Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

KẾT QUẢ CUỘC THI “VIẾT VỀ CHA” (2011 – 2012)

    Chiều ngày 14.04.2012, Vòng Chung Kết của cuộc thi “Viết Về Cha” đã diễn ra tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. TP.HCM. 21 thí sinh thuộc mảng Văn và Thơ, đến từ 11 tỉnh thành khác nhau, đã chia sẻ những tâm tình nồng ấm, những trăn trở rất riêng….về người cha của mình, trong đó có cả những người cha tinh thần.
   Sau hơn 8 tháng phát động (15.07.2011 – 31.03.2012), BTC đã nhận được gần 300 bài dự thi nhưng chỉ có 122 bài Văn và 48 bài Thơ đạt chất lượng vào vòng 1. Thành phần tham dự đa dạng có độ tuổi từ 12-70, đặc biệt giới trẻ (<25 tuổi) chiếm hơn 65%. Sự hưởng ứng ngày càng đông của giới trẻ trong các chương trình về đạo hiếu cho chúng ta một niềm hy vọng về tương lai tươi sáng của các gia đình cũng như của Giáo hội và xã hội. 
   217 tác giả gửi bài dự thi thuộc nhiều ngành nghề trong xã hội, đa số là giới học sinh, sinh viên và tu sinh các dòng tu. Có 79 tác giả ngoài Công Giáo, chiếm 36% , với 113 tác phẩm, chiếm hơn 40% tổng số các bài dự thi. Các bài viết được gửi về từ nhiều tỉnh thành khác nhau của đất nước như: Cao Bằng, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quãng Nam, Quãng Ngãi, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Lâm Đồng, Buôn Mê Thuột, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau và An Giang. Ngoài ra, còn có 1 tác giả là du học sinh ở Anh và 2 tác giả việt kiều ở Danmark.
   Sau hơn 3 tiếng diễn ra cuộc thi, Ban Tổ Chức và Ban Giám Khảo đã họp để cân nhắc lại kết quả sơ bộ. Trong tâm tình tạ ơn Chúa, BTC trân trọng công bố danh sách các thí sinh đạt giải cuộc thi “Viết Về Cha” (2011-2012) như sau:

Thể Loại Thơ
Giả Nhất: Maria Nguyễn Thị Thanh Hương - Giáo Phận Xuân Lộc
Bài thơ: 

Cha Mình

Chiều nay chớp bể, nguồn vần vũ
Bóng Cha già lụ khụ áo tơi
Ngoài kia dòng chảy mù trời
Cha đi chèo chống một đời nuôi con

Cánh cò cõng nắng còn mòn mỏi
Cha cõng tháng ngày đổi cái ăn
Mai sau hết cảnh nhọc nhằn
Con nên người tốt công danh giữa đời

Sống yêu thương con ơi! đi trước
Chữ tài không đức, bước ngã mau
Cầm tay Cha dắt qua cầu
Trường đời còn rộng, nông sâu khó lường

Mai đây chốn nhiễu nhương phố thị
Sau lưng con lo nghĩ, cũng Cha
Lưu ly nở cánh nuột nà
Quê mình thơm ngát đóa hoa nhà mình

Ai bảo nghèo, tâm linh cằn cỗi?
Cha giàu lòng sớm tối nguyện kinh
Đối nhân xử thế quên mình
Yêu thương tha thứ, an bình thánh gia

Dẫu mai hành trình xa tổ ấm
Giữa đời thường thấm đẫm gương Cha
Tạ ơn lòng Chúa hải hà
Ban cho con có người Cha nhân từ.

  
Vài hình ảnh cuộc thi. 






Giả Nhất: Maria Nguyễn Thị Thanh Hương - Giáo Phận Xuân Lộc


Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Chúc mừng sinh nhật thứ 85 của Đức Thánh Cha Benedictô XVI


“ Tôi gìa rồi, nhưng tôi vẫn còn có thể chu toàn bổn phận trách nhiệm của tôi được!”
Đức thánh Cha Benedictô XVI., sẽ đạt tới tuổi trời 85 vào ngày 16.04.2012, đã tâm sự như thế lúc kết thúc chuyến viếng thăm Cuba cuối tháng ba vừa qua.
Những lời tâm tình của ngài trên đây đã đánh tan những suy luận rằng ngài sẽ từ chưc về nghỉ hưu lúc mừng sinh nhật thứ 85. , hay vào năm 2013 lúc kết thúc năm “ Đức Tin” mà ngài đã đề ra từ 11.10. 2012- 24.11. 2013 trong đời sống Giáo Hội.
Theo Giáo luật một đức giáo hoàng có thể từ chức. Và đức giáo hoàng đương kim Benedictô XVI. có thể dùng luật lệ này dùng cho mình. Nhưng với tình trạng sức khoẻ thể xác, nhất là tình trạng trí khôn tinh thần của ngài còn rất minh mẫn sáng suốt vào lúc này, nên vấn đề đó không là đề tài đem ra thảo luận bàn tán.
Theo thống kê về tuổi tác của các Đức giáo hoàng trong Giáo Hội, Đức thánh cha Benedictô XVI. với tuổi trời thứ 85. sẽ đứng vào hàng “Top ten” trong các vị Giáo hoàng cao niên từ xưa nay.
Đức Giáo hoàng cao niên nhất qua đời lúc 93 tuổi là Đức LeoXIII ( 1878-1903). Các vị giáo hoàng Gioan XXII. ( 1316-1334) qua đời lúc 84 tuổi; Đức Gregor XII. ( 1406-1417) qua đời lúc 85 tuổi; Đức Clemens XII. ( 1730-1740) qua đời lúc 87 tuổi; Đức Clemens X. ( 1670-1676) qua đời lúc 86 tuổi, Đức Pius IX. ( 1846-1878) qua đời lúc 85 tuổi. Đức Gioan Phaolo I I. qua đời năm 2005 sáu tuần trước khi đạt tới tuổi 85.
Đức thánh cha, Á Thánh Gioan Phaolô I I. trị vì trong Giáo hội 27 năm. Đức đương kim giáo hoàng Benedictô XVI. cho tới ngày 19.04.2012 được đủ tròn 07 năm trị vì.
Đức giáo hoàng Benedictô XVI. cho đến hôm nay đã thực hiện 23 chuyến Tông du thăm viếng mục vụ trên thế giới.
Đức Thánh cha Benedictô XVI. trong những năm đầu tiên triều đại Giáo hoàng đã thu hút được nhiều người đến nghe ngài giảng dậy hơn vị tiền nhiệm của mình. Ngay 12 tháng năm đầu tiên (2005) đã có 4 triệu người đến chiêm ngưỡng cùng nghe vị tân giáo hoàng Benedictô XVI.
Cho đến hôm nay Đức giáo hoàng Benedictô XVI. đã viết ba Thông điệp Deus Caritas est, Spe salvi và Caritas in veritate;
hai cuốn sách dầy về Chúa Giêsu thành Nazareth – cuốn thứ ba đang in sắp xuất bản nay mai, một cuộc phỏng vấn với ký gỉa Peter Seewald được viết thành sách Licht der Welt;
ngài đã kêu gọi lập ra ba chương trình đạo đức để canh tân đời sống Giáo Hội: năm Thánh Phaolô, năm Linh mục và năm Đức tin;
hằng tuần đều có những bài huấn từ ở buổi Triều yết ngày thứ tư hằng tuần, buổi đọc kinh truyền tin trưa ngày Chúa nhật, và những bài giảng mang nội dung sâu sắc về thần học cùng lịch sử văn hóa, nhất là về cách lý luận hành văn vừa trong sáng vừa uyên thâm khúc chiết; chủ sự ba lần Đại hội giới trẻ thế giới ở Köln năm 2005; ở Úc châu năm 2008 và ở Madrid năm 2011.
Với công sức làm việc của” người thợ khiêm hạ trong vườn nho của Chúa” như ngài đã nói tự nhận mình như thế trước công chúng hôm 19.04.2005 ở Vatican sau khi được bầu là Giáo hoàng, ngài đã đang trở thành vị giáo hoàng đạt tới mức cao hàng đầu trong Giáo Hội.
Chúng ta, những người con Giáo Hội, cùng cất lời kinh Te Deum laudamus tạ ơn Chúa, và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha của chúng ta: “Này con là đá, trên viên đá này Ta xây Giáo Hội muôn đời kiên trung. Này con là đá, Satan sức hùng mưu ma vẫy vùng không làm chuyển rung. Ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng Benedicto, Chúa gìn giữ người tăng sức sinh lực, và ban cho người đời nay hạnh phúc, đừng trao người cho ác tâm quân thù, đừng trao người cho ác tâm quân thù.”
Lễ Lòng Chúa thương xót 15.04.2012
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

