Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

RỬA CHÂN

RỬA CHÂN
  
  Rửa chân là bổn phận phục vụ và là công việc của tôi tớ (hoặc nô lệ). Ngày xưa, tôi tớ phải rửa chân cho chủ. Việt Nam không “lệ” rửa chân, nhưng tôi tớ lại phải khom lưng hoặc nằm xuống cho chủ bước qua.
  Rửa chân là một cách phục vụ của tôi tớ. Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa nhưng Ngài đã hạ mình để làm việc của tôi tớ mà rửa chân cho người khác, dù Ngài đã xác định: “Tôi tớ không trọng hơn chủ” (Ga 13,16a; Ga 15,20) và “kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13,16b). Trước khi các Giáo hoàng ký các văn bản, truyền thống Giáo Hội có “cách nói” khiêm nhường thật tuyệt vời: “Tôi tớ của các tôi tớ”.
  Có lẽ chân đi nhiều nên phải rửa. Tay muốn phạm tội mà chân không đi thì cũng… “bó tay”. Rửa chân còn có nghĩa là yêu thương, khiêm nhường, phục vụ và tha thứ.

RỬA CHÂN LÀ YÊU THƯƠNG
Trong Phúc Âm, Thánh Gioan ghi chép lại nghi lễ rửa chân do chính Chúa Giêsu thực hiện vào đêm cuối đời Ngài trên thế gian. Đây là điểm khác so với các Phúc Âm nhất lãm. Rửa chân người khác là hành động yêu thương. Nghi thức rửa chân chỉ có trong Phúc Âm của Thánh Gioan - là “chàng trai trẻ” tự xưng “người môn đệ Chúa yêu” (Ga 13,23; Ga 19,26; Ga 13,23; Ga 20,2; Ga 21,7.20), và vì thế mà Thánh Gioan cũng rất thích nói về tình yêu. Người rửa chân là “người thực hành yêu thương”, còn người được rửa chân là “người được yêu thương” - và cũng có trách nhiệm yêu thương người khác.
  Tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, như Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Tình yêu ấy là Lòng Thương Xót vô biên của Ngài, là khối tình cuồng si không ai hiểu thấu: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). Tình yêu có lý lẽ riêng của con tim mà lý trí không thể hiểu hết, nó có những nghịch lý vừa “kỳ diệu” vừa “dễ thương” và khả dĩ chấp nhận. Thánh Gioan phân tích: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4,12). Đại văn hào Victor Hugo cũng có ý tưởng độc đáo: “Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu”. Chết vì yêu lại là sống trong tình yêu. Quá ngược đời, và lạ thật! Người đời còn nhận ra như vậy, huống chi Thiên Chúa.

RỬA CHÂN LÀ KHIÊM NHƯỜNG
Người có lòng yêu thương thì luôn sống khiêm nhường. Mà khiêm nhường chính là nền tảng mọi nhân đức. Rửa chân người khác là động thái chứng tỏ sự khiêm nhường, khi chúng ta làm vậy là chúng ta vâng lời mà thực hành mệnh lệnh Chúa Giêsu đã truyền dạy. Chúa Giêsu quan tâm công việc mà người ta cho là hèn hạ đó, thế nên chúng ta cũng phải noi gương mà làm với sự vui vẻ và lòng khiêm nhường, khi đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa để hiểu đúng và làm đúng. Ý nghĩa sâu sắc này sẽ giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của gương Chúa Giêsu đối với chúng ta ngày nay.
  Có vẻ lạ khi 3 tác giả Phúc Âm kia (Mátthêu, Máccô và Luca) tập trung vào Bánh và Rượu mà Chúa Giêsu biến thành Mình Máu Ngài lúc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể vào chiều tối ngày Thứ Năm Tuần Thánh, buổi tối cuối cùng của đời Ngài. Tông đồ Gioan lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Chúng ta biết rằng “người môn đệ Chúa yêu” ghi lại đầy đủ các hành động và lời nói của Chúa Giêsu, còn các tác giả kia không ghi lại. Câu trả lời có thể đơn giản là Gioan cảm thấy nghi thức rửa chân cần được thuật lại trong Tân ước. Mặt khác, Gioan có thể nhận thấy có sự nối kết trực tiếp giữa việc rửa chân và “việc làm khác thường” của Đức Kitô trong cuộc đời Ngài, trong cái chết của Ngài và sự sống đời sau.
  Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã noi gương Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, không chỉ rửa chân cho người khác mà còn cúi xuống hôn chân người được rửa chân. Một động thái “kỳ lạ” gây ấn tượng rất sâu sắc và thật là dễ thương!

