũng là một. Nơi này nơi kia chống lại con người thì cũng làm tổn thương toàn thể gia đình nhân loại. Công việc diễn ra tại Thượng Hội đồng là một lời kêu gọi có sức lay động đối với các nhà hữu trách chính trị cũng như tôn giáo, nhằm ngăn chặn con đường dẫn đến thái độ cảnh giác đối với Kitô giáo. Cần phải đứng lên bảo vệ các nạn nhân và những người bị trục xuất, đồng thời làm sống lại tinh thần hòa giải.
Chuyến tông du Vương quốc Anh của Đức Thánh Cha: nhìn lại nền dân chủ và nhìn đến tương lai thế giới
ĐTC cũng đã điểm lại chuyến tông du Vương quốc Anh và trong dịp này ngài đã tôn phong chân phước cho Đức cố Hồng y John Henry Newman, nhắc lại bổn phận người Kitô hữu và Giáo Hội là phải loan báo Tin Mừng cho thời đại chúng ta.
Đề cập cuộc gặp tại điện Westminster với giới văn hóa, ĐTC nhắc đến Tocqueville. Đối với nhà chính trị học này, nền dân chủ được xây dựng tại nước Mỹ là nhờ sự đồng thuận về đạo đức vượt trên những cách diễn tả thông thường và nối kết chúng lại với nhau. Chính nhờ sự đồng thuận như vậy về điều cốt yếu mà vận hành được quyền và hiến pháp. Sự đồng thuận có nền tảng xuất phát từ di sản Kitô giáo này, nơi này nơi khác, đang lâm nguy. Đó là nguy cơ thay thế sự đồng thuận và lý trí đạo đức bằng thứ lý trí mang tính mục đích đơn thuần mà ĐTC đã từng nói đến… Thực tế cho thấy, đó là lý trí mù quáng không còn biết cái gì là cốt yếu. Chống lại lý trí mù quáng và bảo vệ cho lý trí khả năng nhìn ra cái cốt yếu, nhận ra Thiên Chúa và con người, nhận ra sự thiện, sự thật, chính là lợi ích chung sẽ liên kết mọi người thiện chí lại với nhau. Tương lai của thế giới đang bị đe dọa”.
Chân phước Newman, mẫu gương hoán cải trong thời đại ngày nay
Tiếp theo ĐTC nói về cuộc trở lại Newman, người về sau trở thành hồng y: “Cuộc trở lại của ngài là ‘trở về với niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống’, trong niềm tin này ngài nhận ra Thiên Chúa và linh hồn, bản thể của con người ở mức độ tinh thần, những gì thật sự hiện hữu… Sự trở lại như vậy không đơn giản chỉ là thay đổi một lý thuyết nhưng chính là thay đổi hình thức cơ bản của sự sống. Tất cả chúng ta luôn cần một cuộc trở lại như thế, làm vậy chúng ta mới đi đúng hướng. Nơi Newman, động lực thúc đẩy ngài lên đường hoán cải chính là lương tâm, khả năng nhận ra sự thật về con người, khả năng con người nhận ra sự thật trong những lĩnh vực mang tính quyết định của cuộc sống, tôn giáo và đạo đức… Lương tâm, khả năng của con người nhận ra sự thật quy định họ sống theo lương tâm và có bổn phận lên đường tiến đến sự thật, tìm kiếm và tuân theo chân lý đã gặp được… Con đường hoán cải của Newman là con đường của lương tâm, con đường không do tính chủ quan tự khẳng định, mà ngược lại, do sự vâng phục hướng về sự thật từng bước mở ra cho ngài”.
Kết thúc huấn từ, ĐTC đề cập ngắn gọn về chuyến tông du của ngài đến Malta, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha: “Một lần nữa có thể thấy rõ ràng đức tin không phải là chuyện của quá khứ, nhưng là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống và đang hoạt động.”
(Theo VIS )






nguyenthuong.ctxl.photodays@picasaweb.com
SỨ ĐIỆP CỦA ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM 2010






1. Trong Năm Thánh 2010 nhân kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận tông tòa đầu tiên và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã triệu tập Đại hội Dân Chúa, từ ngày 21 đến 25 tháng 11 năm 2010, tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Tp. HCM. Hiện diện tại đại hội, có 32 giám mục, 300 đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước. Đại hội hân hạnh đón tiếp các vị đại diện đến từ các Giáo hội Canada, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, và đại diện các cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại.
Từ khắp mọi miền đất nước quy tụ về đây như anh chị em dưới một mái nhà, đây chính là thời điểm của ân sủng và kinh nghiệm quý báu Chúa ban cho Hội Thánh tại Việt Nam. Xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân cao quý này. Đồng thời, ý thức rằng trong suốt thời gian Đại hội, được anh chị em tín hữu công giáo tại Việt Nam cũng như hải ngoại luôn đồng hành trong lời cầu nguyện và qua những ý kiến đóng góp cho Đại hội, xin gửi đến mọi người lời cảm ơn chân thành nhất.
