Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

NGÀY TẾT Ở VIỆT NAM

Ý nghĩa và Tục lệ ngày Tết ở Việt Nam


TẾT ở Việt Nam là những ngày lễ hội lớn cho cả nước. Những ngày ấy mọi xóm làng, nhà nhà, ai ai cũng nghỉ làm việc và vui vầy đoàn tụ. Ngày tết có tính thiêng liêng và là một dịp làm mới lại mọi việc. Những ngày ấy việc mùa màng thường xong xuôi, dân làng làm lễ tạ ơn trời đất. TẾT mọi người chia sẻ với nhau những niềm vui ấm áp, tặng nhau những món quà để cầu chúc cho nhau một năm mới vạn sự như ý và còn rất nhiều phong tục có ý nghĩa khác.

Chính thức TẾT là ngày lễ gồm ba ngày đầu tiên của năm mới âm lịch, nhưng thật ra ta ăn mừng năm mới lâu hơn thế nữa. Giây phút thiêng liêng nhất là đêm giao thừa, là lúc 0 giờ bắt đầu bước qua năm mới. Mọi gia đình Việt Nam đều có cuốn lịch tính theo ngày ta, ngày theo mặt trăng (Lunar calendar) để theo dõi ngày giỗ và TẾT. Thường thường TẾT rơi vào khoảng giữa ngày 21 tháng 1 và ngày 20 tháng 2, giữa độ mùa đông và mùa xuân ở châu Mỹ.

Ý NGHĨA CỦA NGÀY TẾT

Người Việt ăn mừng TẾT với niềm tin thiêng liêng TẾT là ngày đoàn tụ, là ngày làm mới, là ngày tạ ơn và là ngày của hy vọng.
Ngày Đoàn Tụ - TẾT luôn luôn là ngày đoàn tụ của mọi gia đình. Dù ai buôn bán, làm việc hay đi học ở xa, họ thường cố gắng để dành tiền và thời giờ để về ăn TẾT với gia đình. Đó là nỗi mong mỏi của tất cả mọi người, người đi xa cũng như người ở nhà đều mong dịp TẾT gặp mặt và quây quần cùng gia đình.
TẾT cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình theo Phật giáo đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên đã qua đời về ăn cơm vui TẾT với các con các cháu.
Ngày TẾT người ta cũng hay thực hiện những nghi lễ, để dâng hương lên các vị thần theo huyền thoại là người ban phước cho gia đình chúng ta được nhiều sức khỏe, nhiều tiền tài, nhiều may mắn và an vui hạnh phúc trong năm vừa qua.
Ngày Làm Mới - TẾT là ngày đầu tiên trong năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và làm mới mọi việc. Việc làm mới có thể về hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Hoặc làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần của con người, để mối liên hệ với người thân được cảm thông hơn hoặc để tinh thần mình thoải mái, tươi mát hơn. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến và lư hương được đánh bóng. Bàn ghế tủ giường được lau chùi phủi bụi. Người lớn cũng như trẻ con đều tắm rửa gội đầu sạch sẽ, mặc quần áo mới may bảnh bao. Bao nhiêu mối nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới để xả xui hay để tạo một sự tín nhiệm nơi người chủ nợ. Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên. Tối thiểu ba ngày TẾT, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối liên hệ được tốt đẹp. Người mình tin rằng những ngày TẾT vui vẻ đầu năm sẽ báo hiệu một năm mới tốt đẹp sắp tới.
TẾT là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi;  còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được nhờ phúc.
Ngày của lạc quan và hy vọng - Năm cũ đã qua mang theo mọi xui xẻo và năm tới sắp đến mang theo đầy niềm tin lạc quan. Nếu năm cũ khá may mắn, thì tin sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.
Ngày TẾT người ta đốt pháo nhiều để xua đuổi ma xui xẻo đi và đồng thời người ta múa rồng múa lân sư tử khắp mọi nơi, nhất là những cửa hàng buôn bán để rước may mắn thịnh vượng về.
Mùa TẾT cũng là mùa cưới hỏi. Các cặp trai gái thích làm đám cưới vào dịp đầu năm, mùa xuân đất trời đang đẹp và đang mùa hy vọng. Họ hy vọng cho một cuộc đời mới vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau và sẽ có đàn con ngoan.
Ngày Tạ Ơn - Người Việt chọn ngày TẾT làm cơ hội để tạ ơn ân nghĩa mình đã được hưởng năm vừa qua. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp chỉ huy. Ngược lại, cấp chủ nhân cũng cám ơn nhân viên qua những buổi tiệc đãi hoặc quà thưởng để ăn tết.