RỬA CHÂN LÀ PHỤC VỤ
Người có lòng khiêm nhường thì luôn sẵn sàng phục vụ người khác. Chúa Giêsu xác định: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26). Ngài không nói cho có lệ, không nói suông, mà chính Ngài đã nêu gương và xác định: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Nghi thức rửa chân được ghi lại trong Ga 13,1-17 cho chúng ta một cái nhìn mới về tính cách của Đấng Cứu Độ. Khi nào chúng ta áp dụng bài học “độc nhất vô nhị” này trong đời sống, chúng ta sẽ có thể hiểu hơn về lý do có người vẫn cố gắng đi tìm hạnh phúc mà chưa đạt được trọn vẹn, còn có người lại may mắn đầy ắp niềm vui sướng - như người Việt Nam nói: “Sướng từ trong trứng sướng ra” hoặc “đẻ bọc điều”. Đây cũng là một bí ẩn mầu nhiệm của cuộc đời, một dạng “vô cực”.
Chúa Giêsu đã làm công việc mà người ta cho là hèn hạ, đó là rửa chân, nhưng không phải là rửa chân cho người trên mà là rửa chân cho người dưới quyền mình. Rõ ràng là Ngài không muốn được phục vụ mà chỉ muốn phục vụ. Tuy nhiên, đó cũng chính là mệnh lệnh của Ngài: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,13-16).
Thánh Luca cũng nói đến việc đó trong buổi tối lễ Vượt Qua: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,24-27).
  Qua hành động, Chúa Giêsu cho thấy rõ rằng Ngài không đòi hỏi chúng ta làm gì cho Ngài, dù Ngài là Thủ lĩnh và Đại huynh của chúng ta, đáng lẽ Ngài phải được người khác phục vụ, thế mà Ngài lại phục vụ họ - tức là chúng ta - và Ngài không chỉ muốn mà còn bắt buộc chúng ta phải vui vẻ phục vụ nhau. Như vậy, chắc chắn sự phục vụ là thực chất của việc lãnh đạo.
  Chúa Giêsu thích phục vụ, cả đời Ngài rong ruổi khắp nơi để phục vụ người khác - đặc biệt là những người nghèo khổ. Điều này được xác định qua mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và Tông đồ Phêrô trong trình thuật Ga 13,6-10: “Chúa Giêsu đến chỗ ông Phêrô, ông liền thưa với Ngài: “Thưa Chúa, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”. Nhưng Chúa Giêsu nói ngay: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy”. Vừa sợ không được chung phần vừa khoái chí, ông Phêrô phấn khởi: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa”. Chúa Giêsu cười rất hiền: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa, toàn thân người ấy đã sạch”. Và Ngài “láy” một câu quan trọng: “Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”.

RỬA CHÂN LÀ THA THỨ

Người mau mắn phục vụ thì dễ dàng tha thứ. Vì cảm nghiệm được ơn tha thứ nên muốn tha thứ, muốn rửa mình và rửa người khác. Ở đây, động từ “rửa” không chỉ là làm cho sạch mà còn là tha thứ. Phàm cái gì bẩn thì phải rửa, dù bẩn theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Thánh vương Đavít cũng đã cầu nguyện: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51,4).
  Rửa sạch là việc cần làm ngay, tha thứ cũng là việc cần làm càng sớm càng tốt và càng nhiều càng tốt. Có lần ông Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18,21). Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Không chỉ vậy, chúng ta còn phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho cả kẻ thù nữa (Mt 5,44; Lc 6,27). Khó quá, nhưng không được phép không làm!
  Tha thứ mỗi ngày 1 lần cũng khó rồi, nhất là khi “sự xung đột” trầm trọng, huống chi mỗi ngày tha thứ 7 lần. Giáo hoàng Phêrô nghĩ mình có thể tha thứ 7 lần là “ngon” lắm rồi, ai dè… “bị hố”!
Chúng ta thực sự may mắn nên có thể tạ ơn vì luôn tận hưởng hồng ân tha thứ mỗi khi chúng ta cần đến Lòng Thương Xót của Chúa. Nếu chúng ta không biết tha thứ thì chúng ta là người đầy tớ không biết thương xót đồng loại (x. Mt 18,23-35), nghĩa là chúng ta vừa ích kỷ vừa độc ác nên không thể được Thiên Chúa tha thứ!
  Lòng Chúa Thương Xót quá lớn nên ơn tha thứ của Ngài cũng vô cùng, vẫn cầu xin Chúa Cha thương chính những kẻ đã dã tâm giết chết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

TẠM KẾT
  Cuối cùng, chúng ta phải ghi nhớ lời Chúa Giêsu nói về việc rửa chân: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13,17). Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thực hành chứ không bảo chúng ta nghe biết cho vui tai.
  Ngài chú ý cách thực hành tích cực, và chúng ta chắc chắn sẽ hạnh phúc nếu chúng ta thực hành điều Ngài đã làm. Ngài biết rằng sự đố kỵ, ghen ghét, bực tức và thiếu lòng tha thứ làm chúng ta bị hạn chế và ngăn cản sự phát triển tâm linh của chúng ta. Nếu chúng ta cho phép những điều đó xảy ra, cuối cùng chúng sẽ huỷ diệt chúng ta.
  Khi tham dự phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta hãy suy niệm những bài học Chúa Giêsu đã làm, chúng ta sẽ cố gắng khiêm nhường và cảm nghiệm niềm hạnh phúc khi noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu trong việc phục vụ nhau bằng cách tha thứ lẫn nhau.
  Vậy thì chúng ta đích thực là môn đệ của Chúa Giêsu, như Ngài đã tâm sự: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Là thân phận tôi tớ, thậm chí chỉ đáng làm nô lệ, thế nhưng chúng ta lại được Chúa Giêsu gọi là bạn hữu và là môn đệ. Còn hạnh phúc nào hơn?!
  Lạy Chúa, xin rửa chúng con được sạch. Xin giúp chúng con biết chân thành yêu thương, luôn sống khiêm nhường, vui vẻ phục vụ và mau mắn tha thứ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
  Mùa Chay – 2012
 Trầm Thiên Thu