2. Đại hội Dân Chúa được khai mạc trọng thể vào ngày lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, 21-11-2010, tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sàigòn với sự tham dự đông đảo của anh chị em tín hữu. Cử hành lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ để khai mạc Đại hội giúp chúng tôi xác tín hơn vào sứ mạng của Hội Thánh. Chúa Kitô đã thiết lập Nước Thiên Chúa là “vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc thánh thiện và toàn phúc, vương quốc công chính, yêu thương và an bình” [1]. Hội Thánh Chúa Kitô có mặt trong lịch sử nhân loại với sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong quyền năng của Thánh Thần. Cũng thế, Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam có sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, góp phần kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước này.
3. Sứ mạng đó đòi hỏi Hội Thánh phải đổi mới không ngừng để thực sự là Hội Thánh Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam. Chúng tôi xác tín rằng Hội Thánh tại Việt Nam không phát xuất từ sáng kiến và nỗ lực của con người nhưng hoàn toàn phát xuất từ Thiên Chúa, sống nhờ Ngài và hướng tới Ngài [2]. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng nhất vẫn là củng cố, canh tân, đào sâu mối hiệp thông của mỗi người tín hữu cũng như của mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Cử hành Thánh Thể phải thực sự trở thành tâm điểm trong đời sống Hội Thánh tại Việt Nam. Để được như thế, cử hành Thánh Thể cần được nối dài bằng cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, đào sâu chân lý đức tin. Ước mong rằng trong những năm sắp tới, Hội Thánh tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc phổ biến và học hỏi Lời Chúa bằng những phương thế khác nhau, để Lời Chúa thực sự trở thành của ăn nuôi dưỡng tâm hồn, kim chỉ nam và ánh sáng soi dẫn mọi quyết định và chọn lựa của các tín hữu.
4. Đại hội cũng xác tín rằng để thực sự là Hội Thánh của Chúa Kitô nhập thể và nhập thế, Hội Thánh tại Việt Nam phải nhập thể vào văn hóa và lịch sử của dân tộc mình. Trong hơn 4 thế kỷ hiện diện tại Việt Nam, Hội Thánh đã góp phần không nhỏ vào đời sống và sự phát triển của đất nước. Chính những người công giáo đầu tiên đã tạo ra chữ quốc ngữ mà mọi người Việt Nam hiện đang sử dụng. Các trường công giáo đã đào tạo biết bao nhân tài cho đất nước. Cũng chính người công giáo đã đem những giá trị nhân văn thấm vào đời sống xã hội như tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, sự bình đẳng, tình bác ái, tinh thần phục vụ, hi sinh. Tiếp nối công trình của cha ông, Hội Thánh ngày nay cũng phải dấn thân vào việc xây dựng đất nước về mọi mặt: văn hóa xã hội, cũng như kinh tế chính trị, vì ý thức rằng: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo, không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm” [3]. Khi dấn thân xây dựng xã hội trần thế, Hội thánh “không hề muốn thay thế Chính Quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Hội thánh có thể góp phần mình vào đời sống của Đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân” [4]. Đó cũng là lời chứng cho mọi người thấy vẻ đẹp đích thực của Tin Mừng như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắn nhủ tất cả chúng ta, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người công giáo tốt cũng là người công dân tốt” [5].
5. Hội Thánh tại Việt Nam còn phải canh tân chính mình qua nỗ lực xây dựng Hội Thánh như một gia đình, trong đó mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà, bình đẳng với nhau trên nền tảng ơn gọi làm người và làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và trách nhiệm dù được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau. Sự hiệp thông này vừa là đòi hỏi vừa là lời chứng cần thiết mà Hội Thánh phải bày tỏ trước mặt mọi người như Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện: “Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21). Trong những ngày Đại hội, chúng tôi cảm nghiệm được bầu khí hiệp thông huynh đệ này khi mọi thành phần Dân Chúa sống chung với nhau như anh chị em trong một gia đình, cùng lắng nghe tiếng Chúa qua cầu nguyện, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và suy tư về Hội Thánh qua các bài thuyết trình, tham luận và hội thảo, với thao thức xây dựng Hội Thánh như lòng Chúa mong muốn. Sự hiện diện của đại diện các Giáo Hội chị em lại mở rộng hơn nữa chân trời hiệp thông trong Hội Thánh Chúa Kitô. Ước mong bầu khí huynh đệ này được trải rộng và thấm sâu vào đời sống Hội Thánh tại Việt Nam ở mọi cấp độ, trong mỗi gia đình, mỗi giáo xứ, mỗi dòng tu, mỗi giáo phận.