NHỮNG TỤC LỆ NGÀY TẾT

Sửa soạn - Trong tuần lễ trước TẾT nhiều gia đình đi viếng mộ của người thân, đắp thêm đất, dọn cỏ, thắp nhang khấn mời hương linh người thân về vui TẾT với gia đình.
Ngày 23 tháng 12 âm lịch nhiều nhà làm cơm cúng tạ ơn và tiễn đưa ông Táo về trời. Ông Táo theo truyền thống được ví như là một ông thần ở trong bếp nhà mình suốt năm. Ông nhìn thấy tất cả nết na của mọi người trong gia đình mình và mỗi năm tới ngày này ông bay về trời để tâu trình với Thượng Đế về nết ăn nết ở của gia đình này.
Sau khi tiễn ông Táo về trời, là lúc mọi nơi làm tiệc tất niên mừng năm cũ đã qua. Phố phường đã nhộn nhịp với tiếng kèn tiếng trống ca hát mừng xuân. Người đi kẻ chạy, nhộn nhịp mua bán sắm sửa để dành ăn TẾT vì ba ngày TẾT tất cả hàng quán chợ búa đều đóng cửa.
Từ ngày 25 trở đi nhiều nhà đã bắt đầu gói bánh chưng để cúng TẾT, đem biếu và để dành ăn mấy ngày đầu năm. Bánh chưng ở ngoài bắc gói hình vuông thường vào khoảng 17cm mỗi cạnh và dầy 6cm, ở trong nam gói bánh hình ống. Bánh gói bằng lá dong hoặc lá chuối, ở bên trong có lớp gạo nếp bọc lớp đậu xanh nghiền nhuyễn và lớp nhân thịt heo đã ướp hành mắm muối tiêu thơm phức.
Bánh chưng thường được ăn chung với dưa hành muối. Vì thế mỗi khi tết đến nhà ai cũng có một lọ dưa hành muối sẵn, ngày nay thì có thể đi mua ngoài chợ.
Tết còn không thể thiếu Mân ngũ quả bầy trên bàn thờ. Gọi là mâm ngũ quả nhưng thực chất không có ai quy định phải là các loại quả gì. Mỗi loại quả có màu sắc, hương vị và hình dạng đặc trưng đều có một ý nghĩa nhất định. Mâm ngũ quả dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu và ước mong những điều tốt lành trong gia sự. Người ta thường dùng: chuối (hình nải như bàn tay ngửa thể hiện sự che chở, bao bọc); Phật thủ (giống như bàn tay Phật che chở cho mọi người); hồng, quýt (màu sắc sặc sỡ biểu hiện cho sự thành đạt); bưởi, dưa hấu (căng tròn thể hiện sự mát lành, tươi tốt); thanh long (rồng mây gặp hội)....
Giao Thừa - là giây phút thiêng liêng nhất, là đúng 12 giờ đêm của ngày cuối cùng trong năm. Khi màn đêm buông xuống, mọi con mắt đều chốc chốc lại hướng nhìn về phía đồng hồ để chờ đợi giao thừa. Chuông nhà thờ đổ dồn dã, tiếng chuông đại hồng bên chùa ngân vang, tiếng trống đình làng vang vọng, tất cả nhộn nhịp báo tin năm mới vừa đến.“Giao” có nghĩa là “cho, to give”, “Thừa” có nghĩa là “nhận, to receive”. Giây phút này năm cũ trao ủy nhiệm cuộc sống qua năm mới. Tặng phẩm đất trời được trao truyền sang thế hệ mới.
Trước khi trời tối, bàn thờ cúng trời đất để sẵn ngoài lộ thiên và bàn thờ cúng tổ tiên ở trong nhà đã được bầy biện sẵn. Phút giao thừa, người gia chủ mặc quần áo tề chỉnh, thắp hương, hai tay chắp trước ngực khấn lễ mời hương linh ông bà, tổ tiên về ăn TẾT với gia đình và phù hộ cho gia đình con cháu gặp mọi điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới.