THÁNH LỄ TẠ ƠN TẠI GIÁO PHẬN XUÂN LỘC - NGÀY 13/4/2012

 Theo Philiptran.net 
THÁNH LỄ TẠ ƠN CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG DÃY NHÀ MỤC VỤ TGM XUÂN LỘC và TÒA NHÀ PHÂN KHOA TRIẾT HỌC CỦA ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE XUÂN LỘC

Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli tại buỗi lễ tạ ơn 
được khởi đầu bằng việc làm phép ngôi nhà mục vụ Giáo Phận Xuân Lộc
    Thứ Sáu, ngày 13/4/2012, là ngày thật đặc biệt. Đó là ngày thứ Sáu trong bầu khí hân hoan của Tuần Bát Nhật Phục Sinh, cũng là ngày bế mạc Hội Nghị Thường Niên Đợt I - Năm 2012 của Hội Động Giám Mục Việt Nam tại Toà Giám Mục Xuân Lộc, đồng thời cũng là ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm mục vụ 10 ngày (từ 4/4/2012 đến 13/4/2012) của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam. Toàn thể cộng đoàn dân Chúa Giáo phận Xuân Lộc cùng Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện Đức Thánh Cha, hai Đức Giám Mục, các Linh Mục, các cộng đoàn tu sĩ nam nữ và đông đảo giáo dân tham dự ngày tạ ơn hoàn thành hai dãy nhà: (1) nhà Mục Vụ Giáo Phân và (2) dãy nhà phân khoa ytriết của đại Củung Viện cơ bản được hoàn thành.
   Vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 13/04/2012, Thánh Lễ làm phép khu nhà Mục Vụ của Tòa Giám Mục Xuân Lộc (là một dãy nhà bao gồm hội trường, nhà nguyện và các văn phòng) và dãy nhà Triết Học của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc đã diễn ra hết sức trang trọng. Từ lúc 5 giờ 30 phút, từng đoàn người từ tất cả các Giáo Hạt thuộc Giáo Phận Xuân Lộc đã lần lượt tuôn về quảng trường Đại Chủng Viện. Thánh lễ này hết sức đặc biệt vì không chỉ có sự hiện diện của các Đức Cha thuộc 26 Giáo Phận vừa kết thúc khóa họp thường niên lần I của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc, mà còn có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam chủ tế Thánh lễ. Đúng 6 giờ 30, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã cùng với các Đức Cha và các Cha trong đoàn đồng tế đã tập trung dưới sân Tòa giám mục để tham dự nghi thức làm phép khu nhà Mục Vụ Giáo Phận và dãy nhà Triết Học của Đại Chủng Viện vừa mới được xây dựng xong những phần cơ bản nhất. Sau đó, đoàn đồng tế tiến về lễ đài của Đại Chủng Viện để bắt đầu Thánh lễ tạ ơn.
   Trong bài chia sẻ, Đức Tổng Giám mục bày tỏ niềm hân hoan vui mừng trong bầu khí Phục Sinh mả Giáo Hội đang sống tại trần gian và trong niềm hân hoan nhận ra mọi biến cố Chúa gởi đến hằng ngày trong đời sống mỗi người.
   Ngài nói, bài Tin Mừng hôm nay thuật lại các môn đệ đã quay về đời sống hằng ngày, buồn nản nhưng không thất vọng vì người Môn đệ Chúa yêu đã nhận ra Ngài, này Thầy đó. Đức Kitô Phục Sinh luôn ở với các môn đệ Ngài và cũng ở với chúng ta cho đến tận thế. Cùng với Đức Kitô hiện diện giữa chúng ta, chúng ta không lo sợ gì.
   Kế đến, Đức Tổng Giám mục bày tỏ sự cảm tạ Thiên Chúa cùng với toàn thể giáo dân trong Giáo Phận Xuân Lộc về mọi công trình của Giáo Phận đã hoàn thành cách tốt đẹp cũng như khu tòa nhà Triết Học mới này. Ngài cảm ơn Đức Cha Đaminh và những người đã góp phần cho việc xây dựng tòa nhà mới này. Thánh lễ này cũng là dịp để tôn vinh những nỗ lực mà mọi người đóng góp vào để xây dựng cộng đoàn Giáo Phận. Ngài nói rằng: chính kinh nghiệm về những năm tháng thiếu thốn cơ sở vật chất đã thúc đẩy cộng đoàn giáo hữu tích cực đóng góp cho việc xây dựng này. Hãy làm cho những ngôi nhà mới này thành những cộng đoàn huynh đệ, trở thành chính hoạt động của đời sống Kitô hữu. Nhờ đó, mọi hoạt động mục vụ tại đây được đâm chồi nảy lộc. Để từ đây, công cuộc mục vụ, việc phục vụ cộng đoàn kitô hữu và vun trồng ơn gọi được tiến triển thêm.
   Tiếp đến, Đức Tổng Giám mục bày tỏ sự biết ơn về sự hiện diện của các Đức Cha ở đây. Nhân danh Đức Thánh Cha, ngài cám ơn về sự trung thành của các Giám mục đối với Đức Thánh Cha. Ngài nói, ngài đến đây để củng cố sự trung tín với Đức Thánh Cha, sự hiệp nhất với Giáo Hội Toàn cầu và sự tin tưởng vào Chúa Giêsu là Đầu của Giáo Hội và là mối dây hiệp nhất. Ngài cũng chia sẻ mối bận tâm về việc loan báo Tin Mừng và Tân Phúc Âm hóa trên đất nước Việt Nam.
   Với cộng đoàn Giáo Phận Xuân Lộc, Đức Tổng Giám mục nói: Anh chị em đại diện cho toàn thể Giáo Hội Việt Nam, cũng như các thánh tử đạo cha ông, đã có những sự can đảm, thích ứng mục vụ trong những hoàn cảnh khó khăn để bảo vệ và rao truyền chân lý, anh chị em phải làm sao để niềm tin Kitô giáo được rao truyền cách mạnh mẽ cho con người ngày nay.