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊDICTÔ XVI THĂM CUBA


Ngày thứ nhất chuyến tông du Cuba của ĐTC Bênêđictô XVI: “Tự do đích thực chính là biết vâng phục Thiên Chúa”
WHĐ (27.03.2012) – Chuyến tông du lần thứ 23 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bên ngoài lãnh thổ Vatican đã bước sang chặng thứ hai: đến Cuba nhân dịp kỷ niệm 400 năm phát hiện pho tượng Đức Mẹ Bác Ái, bổn mạng đất nước Cuba. Như một người hành hương của lòng mến, ĐTC đến Cuba để giúp anh chị em mình vững mạnh trong đức Tin và củng cố niềm hy vọng nơi họ.
ĐTC Bênêđictô XVI chào từ biệt Mexico: “Hãy thăng tiến con người”
Lúc 10g sáng thứ Hai 26-3, tại sân bay Guanajuato-Silao (Mexico), đã diễn ra lễ tiễn ĐTC sau 3 ngày toàn đất nước Mexico vui mừng, nồng nhiệt đón tiếp ĐTC và đón nhận những thông điệp mang lại niềm hy vọng, sự khích lệ đối với đất nước đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn trên mọi lĩnh vực đời sống.
Trước lúc lên máy bay rời Mexico, ĐTC đã ngỏ lời cảm ơn chính phủ và người dân Mexico, toàn thể Giáo Hội tại Mexico đã dành cho ngài biết bao tình cảm nồng nhiệt, khiến ngài không thể quên chuyến tông du ba ngày vừa qua, cũng như đã làm hết sức mình giúp cho chuyến viếng thăm Mexico của ngài đạt kết quả mỹ mãn.
ĐTC nhấn mạnh: “Tôi chia sẻ mọi vui mừng và khổ đau của anh chị em Mexico, và trong lời cầu nguyện dưới chân Thánh giá, tôi đặt mọi niềm vui, nỗi buồn đó vào trái tim Chúa Giêsu đang chảy máu và nước đem lại ơn giải thoát.
Lúc này, tôi tha thiết kêu mời anh chị em tín hữu Mexico và tất cả mọi người nam nữ thành tâm thiện chí, đừng nhường bước trước chủ nghĩa thực dụng vốn chẳng kể gì những người yếu đuối, không thể tự vệ.
Tôi kêu gọi anh chị em hết sức liên kết cùng nhau đổi mới xã hội ngay từ nền tảng, để mọi người được sống xứng đáng, có công lý và hòa bình.
Đối với anh chị em tín hữu Công giáo, sự đóng góp vào ích lợi chung cũng là một đòi hỏi chính yếu của Phúc âm, đóng góp vào sự thăng tiến con người chính là thực hành bác ái có ý nghĩa nhất.
Vì thế, Giáo Hội khuyến khích mọi tín hữu hãy làm những người công dân tốt, ý thức mình có trách nhiệm quan tâm đến thiện ích của tha nhân, của mọi người, cả trên bình diện cá nhân cũng như xã hội”.
Kết thúc diễn từ chia tay, ĐTC nói những lời khiến mọi người hết sức xúc động:
“Các bạn Mexico thân mến, xin gửi đến các bạn lời chào Adios (Tạm biệt) vốn mang ý nghĩa tuyệt đẹp trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, nghĩa là Hãy ở lại với Chúa! Vâng, Adios, luôn ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô. Trong Chúa Kitô, chúng ta sẽ gặp lại nhau và gặp lại tất cả mọi người. Xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn và xin Đức Maria Rất Thánh che chở các bạn!”.
Đức Thánh Cha đến Cuba: “Để giúp anh chị em tôi vững mạnh trong đức Tin và củng cố niềm hy vọng”