Tiếng pháo giao thừa nổ ran mọi nơi, trẻ con reo hò, tiếng nhạc mừng xuân vang lừng báo hiệu phút giây thiêng liêng mầu nhiệm đã đến với tràn trề niềm vui thịnh vượng (mặc dù ngày nay pháo đã bị cấm nhưng vào dịp Tết và giao thừa đây đó vẫn có tiếng pháo nổ).
Nhiều gia đình đi chùa lễ Phật đêm giao thừa, theo truyền thống họ thường hái lộc, mang về nhà những nhánh cây có lá non nụ mới, như xin Phật được sự tươi mát cùng phước lành mang về nhà.
Mồng một tết - là ngày đầu trong năm, thường dành riêng cho gia đình nhỏ của mình và gia đình bố mẹ chồng. Trẻ con người lớn đều mặc quần áo đẹp quây quần bên nhau. Con cháu bắt đầu chắp tay trước ngực cung kính mừng tuổi và chúc tết, chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ. Sau đó, ông bà cha mẹ và người lớn lì xì mừng tuổi cho trẻ con. Lì xì đây là tặng một chút tiền, thường là tiền giấy mới tinh, gọi là chút quà đem lại may mắn cho trẻ con kèm lời chúc khuyến khích trẻ con cố gắng học và sống hòa thuận với những người chung quanh.
Thức ăn, bánh trái, kẹo mứt, rượu bia thuốc lá,hoa quả đã bày đầy trên bàn thờ, giờ đây mọi người tới lễ lạy tổ tiên, rồi khi nhang tàn hạ thức ăn xuống cả nhà cùng ăn, nói cười rộn rã.
Người khách đầu tiên bước vào nhà gọi là xông đất, được ví như là người mang đến vận hên xui cho gia chủ năm đó. Thế nên có nhiều gia đình rất cẩn thận, họ xếp đặt để chọn người khỏe mạnh tươi tắn, hợp tuổi với chủ nhà để mang nhiều may mắn đến nhà mình.
Mồng hai tết - là ngày thứ nhì trong năm mới, thường dành để thăm viếng và chúc tết gia đình bên vợ và gia đình những người bạn thân. Đi tới đâu trẻ con cũng được lì xì và nhiều bàn đánh bài hay xổ số được mở ra để mọi người thử vận hên xui cho năm mới.
Mồng ba tết - là ngày thứ ba trong năm mới. Mối giây liên hệ xã giao mở rộng ra ngoài phạm vi gia đình. Mình đi chúc tết bè bạn, thầy giáo, ông bà xếp, hàng xóm....
Tối ngày này là bữa cơm cúng tiễn đưa tổ tiên về lại thiên đường. Có nhiều gia đình tin theo lời truyền, họ đốt vàng mã là những thỏi vàng bạc giả bằng giấy để gửi tiền lộ phí cho tổ tiên về chầu trời.
Mồng bốn tết - là ngày thứ tư, là ngày chẵn tốt ngày. Mọi văn phòng dịch vụ, cửa hàng, nhà băng thường chọn ngày này để mở cửa lại. Khi xưa, các vị học giả nhà nho cũng cẩn thận chọn ngày tốt, giờ tốt đem bút giấy ra khai bút làm thơ hay viết câu đối.
Giờ này ngoài thành phố mọi sinh hoạt đã bắt đầu trở lại bình thường. Người lớn đi làm lại và học sinh tới mồng bẩy sẽ trở lại trường.
Ta thường nói “Ba ngày TẾT” nhưng thật ra không khí TẾT kéo dài cả tháng. Những lễ hội mừng TẾT lan rộng từ phạm vi gia đình, tới họ hàng, tới hàng xóm rồi tới làng xã, đâu đâu cũng có hội mừng xuân. Người ta nô nức rủ nhau đi thật nhiều chùa hoặc nhà thờ để xin được nhiều phước lộc. Các thôn làng thường tổ chức văn nghệ và hội múa cho cả làng tham dự. Rồi các cuộc thi đua tranh tài được diễn ra trong sân đình làng để mua vui. Tất cả mọi người vui đùa với nhau, họ sống trong sự hòa thuận và đoàn kết. Đó là ý nghĩa tuyệt vời của ngày TẾT Việt Nam.
Xuân Đẹp Làm Sao !