   Thiên Chúa kêu gọi anh chị em trở nên thánh thiện và sự thánh thiện này phải là mục tiêu của đời sống của anh chị em. Hãy rập khuôn đời sống mình với Thầy Chí Thánh và nỗ lực cách quảng đại để xây dựng Giáo Hội Việt Nam.
   Với các chủng sinh, ngài căn dặn: “Các chủng sinh hãy tập sống thinh lặng để lắng nghe Lời Chúa.  Chủng Viện tạo mọi điều kiện và không gian thích hợp cho việc học và đào tạo mỗi ngày. Hãy chú tâm vào cử hành phụng vụ, suy niệm Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Hãy luôn tin rằng Đức Cha và các Đức Cha hiện diện ở đây cùng toàn thể giáo dân luôn cầu nguyện và hỗ trợ cho việc đào tạo…”
   Cuối cùng, ngài cảm ơn anh chị em về những chứng từ niềm tin vì và cho Đức Kitô. Ngài kêu gọi hãy đổi mới đời sống qua việc gắn bó hơn vào Đức Kitô. Điều mới mẻ về Chúa Phục Sinh là Ngài không chết nữa và Tin Mừng Ngài luôn sống động. Hãy để mình được chiếu sáng bởi ánh quang của Đấng Phục Sinh và lòng quảng đại.
   Chúng ta không thể giữ cho riêng mình sự loan báo này, nhưng hãy trở nên những thừa sai, chứng nhân giữa cộng đoàn chúng ta.
   Xin Đức Trinh Nữ Maria Lavang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam gìn giữ Giáo phận Xuân Lộc và Giáo Hội Việt Nam.
   Trong lời tạ ơn trước khi kết thúc Thánh Lễ bằng việc ban phúc lành, Đức Cha Đaminh đã thay mặt cho toàn thể Giáo Phận Xuân Lộc cám ơn Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đã hiện diện và thăm viếng Giáo Phận từ ngày 4/4 đến ngày 13/4/2012, và chính Đức Tổng Giám mục đã khơi lên một tâm tình yêu mến Đức Thánh Cha cho Giáo Phận và chủ sự Thánh lễ và khánh thành nhà nguyện khu triết học của Đại Chủng Viện. 
   Đức Cha Đaminh nói tiếp: “Yếu tố quyết định cho sự thăng tiến của một giáo phận là sự đào tạo nhân sự. Một giáo dân đạo đức cần phải có linh mục thánh thiện, hiền lành và nhiệt thành. Giáo phận hướng đến việc truyền giáo cần phải có linh mục hạnh phúc trong ơn gọi và hăng say và nhiệt thành trong sứ vụ.” Vì thế, ngài kêu gọi mọi giáo hữu Giáo phận giảm bớt chi tiêu để đóng góp cho việc đào tạo, cần phải có các cha giáo chất lượng giảng dạy và phải bám sát Ratio (bản hướng dẫn việc đào tạo các linh mục). Đức cha Đaminh cũng cám ơn các nơi đã thay mặt Đức cha và Giáo phận đón tiếp Đức Tổng Giám mục trongchương trình mục vụ thăm viếng của ngài. 
   Theo dự kiến, niên khóa 2012 – 2013, sẽ có khoảng500 đại chủng sinh. Vì thế, cần rất nhiều linh mục thánh thiện để phục vụ không chỉ cho 4 giáo phận Bà Rịa, Đà Lạt, Phan Thiết và Xuân Lộc mà còn cho nhiều giáo phận trong nước và ngoài nước. Tiếp đến Đức Cha cảm ơn Đức Hồng Y Gioan Baotixita đã thương hiện diện trong buổi lễ làm phép tòa Giám Mục và Đại Chủng Viện cùng tham dự thánh lễ làm phép tòa nhà khu triết học.Đức Cha Đaminh cũng cám ơn các Cha bề trên, các tu sỹ nam nữ và cộng đồng dân Chúa đã góp sức xây dựng Giáo Phận và hiện diện trong Thánh lễ này. 
   Đáp lại lời của Đức Cha Đaminh, Đức Tổng Giám mục bày tỏ tâm tình vui mừng khi có mặt trong dịp đặc biệt này. Ngài cảm ơn Đức Cha Đaminh đã cho ngài chủ tế Thánh lễ này nhân danh Đức Thánh Cha. Ngài nói: 
   “Tôi nhận biết Giáo Phận Xuân Lộc không chỉ có con số giáo dân rất đông và đóng góp nhiều cho Giáo Hội Việt Nam. Tôi vui mừng được chia sẻ niềm vui này với Giáo phận hôm nay. Chúa luôn tỏ ra cho chúng ta bằng nhiều cách như ngày hôm nay. Ngài ban cho chúng ta biết bao nhiêu ánh sáng và niềm vui hôm nay. Ánh sáng mặt trời chiếu tỏa tình yêu nồng cháy Chúa dành cho chúng ta. Gió đang thổi trên chúng ta là gió Thánh Thần. Chúa ở cùng chúng ta và chúng ta cảm tạ tình yêu của người. Giây phút này là giây phút dành cho anh chị em và tôi, người đại diện cho Đức Thánh Cha, để mang tình yêu đến cho anh chị em. Xin Thiên Chúa ban phép lành cho Chủng Viện và anh chị em. Hoan hô Giáo Phận Xuân Lộc (Viva Xuân Lộc!).” 
   Vừa dứt lời, từng tràng pháo tay từ phía giáo dân chào mừng Đức Tổng Giám Mục. Buổi lễ kết thúc vào lúc 9 giờ. 
   Lúc 2 giờ 30 chiều cùng ngày, Đức Tổng Giám mục lên đường về Sài gòn để trở về Tòa Khâm Sứ tại Singapore Đến chào từ biệt Đức Tổng Giám mục, có Đức Cha Đaminh và các đại chủng sinh Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc. Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chuyến viếng thăm mục vụ của  Đức Tổng Giám mục tại gíao phận Xuân Lộc được thành công, nhất là sự hiện diện củ Đức Tổng Giám mục tại buổi lễ tạ ơn khánh thành khu nhà Mục Vụ giáo phận và khu phân khoa triết của Đại Chủng Viện.
---------------