14g15 (giờ địa phương), phi cơ của ĐTC hạ cánh xuống phi trường quốc tế Antonio Maceo, thuộc  Santiago de Cuba (miền nam Cuba).
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Raul Castro đã dẫn đầu phái đoàn Nhà nước và Chính phủ chào đón ĐTC.
Đức cha Dionisio Guillermo Garcia Ibanez, Tổng Giám mục Santiago de Cuba, dẫn đầu đoàn đại diện các thành phần dân Chúa tại Cuba, tham dự buổi mừng đón ĐTC viếng thăm Cuba.
Được biết nhân sự kiện trọng đại ĐTC tông du Cuba, nhiều người Cuba tị nạn ở Mỹ đã được cấp chiếu khán về thăm quê hương và tham dự các buổi yết kiến ĐTC.
Trong diễn văn chào mừng ĐTC, Chủ tịch Raul Castro khẳng định: “Hiến pháp Cuba bảo đảm cho mọi công dân hoàn toàn được tự do tôn giáo”. Ông cũng đề cập đến tình trạng kinh tế hiện nay của Cuba và cho biết đó là do chính sách cấm vận của Mỹ trong 50 năm qua, tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi phải đương đầu với tình trạng khan hiếm nhưng chưa hề thất bại trong nghĩa vụ chia sẻ với những người thiếu thốn”.
Trong diễn văn đáp từ, ĐTC cảm ơn sự đón tiếp của Nhà nước dành cho ngài, đồng thời nêu rõ tình cảm của ngài đối với đất nước và con người Cuba.
ĐTC nhắc đến chuyến viếng thăm Cuba năm 1998 của Chân phước Gioan Phaolô II và gọi đó là chuyến “viếng thăm lịch sử”, “để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm hồn người dân Cuba”, và “nhiều người Cuba, kể cả không phải là tín hữu Công giáo, đã gặp được nơi vị tiền nhiệm của tôi ‘một người hướng dẫn sáng ngời cho cuộc sống của bản thân cũng như cho hoạt động của xã hội hướng đến việc phục vụ nền công ích của đất nước”.
Nêu cao những thành quả chuyến tông du của vị tiền nhiệm, ĐTC cho biết, về phương diện Giáo Hội, “chuyến viếng thăm của ngài (Đức Gioan Phaolô II) đến đảo quốc này là một luồng gió trong lành đem lại sức sống mới cho Giáo Hội tại Cuba”, và về phương diện xã hội, “đem lại một tinh thần mới của sự hợp tác và tin cậy”.
Đề cập đến hiện tình đất nước Cuba, ĐTC nói rõ ngài biết đất nước này đang cần được phát triển, đồng thời khẳng định “sự đóng góp không thể thiếu của tôn giáo vào đời sống xã hội”.
ĐTC chia sẻ niềm vui của đất nước Cuba trong dịp kỷ niệm 400 năm phát hiện pho tượng Đức Mẹ Bác ái El Cobre. ĐTC nói Đức Maria là “Người Mẹ thật sự của nhân dân Cuba”.
ĐTC nêu cao lòng tôn sùng Đức Mẹ của người Cuba đã nâng đỡ đời sống đức Tin và khuyến khích họ “làm mọi sự mang lại phẩm giá cho cuộc sống và những quyền căn bản của con người”.
ĐTC cho biết ngài muốn làm người hành hương, tiếp bước vô vàn khách hành hương của hàng mấy thế kỷ, để được quỳ cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ El Cobre, tạ ơn Mẹ đã đoái thương con cái Cuba của Mẹ và nài xin Mẹ “dẫn dân tộc mến yêu này đi tới tương lai trên con đường công lý và hòa bình, tự do và hoà giải”.
ĐTC nói về mục đích viếng thăm Cuba: “Tôi đến Cuba như một người hành hương của lòng mến, để giúp anh chị em tôi vững mạnh trong đức Tin và củng cố niềm hy vọng nơi họ. Niềm hy vọng phát sinh từ sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta”.
ĐTC nhắc lại Giáo Hội tại Cuba phải dấn thân phục vụ con người Cuba. Phục vụ qua những hoạt động mục vụ và qua việc vun tưới “di sản giá trị tinh thần và đạo đức tốt đẹp đã làm nên bản sắc thực sự của dân tộc Cuba”.
ĐTC cử hành Thánh lễ đầu tiên tại Cuba: “Tự do đích thực là biết vâng phục Thiên Chúa”
Buổi chiều ngày đầu tiên đặt chân đến Cuba, lúc 17g30 (giờ địa phương), tại quảng trường Antonio Maceo của thành phố Santiago de Cuba, ĐTC đã dâng Thánh lễ đồng tế, mừng lễ Truyền tin, kính Đức Mẹ Bác Ái Cobre (Virgen de la Caridad del Cobre), bổn mạng đất nước Cuba.
Khoảng 250.000 tín hữu tham dự Thánh lễ.
Trong bài giảng, ĐTC giải thích ý nghĩa lễ Truyền Tin, mời gọi các tín hữu noi gương Đức Mẹ luôn vâng theo ý Chúa: “Sống theo ý Chúa muốn là con đường đưa đến gặp được căn tính đích thực của chúng ta, sự thật về hiện hữu của chúng ta, còn xa lìa Thiên Chúa thì chính chúng ta đã bị tha hóa và hư mất”.
ĐTC nhấn mạnh: “Sống vâng phục trong đức Tin chính là sự tự do đích thực, sự giải thoát đích thực, giúp chúng ta được kết hiệp với tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng hằng vâng phục ý Chúa Cha”.
Kết thúc bài giảng, ĐTC kêu gọi các tín hữu sống bậc vợ chồng: “Ngay từ lúc tạo dựng, trong kế họach yêu thương của mình, Thiên Chúa đã trao cho gia đình, được hình thành qua hôn nhân, sứ mệnh cao cả là trở nên tế bào của xã hội và là Giáo Hội tại gia đích thực. Với tính chất bền vững này, các con –những người chồng, người vợ– được Chúa kêu gọi để trở nên dấu chỉ hữu hình, nhất là cho con cái mình, về tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh. Đất nước Cuba đang cần đến chứng từ của các con về lòng trung tín, sự hiệp nhất, biết đón nhận sự sống con người, nhất là đón nhận những người yếu đuối và nghèo khổ”. 