Để bày tỏ khuôn mặt Hội Thánh như một gia đình, đại hội kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hợp tác chặt chẽ với nhau trong tình hiệp nhất yêu thương. Xin anh chị em giáo dân tích cực tham gia vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh bằng những khả năng chuyên môn Chúa ban cho mình. Các gia đình công giáo được mời gọi giữ vững và củng cố ơn gọi hôn nhân Kitô giáo, xây dựng gia đình như Hội Thánh tại gia, cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương và ngôi trường đầu tiên đào tạo con người toàn diện. Đối với các bạn trẻ, xin các bạn nhiệt thành tham gia vào những sinh hoạt của Hội Thánh để đem sức sống và sự tươi trẻ cho đời sống Hội Thánh. Gia đình và giáo xứ phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục các đức tính nhân bản cho thiếu nhi, để sau này trở nên những con người hữu ích cho xã hội và Hội Thánh. Ước mong các tu sĩ thực sự trở nên dấu chỉ và chứng nhân sống động của tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho con người, nhất là những người bé mọn trong xã hội. Đại hội nhấn mạnh vai trò của các giám mục và linh mục trong Hội Thánh. Công cuộc canh tân Hội Thánh cần được bắt đầu từ hàng linh mục, vì thế ước mong các giám mục và linh mục Việt Nam không chỉ là người quản trị giỏi nhưng trước hết là người của Chúa và là những mục tử nhân lành, biết gắn bó với Chúa Giêsu trong cầu nguyện để có thể phục vụ cộng đoàn theo gương Thầy chí thánh, biết tôn trọng và phát huy vai trò người giáo dân trong tinh thần đối thoại và cộng tác.
6. Để thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trong hoàn cảnh ngày nay, Hội Thánh phải là chất xúc tác của nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên đất nước Việt Nam. Trong hai thập niên vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều điều đáng lo ngại cho tiền đồ của dân tộc. Nạn phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, sự gia tăng cách biệt giầu nghèo, tình trạng bất công, bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh… tất cả đang có chiều hướng gia tăng và là những dấu hiệu cụ thể của “nền văn hóa sự chết”. Xác tín rằng Tin Mừng là “men của tự do và tiến bộ, nguồn của tình huynh đệ, của khoan dung và hòa bình” [6], nên hơn ai hết, người công giáo Việt Nam có sứ mạng kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên đất nước này, đồng thời sẵn sàng đối thoại chân thành và cộng tác lành mạnh với mọi người thiện chí, không phân biệt tôn giáo hay chính kiến, nhằm phục vụ sự phát triển toàn diện của mọi người trong xã hội [7], nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Trong tinh thần đó, chúng tôi đề nghị Chính quyền Việt Nam mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo tham gia vào việc giáo dục học đường và y tế cộng đồng, vì ích lợi của người dân và của cả dân tộc.
7. Đối chiếu với sứ mạng cao cả đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu: “Anh em phải là muối cho đời, ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13.14), chúng tôi nhìn nhận mình còn nhiều lỗi lầm thiếu sót, vì thế khiêm tốn xin Chúa và anh chị em trong cũng như ngoài Hội Thánh tha thứ cho. Hội Thánh cũng nhớ đến biết bao khổ đau, bất công, bách hại đã phải chịu trong suốt chiều dài lịch sử của mình, không phải để nuôi dưỡng oán thù nhưng để tha thứ và cầu nguyện cho những người đã bách hại Hội Thánh, theo gương Chúa Kitô là Đấng đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong sự khó nghèo và bị bách hại [8]. Các thánh tử đạo Việt Nam vừa là gương mẫu vừa là động lực thúc đẩy Hội Thánh thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trên quê hương đất nước mình.
8. Đại hội Dân Chúa Việt Nam kết thúc nhưng lại mở ra cho những bước chân hi vọng, niềm hi vọng được khơi nguồn và hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Tất cả những ý kiến của Đại hội sẽ được đúc kết thành những đề nghị, là chất liệu chính của văn kiện hậu Đại hội, nhằm đưa ra những định hướng và kế hoạch mục vụ của Hội Thánh Việt Nam trong những năm sắp tới. Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến (Kh 22,20). Đây vừa là lời cầu xin vừa diễn tả niềm khao khát và hi vọng của Đại hội. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa ngự đến trong tâm hồn mỗi người chúng con và biến đổi chúng con thành môn đệ đích thực của Chúa. Xin Chúa ngự đến trong mỗi gia đình công giáo, để gia đình trở thành cộng đoàn thờ phượng Chúa, hiệp nhất yêu thương nhau và cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời. Xin Chúa ngự đến và hiệp nhất tất cả chúng con trong cùng một sứ mạng yêu thương và phục vụ, quyết tâm xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương, để dung nhan Chúa bừng sáng trên quê hương Việt Namchúng con. Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.



Làm tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Tp. HCM.,
Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2010



nguyenthuong.ctxl.photodays@picasaweb.com