XIN BẤM VÀO ĐỊA CHỈ DƯỚI ĐÂY ĐỂ XEM HÌNH:
https://picasaweb.google.com/109091095741741821506/Ngay13Thang4Nam201202#5730803703354666050
Philip Tran
Ngày 13/4/2012

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC LEOPOLDO GIRELLI THĂM ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE XUÂN LỘC



ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC LEOPOLDO GIRELLI
NÓI CHUYỆN VỚI CÁC CHỦNG SINH
ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE XUÂN LỘC

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, đại diện ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc chào đòn ĐTM Leopoldo Girelli
 Theo Philiptran.net 

Vào chiều ngày 07/04/2012, tức thứ bảy Tuần Thánh, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã có cuộc gặp gỡ và nói chuyện với các chủng sinh của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc. Đây là cuộc thăm viếng mục vụ của ngài tại Giáo Phận Xuân Lộc.
Sau khi được Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, Giám đốc Đại Chủng Viện trình bày đôi nét về Chủng Viện, tình hình ơn gọi cũng như công tác đào tạo tại Chủng Viện, Đức Tổng Giám Mục đã bày tỏ niềm hạnh phúc và sự ấm cúng khi được ở trong bầu khí gia đình Chủng Viện và đặc biệt là bày tỏ sự tín nhiệm về công cuộc đào tạo tại Chủng Viện.

Khi ngỏ lời với chủng sinh, Đức Tổng Giám Mục nói đến tầm quan trọng của sự thinh lặng, đặc biệt trong bối cảnh của Tuần Thánh. Sự thinh lặng không vì Chúa đã chết nhưng vì Chúa đã vượt qua cái chết và sống lại. Thinh lặng để gẫm suy Lời Chúa, lắng nghe tiếng Chúa và thực hành ý Chúa nơi mình. Thinh lặng để phát triển đời sống nội tâm, tạo mối tương quan thân tình và phong phú với Chúa, trở thành người của Chúa, và chủng viện chính là môi trường thuận tiện để học sống sự thinh lặng.

Thứ đến, Đức Tổng Giám Mục nói đến sự hiệp thông. Sống trong Giáo Hội là sống trong sự hiệp thông với Đức Kitô là Đầu. Do đó, mỗi chủng sinh được mời gọi xây dựng sự hiệp thông trong lòng Giáo Hội. Hiệp thông là chia sẻ, là đặt mình trong sự vâng phục Giám Mục giáo phận và đi đến bất cứ nơi đâu mà Giáo Hội sai đến.

Đức Tổng Giám Mục nhắc đến Chúa Giêsu, mẫu gương hiệp thông tuyệt hảo, liên đới cách mật thiết với dân chúng. Ngài đi từ nơi này đến nơi khác để loan báo Tin Mừng. Bước chân của Ngài là bước chân tông đồ loan truyền Tin Mừng. Ngài đã để cho Maria Mađalêna rửa chân và xức dầu thơm hảo hạng. Đây là tính chất rất người, hiệp thông với đoàn dân cách mạnh mẽ nhất. Qua đó, Đức Tổng Giám mục nhắn nhủ các chủng sinh hãy tích cực sống tinh thần hiệp thông trong sự vâng phục, sẵn sàng mang Tin Mừng đến bất kỳ nơi đâu Giáo Hội muốn.

Sau cuộc gặp gỡ, Đức Tổng Giám mục đã dùng bữa tối thân mật với gia đình chủng viện và chủ tế thánh lễ đêm vọng Phục sinh.
Trong bài chia sẻ, Đức Tổng Giám Mục nói về sự phục sinh của Đức Kitô và ý nghĩa sự phục sinh đó đối với chúng ta. Ngài nói đến thân xác vinh hiển của Đức Kitô sau khi phục sinh. Thân xác ấy đã sống và không phải chết nữa. Đức Kitô không thuộc hôm qua, hôm nay nhưng mãi mãi.

Về ý nghĩa của sự phục sinh của Đức Kitô đối với chúng ta, Đức Tổng Giám Mục chia sẻ: Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu không giống như sự sống lại của Lazarô, sự phục sinh đó là một sự biến đổi cực kỳ lớn lao, người đã sống lại, đã đổi mới, trở nên gần gũi với Thiên Chúa Cha, Đấng là một với Ngài. Ngài đã đánh bại cái chết, để trong Ngài, sự sống vĩnh cửu được khai sinh, thế giới mới đã hình thành. Khởi từ Đức Kitô, một bước tiến mới trong lịch sử cuộc sống đang hướng về tương lai. Sự sống ấy được trao cho chúng ta qua đức tin, để nhờ tin mà đón nhận Bí bích Rửa Tội. Bí Tích này thanh tẩy tâm hồn chúng ta cách mạnh mẽ. Điều này được Phaolô đã khẳng định: “Không phải tôi sống nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” . Qua Phép rửa, ta được thanh tẩy, được sống trong Đức Kitô, trong hơi thở của Thiên Chúa và bước đi trong đời sống mới. Có thể nói, sự Phục sinh của Chúa là sự phục sinh của chúng ta. Đó là niềm vui của sự Phục Sinh.