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

ĐỨC THÁNH CHA TÔNG DU MEXICO Và CUBA


WHĐ/VIS (24.03.2012) – Hôm qua, 23-03, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bắt đầu chuyến tông du Mexico và Cuba. Đây là chuyến tông du thứ 23 của ngài bên ngoài lãnh thổ Vatican.ĐTC rời phi trường Fiumicino lúc 9g30 sáng (giờ Roma) và đáp xuống sân bay León, thủ phủ bang Guanajuato của Mexico, thành phố lớn thứ tư ở miền Trung Mexico, lúc 16g30 (giờ địa phương), sau 14 giờ bay.Theo chương trình, ĐTC viếng thăm Mexico trong ba ngày. Ngài sẽ trú ngụ tại Trường Đức Bà Miraflores của các nữ tu Dòng Thánh Thể.

Lịch trình của ĐTC tại Mexico:

Thứ Bảy 24-03:

Hội kiến Tổng thống Felipe de Jesús Calderón Hinojosa.Buổi chiều: gặp thiếu nhi León.

Chúa Nhật 25-03:   10g sáng: ĐTC chủ sự Thánh lễ đồng tế tại Công viên Đệ nhị bách chu niên.18g: Chủ sự Giờ kinh Chiều với sự tham dự của hàng giám mục Mexico và các giám mục châu Mỹ latinh.

Thứ Hai 26-03:   ĐTC rời Mexico viếng thăm Cuba, chặng thứ hai của cuộc tông du.Trước giờ ĐTC khởi hành, cha Federico Lombardi, SJ, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nhắc lại với báo chí về những lý do ĐTC thực hiện chuyến tông du: kỷ niệm 200 năm nền Độc lập của các quốc gia Trung và Nam Mỹ; 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mexico và Tòa Thánh; Năm Thánh kỷ niệm 400 năm Đức Mẹ Cobre, bổn mạng Cuba.Đồng thời linh mục Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh nhấn mạnh: “Chuyến tông du miền đất trung tâm của châu lục còn là chuyến đi của niềm hy vọng. Niềm hy vọng của người Mexico, một dân tộc có nhiều triển vọng nhưng không may gặp phải nhiều vấn đề và sống trong bầu khí bạo lực đang phá hoại tương lai của mình”.Cha Lombardi cũng đề cập đến niềm hy vọng của dân tộc Cuba “đang sống trong bình minh của thời đại mới, một thời đại đã từng được Đức Gioan Phaolô II đề cập một cách tiên tri, khi ngài kêu gọi Cuba mở cửa tiếp xúc với thế giới và thế giới mở cửa đón nhận Cuba. Những triển vọng này chỉ có thể thực hiện trong sự phát triển, tôn trọng tự do và hòa giải”.Cuối cùng là niềm hy vọng cho châu Mỹ latinh, nơi đã chứng kiến “sự dấn thân của Giáo Hội, kể từ Đại hội toàn thể Giám mục châu Mỹ latinh và vùng Caribê tại Aparecida 2007, vào sứ vụ tại châu lục là đồng hành cùng sự tiến bộ của các quốc gia, bằng cách đưa các giá trị Kitô giáo hội nhập sự phát triển toàn diện con người, mặc dù hiện có những khó khăn và nguy hiểm”.

Vincente Nguyễn Viết Thương - TổngHợp MEDIA

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ĐIỀU TRỊ CHẤN THƯƠNG SAU TAI NẠN CHO ANH ĐỖ BÁ PHƯƠNG Ở ĐỒNG NAI


Lm. Giuse Nguyễn Thanh Kiều, Giáo Xứ Suối Tre, Giáo Phận Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, điện thoại: 0613.726.543, giới thiệu trường hợp anh ĐỖ BÁ PHƯƠNG, sinh năm 1986, con của ông Đỗ Bá Sang và bà Lê Thị Bảy, hiện ngụ tại tổ 5, ấp Dưỡng Đường, xã Suối Tre, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, điện thoại: 0974.344.509 liên lạc với người chị là cô Thủy là chị. Cha anh Phương đã mất, giờ anh đi làm mướn ở rừng cao su để nuôi mẹ già. Gia đình có 6 anh chị em, đều có gia đình riêng và làm thuê chỉ đủ sống qua ngày.

Ngày 31.10.2012, trên đường đi làm về, anh Phương bị tai nạn gây chấn thương sọ não, chân trái gãy thành 4 khúc, xương bị gãy nát, liệt nửa người. Hiện tại hộp sọ của anh được nuôi ở Bệnh Viện Phạm Ngọc Thạch, Sàigòn, còn bản thân anh được chữa trị tại Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình, Sàigòn. Vì vết thương ở chân vẫn còn chảy nước vàng liên tục, các bác sĩ yêu cầu cứ 10 ngày một lần phải được chạy chữa với chi phí khoảng 2.5 triệu. Chi phí đến nay đã hơn 150 triệu, gia đình đã phải cầm cố căn nhà với số tiền 80 triệu, vay mượn bà con hàng xóm mà vẫn không đủ để tiếp tục lo liệu lâu dài cho anh ( Ảnh chụp anh Phương nằm trên xe cấp cứu chuyển viện ).