nguyenthuong.ctxl.photodays@picasaweb.com

LÀM SAO LẠI CÓ TẾT ...





“Mẹ ơi, vì sao lại có Tết?”





Tết đến, con được nghỉ học. Đượcăn bánh chưng, được tiền lì xì, mặc quần áo mới . Nhưng con vẫn chưa hiểu “Vìsao có Tết, vì sao kiêng quét nhà trong 3 ngày tết? Vì sao…?”.
Mẹ ơi, vì sao có Tết?
Tết hay còn gọi là Tết Nguyên đán, Tết cả, Tết âm lịch, Tết cổ truyền, là ngày đầu tiên của một năm âm lịch. Tết là dịp lễ quan trọng nhất với người Việt Nam, thường muộn hơn so với Tết Tây– ngày đầu tiên của năm dương lịch. Tết là dịp người Việt Nam thường tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, nguồn cội theo đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, gia đình sum họp.
Tết là dịp cả gia đình sum họp, quây quần
Ngày Tết, các con được mặc quần áo mới, đi chúc Tết ông bà, nhận tiền lì xì, được nghỉ học, được đi chơi ở nhiều nơi.
Tại sao gọi là đêm giao thừa?
Giao thừa chính là giây cuối của ngày cùng trong năm, 12 giờ đêm ngày 30 Tết. Đó là lúc con thấy trên sân thượng nhà mình cũng như ngoài sân của cácnhà hàng xóm hương thơm của lễ trừ tịnh bay nghi ngút trên mâm cỗ lễ có bánh chưng xanh, gà ngậm hoa, hoa quả, dầu, nước…
Ông bà, bố mẹ quần áo chỉnh tề, kính cẩn quỳ rạp cúng tế để tiễn quan hành khiến đã cai quản mình năm cũ về trời và đón người cai quản mình năm mới. Mâm cúng giao thừa bao giờ cũng được đặt ngoài trời để tiện cho các vị kịp dừng lại vài giây ăn, mang theo hoặc thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Giao thừa qua đi và chúng ta bắt đầu đón nhận ngày đầu tiên của năm mới với rất nhiều những tục lệ của người Việt Nam.
Mâm cỗ cúng giao thừa
Vì sao con được nhận tiền mừng tuổi (lì xì)?
Vào dịp Tết, người Việt có một phong tục thật đẹp là mừng tuổi (lì xì) cho con trẻ, mừng tuổi người già và mừng tuổi lẫn nhau. Phong tục lì xì có ý nghĩa là được lợi, được tiền, cầu mong các con, các ông bà và tất cả mọi người gặp nhiều may mắn.
Điều này cũng tương tự như người phương Tây thường tặng cho con trẻ quà, tặng nhau quà vào dịp Noel hay Tết dương lịch.
Theo truyền thuyết xa xưa, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con và khiến trẻ đau đầu, sốt cao, làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng. Có cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền đồng, ngày đêm túc trực bên bé.
Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối loé lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy. Tục mừng tiền lì xì cho trẻ ra đời từ đó và có ý nghĩa như một món lộc trừ tai hoạ, mang lại may mắn cho trẻ.
Ngày Tết, bé được bố mẹ mừng tuổi với lời chúc hay ăn chóng lớn, học giỏi, ngoan ngoãn.
Vậy nên khi được nhận những chiếc phong bao con phải thật lòng cảm ơn người tặng bằng thái độ cung kính: hai tay đón nhận phong bao và nói lời cảm ơn. Hãy cất bao lì xì vào túi áo chứ đừng mở trước mặt người tặng và không bình luận về số tiền mừng tuổi làm phật lòng người tặng. Như vậy con mới phải phép và nhận về mình những may mắn.
Vì sao tết con được ăn bánh chưng, có nơi lại ăn bánh tét?