Sau thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục cùng tham dự buổi liên hoan mừng Chúa Phục Sinh với quý Cha và các chủng sinh trong bầu không khí ấm áp, vui tươi của gia đình chủng viện.

BVH. ĐCV. Thánh Giuse Xuân Lộc

-----------------

MỘT VÀI HÌNH ẢNH - XIN BẤM VÀO ĐỊA CHỈ BÊN DƯỚI ĐỂ XEM:

https://picasaweb.google.com/109091095741741821506/Ngay13Thang4Nam2012#5730796763922106386


ĐỨC TGM LEOPOLDO GIREELI,VIẾNG THĂM MỤC VỤ CÔNG NHÂN DI DÂN CÔNG GIÁO


ĐỨC TGM LEOPOLDO GIREELI, ĐẠI DIỆN ĐỨC GIÁO HOÀNG TẠI VIỆT NAM, VIẾNG THĂM MỤC VỤ CÔNG NHÂN DI DÂN CÔNG GIÁO & GIÁO DÂN GIÁO XỨ LỘC HÒA – CHÚA NHẬT NGÀY 8/4/2012

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Cha Giuse Nguyễn Văn Tăng, Quản hạt Hạt An Bình chào đón Đức Tổng giám Mục Leopoldo Girelli ngay phía trước cổng nhà thờ Giáo xứ Lộc Hòa
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC TGM LEOPOLDO GIRELLI
Anh chị em thân mến, 
Trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Giáo Hội nói với chúng ta rằng Đức Giêsu Kitô đã làm một cuộc hành trình đi đến cùng đích của vũ trụ vì chúng ta.

Trong thư gởi cho giáo đoàn Ephêsô, chúng ta đọc thấy rằng Đức Kitô đã xuống tận cùng các vùng sâu thẳm; Đấng đã xuống xuống tận cùng các vùng sâu thẳm dưới mặt đất, cũng là Đấng đã được đưa lên cao trên các tầng trời (Eph 4:9)

Trong bóng tối của sự chết, Đức Kitô xuất hiện như ánh sáng. Và do đó, một cách chính đáng, Giáo Hội có thể nghĩ đến những lời tri ân và tin tưởng của Đức Giêsu Kitô Phục Sinh thổ lộ với Cha Người: “Vâng, Lạy Cha! Con đã xuống tận cùng các vùng sâu thẳm của trái đất, đã tới tận cùng địa ngục của sự chết, và chiếu giải ánh sáng đến những nơi đó”.

Tuy thế, những lời của Đức Kitô Phục Sinh đó cũng đã trở nên những lời mà Người muốn tỏ bày với cộng đoàn chúng ta: “Ta đã sống lại và bây giờ ta vẫn còn ở với các con.” Qua lời đó, Người cũng muốn nói với mỗi người chúng ta: “Bàn tay Ta nâng đỡ con. Con có ngã xuống ở bất kỳ nơi nào đi nữa, thì con cũng sẽ có đôi tay Ta nâng đỡ. Ta vẫn ở với con bất cứ nơi đâu, ngay cả nơi cửa âm ty địa ngục của thần chết. Trên những nẻo đường cuộc đời khi không có ai đồng hành với con, khi hành trang lên đường không có gì, chỉ là hai bàn tay trắng, thì lúc đó có Ta đang chờ đợi con, và vì con, Ta sẽ biến đổi sự tối tăm buồn thảm thành ánh sáng niềm vui.”

Những lời này, xin anh chị em hãy đọc và chiêm ngắm như là cuộc đối thoại giữa Đức Kitô Phục Sinh với chính chính chúng ta; đó cũng là những lời cho thấy ý nghĩa những điều được thực hiện nơi Phép Thánh Tẩy chính là một cuộc tái sinh mới. Một sự sống mới được bắt đầu.

Trong Phép Thánh Tẩy, chúng ta hiến dâng chính chúng ta cho Đức Kitô – Người mang chúng ta đi vào chính mình Người, để chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, nhưng sống nhờ Người, với Người và trong Người. Chúng ta sống với Người, và vì thế, chúng ta sống cho anh chị em chung quanh chúng ta.

Trong Phép Thánh tẩy, chúng ta trao hiến chính chúng ta, chúng ta phó dâng cuộc sống chúng ta trong tay Người, và như thế, cùng với  Thánh Phaolô, chúng ta có thể nói: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi.”

Anh chị em thân mến, 
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng về cuộc ra đi của Chúa Kitô “xuống ngục tổ tông.” Vậy điều này có nghĩa như thế nào? Vì chúng ta không có một trải nghiệm gì về thế giới sự chết, chúng ta chỉ hình dung Chúa Kitô chiến thắng khải hoàn cái chết qua những hình tượng và ý niệm là những cái không thể nào lột tả hết được ý nghĩa sự sống lại của Chúa Kitô.

Tuy thế, những cách thức chưa lột tả hết được ý nghĩa đó có thể giúp cho chúng ta hiểu được phần nào mầu nhiệm chiến thắng cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. 

Phụng vụ Giáo Hội diễn tả việc Đức Kitô tiến vào bóng đêm của cái chết qua những lời trong Thánh Vịnh 23(24): “Hãy cất đầu lên, Cửa hỡi! Hãy vươn cao lên nữa, hỡi cửa ngàn xưa!”

Những cánh cửa sự chết đã bị đóng lại, không một ai có thể thoát ra khỏi đó. Không có một chìa khóa nào có thể mở được những cánh cửa như thế. Nhưng Đức Kitô đã có được chiếc chìa khóa. Thập Giá của Người đã mở toang những cánh cửa sự chết. Những cánh cửa sự chết đó không còn ngăn chận được ai nữa. Thập giá,  Tình Yêu mãnh liệt của Người, là chìa khóa mở toang những cánh cửa đó. Tình yêu của Người mạnh hơn sự chết.

Đây chính là niềm vui Phục Sinh: chúng ta được giải thoát. Trong sự sống lại của Đức Kitô, tình yêu được chứng minh mạnh hơn sự chết, mạnh hơn sự dữ.

Anh chị em thân mến,
“Di Dân và việc Tái Truyền Giảng Tin Mừng” là chủ đề mà Đức Thánh Cha Benedictô XVI đã chọn cho Ngày thế giới về Người Di dân và Tị nạn năm nay.