Ngày 17.3.2012, chúng tôi quyết định mở Quỹ Trợ Giúp điều trị chấn thương sau tai nạn cho anh ĐỖ BÁ PHƯƠNG với số tiền là 40.000.000 VND. Mọi liên hệ trợ giúp xin gửi về cho Lm. Lê Quang Uy, Trung Tâm Mục Vụ DCCT, 38 Kỳ Đồng, P. 9, Q. 3, Sàigòn. Email: ttmvcssr@gmail.com 

Danh sách các ân nhân đã chia sẻ:
 
Trích tiền giỏ Lễ Xa Quê CN 18.3 ( Sàigòn ): 11.000.000 VND
Một ân nhân Gx. Hòa Hưng ( Sàigòn ): 500.000 VND
Chị Hồ Mỹ Linh ( Sàigòn ): 500.000 VND
Một ân nhân Gx. Chí Hòa ( Sàigòn ): 1.000.000 VND
Cô Hứa Huệ Tuyết, Q. Phú Nhuận ( Sàigòn ): 5.000.000 VND
Anh Thành ( Sàigòn ): 2.000.000 VND
Một ân nhân Gx. Tân Thái Sơn ( Sàigòn ): 200.000 VND
Chị Vân, Xóm 1, Gx. ĐMHCG ( Sàigòn ): 200.000 VND 
Anh chị Long Yến ( Biên Hòa ): 1.000.000 VND
Gia đình Giuse Maria ( Sàigòn ): 500.000 VND
Cô Hồng ( Sàigòn ): 500.000 VND
Một ân nhân ở Quận Tân Bình ( Sàigòn ): 200.000 VND
Hai ân nhân Gx. Đa Minh Tam Hiệp ( Biên Hòa ): 1.300.000 VND
Cụ bà Maria Trần Thị Hồng, Q. 5 ( Sàigòn ): 500.000 VND
Một ân nhân ẩn danh, ĐT: ...466.371 ( Sàigòn ): 5.000.000 VND

Sơ kết lúc 20g30 tối thứ năm 22.3.2012: 29.400.000 VND 
Theo TTMV Dòng CCT

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

HÀNG GIÁM MỤC HOA KỲ THAM GIA DIÊN ĐÀN BLOB


Hàng Giám Mục Hoa Kỳ tham gia diễn đàn blog trực tuyến

Thứ bảy - 10/03/2012 08:49
WASHINGTON, DC, MARCH 5, 2012 (Zenit.org) – Đức Hồng Y Donald Wuerl vừa mới tham gia trực tuyến bằng việc thiết lập một blog. Trong bài diễn văn nhậm chức vào ngày 26 tháng hai vừa qua, tại Tổng Giáo Phận Washington DC của mình, Đức Hồng Y giải thích rằng trong nhiều năm ngài đã viết nhiều sách báo và xuất hiện trên truyền hình nhiều lần, nhưng đây là công việc viết blog đầu tiên của ngài.
Đức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng Giáo Phận Washington DC
Đức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng Giáo Phận Washington DC
Đức Hồng Y Donald Wuerl nói: "Những gì tôi muốn làm trong blog này là để nói về đức tin Công Giáo của chúng ta, những gì đức tin chỉ dạy, lý do tại sao đức tin có vai trò rất quan trọng, và chắc chắn với tôi, tôi hy vọng rằng công việc nói về đức tin Công Giáo này sẽ quan trọng và cần thiết cho tất cả anh chị em."

Ngài đã chọn tiêu đề của blog là: "Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết" (Seek First the Kingdom) bởi vì, Đức Hồng Y giải thích, công việc tìm kiếm Nước Thiên khởi đi từ những đòi hỏi, những thách thức mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ theo Chúa phải thực hiện ngay giữa cuộc sống hàng ngày: "Chúng ta sẽ làm cho tâm hồn chúng ta hướng đến cách rõ ràng không phải vào những gì là bề ngoài, những gì có thể nhìn thấy được cách hữu hình xung quanh chúng ta, nhưng chính là sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng tôi. "

 
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Đức Hồng Y Donald Wuerl đã chọn tiêu đề của blog là: "Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết" (Seek First the Kingdom)



Ngài bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai, ngài sẽ có thể chia sẻ, đóng góp vào việc củng cố đức tin Công giáo, và mang Đức tin Công giáo đến cho thế giới xung quanh chúng ta.

Đứuc Hồng Y kết luận: "Hy vọng của tôi là trong thế giới kỹ thuật số, chúng tôi sẽ có cơ hội, như Đức Giáo Hoàng Benedict XVI có lần đã cho biết, ‘để gặp gỡ nhau mà không bị không gian vật lý giới hạn’ để chúng ta có thể tạo ra một thế giới hoàn toàn mới trong một tình thân ái đầy hứa hẹn…'"

Ba vị hồng y khác của Mỹ đã có blog. Đức Hồng Y Seán O'Malley, O.F.M. Cap, Giáo Phận Boston, là vị Giám Mục tiên phong trong việc viết Blog, và blog của ngài đã khai trương vào tháng Chín năm 2006.
Người viết blog thứ hai thuộc hàng Giám Mục la Đức Hồng y Roger Mahony. Vào cuối năm 2009, Đức Tổng Giám mục đã nghỉ hưu của Tổng Giáo Phận Los Angles, Đức Hồng y Roger Mahony, đã thiết lập một trang blog và ngài tiếp tục gửi bài viết của ngài thường xuyên lên trang blog của mình.