Bánh chưng, bánh tét là loại bánh tượng trưng cho ngày Tết và hồi xưa chỉ vào dịp Tết mới có bánh chưng, bánh tét. Đây là vật phẩm để cúng trên bàn thờ tổ tiên vào ngày Tết và không thể thiếu được.
Theo sự tích xưa, bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho mặt đất. Đất đai đầy đủ, phì nhiêu ( nếp và đậuxanh), màu mỡ (nhân thịt nửa nạc, nửa mỡ) và no ấm. Bánh tét cũng giống như bánh chưng, là bánh Tết của người miền Nam. Bánh Tét hình đòn gánh, dài,tròn.
Bánh chưng, bánh tét tượng trưng cho năm mới no đủ, hạnh phúc, nhắc con cháu trong gia đình nhớ về tổ tiên, ông bà.
Các bà, các mẹ gói bánh chưng ngày Tết
Vì sao Tết con được mặc quần áo mới?
Tết là những ngày đầu tiên của năm mới. Sang năm mới, mặc quần áo mới cho ngày đầu năm để được nhiều may mắn, hạnh phúc hơn. Sang năm mới, mặc quần áo cũ sẽ đen đủi, xui xẻo.
Tết cũng là dịp đi chơi, gặp họ hàng, người thân, bạn bè, ai cũng muốn mình thật đẹp, tươm tất. Mẹ không chỉ mua quần áo mới cho con, mà còn sắm cho cả nhà.
Mẹ mua cho bé áo dài, khăn đóng diện Tết
Vì sao Tết kiêng khóc lóc, buồn tủi, cãi vã, nói xấu hay mắng người khác
Người Việt ta quan niệm rằng đầu năm làm điều gì xấu thì cả năm sẽ xui xẻo. Vậy nên chẳng ai muốn làm những hành động không hay này vào ngày Tết. Nếu bất đắc dĩ phải rơi vào hoàn cảnh không vui, chúng ta nên cố gắng kiềm chế để hưởng thụ một năm mới trọn niềm vui bên người thân, bạn bè.
Vì sao Tết kiêng làm vỡ các đồ vật?
Ông bà ta quan niệm từ “vỡ”, “bể” là những từ tạo nên sự chia lìa, cắt đứt, đổ vỡ. Đó không những chỉ đồ dùng có thể bị vỡ mà còn có thể là các quan hệ gia đình, bạn bè, người quen. Đó là những điều không tốt và không ai mong muốn xảy ra trong đầu năm mới.
Người lớn thường khuyên con cháu trong nhà những ngày Tết không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén.
Ngoài ra, còn một số việc được người Việt xem là cấm kỵ trong những ngày Tết như kiêng vay mượn tiền bạc, đồ đạc của người khác, gia đình có tang kiêng không đi chúc tết người khác… với mong muốn những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.
Vì sao Tết kiêng cho nước, cho lửa và quét rác ra khỏi nhà trong ba ngày Tết?
Người Việt cho rằng nếu quét nhà trong ba ngày đầu năm mới thì Thần Tài sẽ đi mất, tiền bạc không đến được với gia đình, và hiển nhiên nó mang lại điềm xấu, không may mắn. Vì thế nên ngày30, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, lau dọn bàn thờ sạch sẽ trước lúc giao thừa và những ngày Tết thì hết sức giữ gìn nhà cửa, không vứt rác bừa bãi.
Còn việc kiêng cho nước, cho lửa xuất phát từ quan niệm lửa có màu đỏ, là màu may mắn đầu năm mới, cho người khác cái đỏ trong ngày mùng một Tết thì sẽ khiến gia đình không giữ được tiền bạc, may mắn trong cả năm. Tương tự như vậy, nước, vốn được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc “Tiền vô như nước”, nếu cho đi nghĩa là cho mất lộc.



Nam Hải
(Tổng hợp)
Theo afamily.vn









nguyenthuong.ctxl.photodays@picasaweb.com