Thật sự, thời đại ngày hôm nay kêu gọi Giáo Hội dấn thân vào việc Tái Truyền Giảng Tin Mừng đối với một hiện tượng phức tạp và rộng lớn của việc con người đang dịch chuyển từ vùng này sang vùng khác. Điều này làm cho Giáo Hội cần phải tăng cường hơn nữa sứ vụ của mình, cả trong những miền lần đầu tiên Tin Mừng được rao giảng, cũng như trong những xứ sở mà Tin Mừng đã được truyền giảng từ rất lâu đời.

Trong bối cảnh thế tục hóa hiện nay, thật không có gì ngạc nhiên, khi mà những người di dân đã được biết đến Đức Kitô, đang phải chịu một sức ép đối với việc tin nhận Đức Kitô chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời họ. Họ đang đánh mất ý nghĩa Đức tin nơi mình; họ không còn nhận ra chính mình như là một thành phần của Giáo Hội; và họ không còn rập đời sống mình theo mẫu gương Chúa Kitô và Tin Mừng cùa Người nữa.

Lớn lên từ bối cảnh nông thôn, mang trên mình những đặc điểm Đức Tin người Kitô hữu, những người di dân di chuyển về các thành thị, nơi mà người Kitô hữu chỉ là một nhóm thiểu số, hay truyền thống đức tin lâu đời không còn là sự xác tín nơi cá nhân và công đồng nữa, nhưng thay vì đó, truyền thống đức tin lâu đời đã bị thu hẹp thành những sự kiện mang tính văn hóa.

Ở đây, Giáo Hội đang phải đối mặt với thách thức làm sao giúp đỡ những người di dân để củng cố đức tin của họ, ngay cả khi họ bị tước đoạt đi cái bản sắc văn hóa cội nguồn của họ, hay họ phải đối mặt với những thách thức làm sao nhận ra những phương cách mục vụ mới trong bối cảnh hiện tại.

Hiện tượng di dân ngày hôm nay cũng là một cơ hội theo ý Thiên Chúa quan phòng đối với viẹc rao giảng Tin Mừng cho thế giới đương thời.

Chính bản thân những người di dân có một vai trò đặc biệt trong việc rao truyền Tin Mừng, bởi vì, đến lượt mình, họ có thể trở thành “những sứ giả của Lời Thiên Chúa và những chứng nhân của Đức Kitô Phục sinh, và niềm hy vọng cho thế giới” (Tông Huấn Verbum Domini, # 105)

Các cộng đoàn Kitô hữu cần phải quan tâm đến những anh chị em công nhân di dân và gia đình của họ bằng cách đồng hành với họ, sát cánh bên họ bằng lời cầu nguyện, bằng tình liên đới và Đức Ái Kitô giáo, bằng cách củng cố cho nhau những gì làm cho cuộc sống thêm phong phú, tăng triển.

Các cộng đoàn Kitô hữu cần có một sự nhạy cảm đặc biệt đối với các thanh thiếu niên nam nữ, hãy quan tâm cách thích đáng đến những người trẻ của anh chị em di dân, cần hướng dẫn giúp họ phát triển văn hóa, và làm sao cho trái tim những người trẻ có một niềm say mê mạnh mẽ đối với chân lý và lòng khao khát gặp gỡ Thiên Chúa.

Chúng ta hãy khẩn nài Đức Trinh Nữ Maria, “Mẹ La Vang”, cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, để việc công bố niềm vui phục sinh của Đức Kitô mang lại niềm hy vọng  cho những con người đang bước đi trên khắp mọi nẻo đường của thế giới hôm nay. Amen!

(Lm. Philip Tran Cong Thuan chuyển ngữ)
MỘT VÀI HÌNH ẢNH

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Quang cảnh trong buổi lễ đón Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Đức Tổng Giám Mục chủ tế Thánh lễ Phục Sinh cùng Đức Cha Tô-ma
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Cha Quản hạt Giuse Nguyễn Văn Tăng (thứ hai bên trái sang)
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Ca đoàn Tổng hợp giáo Xứ Lộc hòa và các em dự tu Giáo phận Xuân Lộc 
(thuộc nhà dự tu Bình An, huyện Dĩ An, Bình Dương)

Theo Philiptran.net  

HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN HỘI ĐÔNG GIÁM MỤC VIỆT NAM


Hội nghị Thường niên kỳ I-2012 Hội đồng Giám mục Việt Nam (9–13/04/2012)