Vị thứ ba trong hàng ngũ các Giám Mục viết blog là Đức Hồng y Timothy Dolan. Từ Tổng Giáo phận New York, Đức Hồng y Timothy Dolan đã lập trang blog của mình mang tựa đề: "Tin Mừng trong thời đại kỹ thuật số" (The Gospel in the Digital Age). Trong thời gian gần đây, ngài đã sử dụng trang blog của mình để bảo vệ tự do tôn giáo bằng những bài do ngài viết và post lên mạng trong trang blog của ngài, ngài trình bày những quan điểm và thẳng thắn chỉ trích về các quy định bảo hiểm y tế liên quan đến bảo hiểm tránh thai của chính phủ Hoa Kỳ.

Một số Giám Mục Hoa kỳ cũng có blog. Hai trong số các vị Giám mục có trang blog đó hiện đang ở Texas. Đức Giám Mục Kevin Farrell có trang blog từ giáo phận Dallas của ngài, và Đức Giám Mục Kevin W. Vann thuộc giáo phận Fort Worth có blog riêng của mình hơn một năm nay.

Dưới đây là những địa chỉ trang bolg của các ngài. Mời các bạn nhớ ghé thăm những trang mang này, để như Đức Giáo Hoàng Benedict XVI có lần đã cho biết “…gặp gỡ nhau mà không bị không gian vật lý giới hạn” để chúng ta chia sẻ, hiệp thông, giúp đỡ và cầu nguyện cho nhau trong hành trình sống Đức Tin…:

http://cardinalsblog.adw.org/  Cardinal Wuerl

http://www.cardinalseansblog.org/  Cardinal Seán Patrick O’Malley, O.F.M. Cap.

http://cardinalrogermahonyblogsla.blogspot.com.au/  Cardinal Roger Mahony.

http://blog.archny.org/   Cardinal Dolan

http://bishopkevinfarrell.org/blog/  Bishop Kevin Farrell.

http://fwbishop.blogspot.com.au/  Bishop Kevin W. Vann.

-----------------

Philip Trần chuyển ngữ
Nguồnhttp://www.zenit.org/article-34404?l=english
Tác giả bài viết: Trần Thuận

TOÀN CẢNH PHÁI ĐOÀN TÒA THÁNH THĂM GIÁO HỘI VIỆT NAM 2012

Phái đoàn Tòa Thánh thăm Giáo Hội Việt Nam
  WHĐ (02.03.2012) – Nhân dịp đến Việt Nam tham dự Cuộc họp Vòng 3 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam–Vatican diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28 tháng Hai 2012, Phái đoàn ngoại giao Tòa Thánh – gồm Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh; Đức ông Phanxicô Xaviê Cao Minh Dung thuộc Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh và Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương thuộc Bộ Truyền Giáo – đã đến thăm một số cơ sở Giáo Hội Công giáo tại Tổng giáo phận Hà Nội và giáo tỉnh Sài Gòn.
  Sau khi kết thúc cuộc họp với Phái đoàn Việt Nam, chiều thứ Ba 28 tháng Hai, Phái đoàn Tòa Thánh cùng với Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli – Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam – đã đến thăm Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội.
  Đúng 17g00, Phái đoàn tới Đại chủng viện trong sự tiếp đón nồng hậu của Đức cha giám đốc Laurensô, quý cha và các chủng sinh thuộc các lớp thần I, thần II, thần III.
  Sau khi hướng dẫn Phái đoàn đến viếng Mình Thánh Chúa tại Nguyện đường cùng với gia đình Đại chủng viện, cha Giám học Phêrô Đặng Xuân Thành ngỏ lời chào mừng Phái đoàn.
  Tiếp theo, trong bài chia sẻ, Đức ông Ettore Balestrero nói về việc đào tạo các ứng sinh linh mục tại chủng viện. Ngài nhắn nhủ các chủng sinh cố gắng tu luyện, học tập để nên đồng hình dạng với Đức Giêsu Vị Mục Tử Nhân Lành. Ngài cũng khuyến khích mọi người noi gương Mẹ Maria, cầu xin Mẹ huấn luyện mỗi người biết yêu sự khó nghèo, sống nghèo như Chúa Giêsu, để phục vụ và đem Tin Mừng đến cho anh em mình, như lời Đức Giêsu dạy: “Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”.
  Sau cùng, ngài chúc mọi người Mùa Chay thánh thiện, và mỗi ngày trở nên giống Chúa Giêsu hơn.
  Cuộc viếng thăm của Phái đoàn kết thúc trong tâm tình tạ ơn với bài hát “Tán tụng hồng ân”.