WHĐ – Chiều thứ Hai 09 tháng Tư 2012, đầu tuần bát nhật Phục sinh, các giám mục từ 26 giáo phận ở Việt Nam bước vào Hội nghị thường niên kỳ I của năm 2012 tại Tòa Giám mục Xuân Lộc. Tất cả các Đức cha cùng với Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, vị Đại diện Tòa Thánh, cùng chầu Thánh Thể sốt sắng tại ngôi nhà nguyện nhỏ, ấm cúng của Tòa Giám mục, để cầu nguyện khai mạc khẩn cầu Chúa Thánh Thần của Đấng Phục Sinh xuống như xưa Ngài đã ngự xuống trên các Tông đồ ngày Chúa sống lại.
Sau đó, lúc 20g30, tại phòng hội Tòa giám mục, Đức cha chủ tịch HĐGMVN Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đọc diễn văn chào mừng Đức tổng Girelli, bày tỏ niềm hân hoan và lòng biết ơn của Dân Chúa tại Việt Nam đối với vị đại diện Đức Thánh Cha, dẫu thời gian được bổ nhiệm chưa lâu đã “viếng thăm đầy đủ 26 giáo phận và đặt chân đến mọi nẻo đường tiêu biểu thăm viếng Dân Chúa tại 26 giáo phận ở Việt Nam”. Đức cha chủ tịch HĐGM cũng chào mừng quý Đức cha tham dự Hội nghị, xin Chúa chúc lành cho Hội nghị để các giám mục sáng suốt bàn thảo, quyết định một số vấn đề chung.
Đáp từ, Đức tổng Girelli, với đôi lời vắn tắt, cũng cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của các Đức cha và qua các Đức cha, cám ơn Dân Chúa đã dành cho ngài tình cảm nồng hậu.
  Sáng thứ Ba 10 tháng Tư, trong phiên họp đầu tiên, Hội đồng Giám mục thảo luận và nhanh chóng đi đến quyết định sẽ cử hành Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung thánh đường thuộc Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang vào ngày 15 tháng Tám 2012. Kế đến, Đức cha chủ tịch UB giáo sĩ và chủng sinh cho biết Bản Ratio toàn quốc về đào tạo linh mục đã được Tòa Thánh phê chuẩn, nay xin HĐGMVN ban hành chính thức. Sau đó, Đức cha giáo phận Nha Trang trình bày việc tiến hành thủ tục phong chân phước cho hai Đức giám mục tiên khởi, Đức cha Pierre Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu; dẫu đường còn dài và nhiều khó khăn, về tài chánh và nhân sự ..., Giáo hội Việt Nam vẫn kiên trì xúc tiến.
Đầu giờ ban chiều, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli hiện diện và trao đổi với các Đức cha trong thân tình và tin tưởng trong hơn một giờ rưỡi. Khởi đầu, trong bối cảnh phụng vụ của Giáo hội đầu tuần Bát nhật Phục sinh, Đức Tổng có đôi lời chia sẻ tâm tình về niềm tin phục sinh. Cũng như Chúa Giêsu đã sống lại và ra khỏi mộ, Hội Thánh Việt Nam cũng cần trỗi dậy, thoát khỏi những từ ngữ “chết” trong quyển Sách Thánh để hạ sinh thành Lời rao giảng sống động trong cuộc sống; Hội Thánh Việt Nam không chỉ khép kín trong những mối quan tâm nội bộ, nhưng phải bước ra dấn thân cho công cuộc Loan báo Tin Mừng cho lương dân; cụ thể tại Việt Nam còn hơn 90% anh chị em chưa nghe loan báo Tin Mừng; cuối cùng mỗi cá nhân mục tử cũng cần phải ra khỏi mộ tối để chiếu sáng sự thánh thiện của mình trong việc hi sinh tận tình chăm sóc đoàn chiên đã được giao phó cho mình. Tiếp đến, Đức Tổng chia sẻ thông tin về cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Bộ ngoại giao Tòa Thánh với Chính quyền Việt Nam vừa qua. Nói chung, cuộc gặp gỡ có mang lại kết quả tích cực.
Sau giờ giải lao ban chiều, HĐGMVN tiếp phái đoàn đại diện Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) - đứng đầu là Đức hồng y Gracias Tổng thư ký FABC, đến chào và trao đổi về việc tổ chức Hội nghị Khoáng đại của FABC vào tháng Mười Một năm nay tại Việt Nam, dịp kỉ niệm 40 năm thành lập tổ chức này. Ban tổ chức hai bên đã đi đến thống nhất những nét cơ bản trong việc tổ chức.
Kết thúc ngày làm việc thứ nhất, các Đức cha thành viên hội nghị cùng hân hoan tạ ơn Chúa trong niềm vui Chúa Phục sinh. 
  Trong ngày hội nghị thứ hai, 11/04, Hội đồng Giám mục đã dành cả phiên họp buổi sáng để bàn về một số vấn đề liên quan đến đời sống đạo đức của các linh mục, tu sĩ.
Nhận định tình hình cụ thể, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết những trường hợp khó khăn, đề xuất phương thức giải quyết... Tất cả phát xuất từ xác tín rằng công cuộc canh tân Giáo hội phải được bắt đầu từ hàng linh mục, tu sĩ. HĐGM đã đề nghị Đức cha giáo phận Hưng Hóa và Lạng Sơn lắng nghe các ý kiến, nghiên cứu thêm và tổng hợp thành văn bản hướng dẫn về vấn đề này.
Cũng trong định hướng trên, đầu giờ buổi chiều, Hội nghị vui mừng đón chào và lắng nghe cha Bề trên Tổng quyền Dòng các Tôi Tớ Đấng Bảo Trợ (Servants of the Paraclet) giới thiệu về một đoàn sủng mới giúp cho việc đồng hành và chữa lành các linh mục gặp khó khăn. Các Đức cha vui mừng đón nhận như một lời gợi ý của huyền nhiệm tình yêu đặc biệt đối với anh em linh mục.
Sau đó, phần lớn thời gian buổi chiều các Đức cha góp ý cho việc chuẩn bị Năm Đức Tin Hội Thánh toàn cầu sẽ khai mạc ngày 11 tháng Mười 2012, nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Chung Vatican II. Dựa trên Tông thư (tự sắc) “Porta Fidei” (Cánh cửa đức tin) của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Hướng dẫn của Bộ Giáo lý Đức tin, các Đức cha trao đổi về ý nghĩa và nội dung của năm đặc biệt này, sau cùng HĐGM thống nhất quyết định: Văn phòng Tổng thư ký đứng đầu là Đức cha Tổng thư ký Cosma phụ trách cung cấp các văn kiện, tài liệu học hỏi, cử hành và sống Năm Đức Tin; ngày khai mạc Năm Đức Tin chung ở cấp HĐGMVN sẽ cử hành ngày 12 tháng Mười, nhân ngày bế mạc Hội nghị HĐGMVN kỳ II–2012; ngày khai mạc cấp giáo phận có thể vào ngày 18 tháng Mười (lễ thánh Luca Tông đồ); ngày khai mạc trong toàn thể các giáo xứ toàn quốc ngày 21 tháng Mười (lễ Khánh nhật truyền giáo).
Kết thúc buổi làm việc ban chiều, Hội nghị cùng hân hoan tạ ơn Chúa Phục sinh với Đức Mẹ Nữ Vương thiên đàng.
Sau giờ Kinh tối, các Đức cha trong các giáo tỉnh Huế và Sài Gòn còn họp riêng để bàn về các vấn đề của giáo tỉnh. 
  Hội nghị HĐGM bước vào ngày thứ ba, 12/04 với những góp ý cuối cùng cho Quy chế và Nội quy của HĐGMVN, góp ý cho bản thảo Quy chế Hội đồng giáo xứ, làm rõ một vài yếu tố giáo luật về tuổi kết hôn. Sau đó, Đức cha giáo phận Nha Trang chia sẻ về việc đào tạo linh mục, cách riêng về mặt tri thức và việc liên kết của Đại chủng viện Sao Biển với Đại học Urbaniana ở Roma. Suốt buổi sáng còn lại, các Đức giám mục bàn thảo về việc xây dựng các trụ sở thuộc HĐGMVN trong tương lai. Sau cùng, các Đức cha thống nhất với một ý chung, là cần phải tách bạch ba nhu cầu khác nhau của Giáo hội tại Việt Nam: 1/ nhu cầu cấp thiết nhất hiện nay là một trụ sở cho văn phòng Tổng thư ký HĐGM gồm cả các Ủy ban trực thuộc HĐGM; 2/ kế đến, trong tương lai xa hơn, nhu cầu về một học viện hay chủng viện giáo hoàng tương tự như Giáo hoàng học viện trước đây; 3/ Trụ sở HĐGMVN đặt tại Hà Nội.
Buổi chiều, các Đức cha còn tiếp tục trao đổi về Học viện thần học rất sôi nổi. Để đào tạo một hàng linh mục với chuyên môn cao, hướng đến mục tiêu đào tạo toàn diện, mức độ đều cả về trí thức, nhân bản, thiêng liêng và mục vụ, hay thiên về trí thức hơn; học viện sẽ chỉ dành cho linh mục, hay mở rộng cho tất cả mọi người, còn là những lựa chọn phải làm.
Thời giờ còn lại, Hội nghị lắng nghe Đức cha giáo phận Cần Thơ trình bày thỉnh nguyện xin phong thánh cho cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp; thỉnh nguyện này được toàn thể HĐGM bày tỏ sự hiệp thông và đồng tình. Một vài chi tiết cuối cùng xác định Ban Xây dựng công trình Đức Mẹ La Vang; về mục vụ truyền thông. Sau cùng, Hội nghị cũng đề cử hai Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc và Phêrô Nguyễn Văn Đệ làm đại biểu Giáo hội Việt Nam cùng với hai đại biểu đương nhiên là Đức cha chủ tịch HĐGM và Đức hồng y, đi dự Hội Nghị Khoáng Đại của Liên Hội Đồng Giám mục Á châu (FABC).
Kết thúc những ngày hội nghị, Đức cha chủ tịch nói lên cảm tưởng và lòng biết ơn đối với Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần, với bao ơn lành Ngài đã ban cho trong những ngày hội nghị vừa qua; cám ơn các Đức cha hiện diện và đóng góp với hết lòng yêu mến quảng đại và trách nhiệm để chăm lo cho lợi ích chung của Dân Chúa.
Trong giờ chầu Thánh Thể và kinh tối, toàn thể HĐGMVN sốt sắng dâng lên Thiên Chúa lời ngợi khen, cảm mến, chúc tụng tình thương bao la của Thiên Chúa quan phòng đưa Hội nghị đến kết thúc tốt đẹp. Hội nghị dành sáng thứ sáu 13/04 hiệp thông với giáo phận Xuân Lộc khánh thành ngôi nhà mới của Tòa Giám mục và Đại chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc.
Theo Tin WHĐ
  

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

NGÀY HỘI GIỚI TRẺ GIÁO PHẬN BẮC NINH

Ngày hội Giới trẻ Giáo phận Bắc Ninh

Sáng ngày 1-4-2012, tức Chúa Nhật Lễ Lá, tại Giáo xứ Mỹ Lộc, Ban Mục vụ Giới trẻ đã tổ chức Ngày hội Giới trẻ cấp giáo phận với chủ đề: “Sám hối trong yêu thương”. Uớc tính có khoảng trên 2.000 bạn trẻ cả trong và ngoài giáo phận đến tham dự với tinh thần giao lưu và học hỏi.
2012/DHGT_BN/Le La010102.JPG
Vào lúc 10 giờ sáng, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã đến làm phép lá và dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các bạn trẻ. Trong bài giảng, Đức Cha đã chia sẻ với các bạn trẻ về các chặng trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Từ đó, ngài nhắn nhủ các bạn trẻ tự vấn xem mình đang ở chặng nào để tiếp tục bước theo chân chúa lên đồi Canvê.
Đức Cha cũng chia sẻ thêm về những sự kiện chính của giáo phận sẽ diễn ra trong năm nay. Qua đó, ngài kêu mời các bạn trẻ ý thức hơn về đời sống đức tin nhằm góp phần làm cho “đất chúng ta trổ sinh hoa trái”.
Trước đó, vào lúc 8 giờ sáng cùng ngày, Ban Mục vụ Giới trẻ đã khai mạc chương trình với nhiều vũ khúc sôi động cùng nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc. Xen lẫn các tiết mục, các bạn trẻ đã cùng nhau lắng nghe Cha Phùng, Cha Khiêm, Cha Liệu, Cha Phước chia sẻ về chủ đề chính: “Sám hối trong yêu thương”.
Cũng cần biết thêm năm 1984, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã chọn ngày Lễ Lá làm ngày giới trẻ trên toàn thế giới. Kể từ đó, Đại hội Giới trẻ Thế giới đã được tổ chức luân phiên tại nhiều nước. Vào những năm không có đại hội cấp thế giới, các giáo phận sẽ tự tổ chức ngày hội giới trẻ ở cấp giáo phận.
Năm 2011, Đại hội Giới trẻ Thế giới được tổ chức tại Tây Ban Nha. Năm 2013, Brazil sẽ đăng cai tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 28. Có thể nói, Ngày Giới trẻ Thế giới đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, giúp các bạn trẻ có cơ hội giao lưu, học hỏi và sẵn sàng vác thánh giá theo chân Chúa.
Vào buổi chiều ngày Lễ Lá, sau khi chia tay Giáo xứ Mỹ Lộc, Đức cha Giáo phận đã tiếp tục đi thăm mục vụ tại Giáo họ Sàn, Giáo họ Hoà An và Giáo xứ Bắc Giang. Buổi tối, ngài đã đến làm phép tượng Lòng Thương Xót Chúa và dâng Thánh lễ tại nhà xứ Thiết Nham.
Ngày Lễ Lá kết thúc với nhiều dấu ấn tốt đẹp. Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Giáo phận Bắc Ninh đang bước vào Tuần Thánh. Hy vọng mọi thành phần dân Chúa mà đặc biệt là các bạn trẻ luôn ý thức cao độ về ý nghĩa của cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô.
2012/DHGT_BN/Le La010103.JPG
2012/DHGT_BN/Le La010106.JPG
2012/DHGT_BN/Le La010114.JPG
2012/DHGT_BN/Le La010107.JPG
2012/DHGT_BN/Le La010111.JPG
2012/DHGT_BN/Le La010114.JPG
2012/DHGT_BN/Le La010118.JPG
2012/DHGT_BN/Le La010120.JPG
2012/DHGT_BN/Le La010121.JPG
2012/DHGT_BN/Le La010126.JPG
2012/DHGT_BN/Le La010127.JPG
2012/DHGT_BN/Le La010131.JPG
Theo Emty.org (Nguyên Đức)