  Trưa thứ Tư 29 tháng Hai, Phái đoàn Tòa Thánh đã đáp máy bay vào Thành Phố Hồ Chí Minh. Phái đoàn đã đến gặp Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn tại Tòa Tổng Giám mục TP.HCM và dùng cơm trưa tại đây. Vào buổi chiều, Phái đoàn được Đức hồng y hướng dẫn đi thăm một số cơ sở của TGP.TPHCM.
  Trước hết, lúc 16g10, Phái đoàn đến Vương cung Thánh đường Sài Gòn. Đức ông Ettore Balestrero đã nói lên niềm phấn khởi được đến thăm ngôi nhà thờ đặc biệt này, nơi đã nuôi dưỡng niềm tin của tín hữu thành phố và cũng là nơi mà trước đây cha mẹ của ngài đã từng được tham dự phụng vụ.
  16g45, khi đến thăm Tu viện Thánh Phaolô thành Chartres, Phái đoàn đã rất cảm động ngắm nhìn ngôi nhà nguyện là công trình của ông Nguyễn Trường Tộ, và tham quan ngôi nhà truyền thống rất độc đáo của Tu viện.

  17g20, Phái đoàn tiếp xúc với cộng đoàn nữ tu Dòng Kín tại Tu viện Cát Minh Sài Gòn. Vị Thứ trưởng Tòa Thánh rất vui được chiêm ngắm “lá phổi” của Giáo Hội Việt Nam và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đào tạo tại đây.

  17g50, Phái đoàn đến thăm Đại chủng viện Thánh Giuse, thăm Nhà Truyền Thống Giáo phận, và gặp gỡ các linh mục ở Trung tâm Mục vụ, chia sẻ mối ưu tư về việc giáo dục đức tin trước những thách đố của thời đại.

  18g30, khi được chào đón tại nhà cơm chủng viện, Đức ông thứ trưởng đã khuyên các chủng sinh hãy nhận Đức Kitô và Thánh giá Chúa như là niềm vui đích thực của đời mình.

  20g00, Phái đoàn đến Nhà thờ Thuận Phát, tại đây, Đức ông Balestrero nhắc nhở mọi người hãy luôn là chứng nhân của niềm tin và tình thương trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

  20g35, khi đến thăm trường Sao Việt, Phái đoàn hân hoan lắng nghe những nỗ lực rất đặc biệt của Ban Giám hiệu trong công tác giáo dục.
  21g15, đi ngang qua mảnh đất của nhà thờ An Phú, Phú Mỹ Hưng, Phái đoàn đã dâng lời cầu nguyện cho công trình xây dựng ngôi nhà thờ này được sớm hoàn tất.

Lúc 21g30 Phái đoàn đã đến thăm Trường Mầm Non Mỹ Phước cùng với ngôi nhà nguyện nhỏ bé ấm cúng tại đây, kết thúc một ngày thật bận rộn.

Sáng thứ Năm 01 tháng Ba, sau khi dâng lễ tại ngôi nhà nguyện cổ xưa nhất của Thành phố nằm trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục, Phái đoàn đã lên đường đi thăm Tòa Giám mục và Chủng viện Xuân Lộc.
  Khoảng 10g00, Phái đoàn tới Tòa Giám mục Xuân Lộc.

Mầu nhiệm hiệp thông thể hiện thật rõ nét khi đón tiếp Phái đoàn Tòa Thánh tại hội trường. Đức ông Thứ trưởng đã bày tỏ cảm xúc trước tâm tình nồng hậu và đặc biệt tâm tình thảo kính hiệp thông trọn vẹn của người tín hữu Việt Nam với Đức Thánh Cha và Hội Thánh toàn cầu. Ngài đề cập đến đặc tính phổ quát của Đức Thánh Cha. Khi Đức Thánh cha ban huấn từ tại Rôma cũng là dành cho toàn thế giới và khi ngài ngỏ lời cảm thông thương mến cho Hội Thánh tại châu Phi thì cũng là cho Hội Thánh tại Xuân Lộc. Đức ông tiếp tục chia sẻ suy tư tâm huyết của Ngài về mầu nhiệm Hội Thánh, Chúa Kitô là đầu và chúng ta là những chi thể. Dù ở đâu hay làm gì, trong ơn gọi bậc sống của mình, chúng ta biểu lộ vẻ đẹp và sức sống của Chúa. Càng nhiều chi thể thánh thiện, càng biểu lộ tình yêu cao cả của Thiên Chúa và hấp dẫn anh em chưa nhận biết Thiên Chúa về cùng Người và bước vào Hội thánh.
  Sau đó, Phái đoàn đã sang thăm Đại chủng viện. Sau khi viếng Thánh Thể, Phái đoàn gặp gỡ thân tình với các chủng sinh và tu sinh. Một đại diện chủng sinh và tu sinh phát biểu chào mừng Phái đoàn Tòa Thánh, bày tỏ niềm vui như đang được sống trong vòng tay yêu thương của Đức Thánh Cha và cảm nhận niềm khích lệ to lớn cho đời dâng hiến của mình.
  Phái đoàn Tòa Thánh đã dùng cơm trưa tại Tòa Giám mục Xuân Lộc và về lại TP.HCM trong buổi chiều cùng ngày.
  Lúc 16g00, Phái đoàn gặp gỡ các Giám mục của Giáo tỉnh Sài Gòn tại Tòa Tổng Giám mục TGP.TPHCM. Sau bữa cơm chiều, Phái đoàn đã rời Tòa Tổng Giám mục lúc 18g30 để ra sân bay Tân Sơn Nhất trở về Rôma.

WHĐ(Tổng hợp từ tgphanoi.org và tgpsaigon.net)