Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng giám mục Á châu


“Canh tân các sứ giả Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu Á”
Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng giám mục Á châu
“Chúng tôi loan báo cho anh chị em điều chúng tôi đã thấy và đã nghe” (1 Ga 1, 3)


Chúng tôi, các giám mục đại diện của các Hội đồng Giám mục thành viên và các Hội đồng Giám mục liên kết, thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu, đã họp Hội nghị toàn thể lần thứ X tại Xuân Lộc và Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), từ ngày 10 đến ngày 16 tháng Mười Hai 2012. Tham dự Hội nghị, có: Đức hồng y Gaudencio Rosales, Đặc sứ của Đức Thánh Cha; Đức Tổng giám mục Saviô Hàn Đại Huy SDB, Tổng thư ký Bộ Loan báo Tin Mừng các dân tộc; Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam; quý đại biểu huynh đệ của các Liên Hội đồng Giám mục châu Đại dương, châu Mỹ Latinh và châu Âu; quý đại biểu một số tổ chức quyên góp và tài trợ; quý Đức cha và Thư ký các văn phòng FABC; và quý khách mời. Tổng số đại biểu tham dự là 111 vị (gồm: 7 hồng y, 69 giám mục, và 35 linh mục, tu sĩ, giáo dân).
Chúng tôi cảm tạ Chúa về biến cố lịch sử bản Quy chế thành lập FABC được Tòa Thánh chuẩn nhận 40 năm trước đây. Quả là một hồng phúc đặc biệt cho chúng tôi vì dịp kỷ niệm 40 năm FABC lại trùng với bốn biến cố quan trọng: Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, 20 năm xuất bản sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, và Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 13 vừa kết thúc về Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức Tin Kitô giáo.
Tất cả những biến cố này nhắc chúng ta ý thức về căn tính sâu xa nhất của mình: chúng ta là một cộng đoàn đức Tin được Chúa kêu gọi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng nơi trần gian. Chúng tôi cảm tạ Chúa đã chúc lành cho FABC trong công cuộc canh tân sứ vụ yêu thương và phục vụ tại châu Á.
Chúng tôi hết lòng biết ơn Giáo hội tại Việt Nam, đặc biệt các giáo phận Xuân Lộc và TP.HCM, đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp hết sức nồng hậu và hiếu khách. Chúng tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cởi mở và giúp đỡ Hội nghị chúng tôi được diễn ra tại đất nước có những truyền thống và văn hóa phong phú này. Chúng tôi nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho Giáo Hội tại Việt Nam và nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi cũng bày tỏ tình hiệp thông và liên kết, cũng như sự khích lệ, đối với Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc. Các đại biểu của Giáo hội Trung Quốc đã không có mặt tại Hội nghị của chúng tôi. Chúng tôi thiết tha mong mỏi sẽ có ngày cuộc quy tụ huynh đệ được mở rộng thêm ra với sự tham gia tích cực tại FABC của Giáo hội Trung Quốc. Chúng tôi hiệp nhất với Giáo hội Trung Quốc trong lời cầu nguyện cho mọi người của đất nước rộng lớn này được bình an, hưởng niềm vui và hy vọng đã được Chúa Kitô mang đến.
Chúng tôi hết lòng biết ơn tất cả anh chị em giáo dân, nam nữ tu sĩ, các linh mục và giám mục đang thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, thậm chí phải liều cả mạng sống. Tinh thần quả cảm và hết lòng phục vụ Tin Mừng của anh chị em đã soi sáng và củng cố chúng tôi rất nhiều.
Tuần lễ diễn ra Hội nghị thực sự là một Tuần Đức Tin. Ngọn lửa niềm tin của chúng tôi vào Thiên Chúa đã bừng cháy thêm lên trước đức Tin sâu sắc và sống động của dân Chúa tại Việt Nam và qua câu chuyện của các vị tử đạo. Nhờ chứng từ cao cả của các vị tử đạo, sức mạnh của đức Tin và đức Cậy đã ngời sáng.
Trong ánh sáng của Lời Chúa, Hội nghị của chúng tôi nhận diện những nẻo đường thực thi sứ vụ mà Chúa Thánh Thần soi dẫn. Được Thánh Thần hướng dẫn, chúng tôi đọc các dấu chỉ thời đại, những trào lưu lớn trong xã hội tại châu Á và những thực tại đang diễn ra trong Giáo hội của mình, đồng thời phân tích những thách đố và cơ hội đang mở ra để có thể đáp ứng từ chiều sâu đức Tin của mình. Chúng ta đang thực thi một sứ vụ rất khó khăn là loan báo Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu thế giữa những thay đổi mau chóng tại châu Á. Vì lẽ đó, chúng ta càng phải ý thức hơn nữa mình phải trở thành một cộng đoàn có kinh nghiệm về Đức Kitô và làm chứng cho Đức Kitô. Trọng tâm công cuộc Tân Phúc âm hóa đã được Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng và được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tái khẳng định, chính là lời thúc giục hãy trở nên những chứng nhân đích thực và đáng tin cậy về Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu thế.
Chính Thần khí đã từng thúc đẩy Công đồng Vatican II nay cũng đang hiệu triệu chúng ta thành những sứ giả được đổi mới của Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa. Chính Thánh Thần là Đấng có thể làm cho Giáo hội và từng người chúng ta nên mới. Chính Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta có thể đáp ứng một cách đáng tin và có hiệu quả trước các trào lưu xã hội và những thực tại đang diễn ra trong Giáo hội đã được Hội nghị bàn đến.
Để trở nên những thừa sai mới, chúng ta phải đáp lại Thần khí đang hoạt động tích cực trong thế giới, trong sâu thẳm hiện hữu của chúng ta, trong các dấu chỉ thời đại và trong tất cả những gì thực sự thuộc về con người. Chúng ta cần phải sống linh đạo Tân Phúc âm hóa.
Chúng tôi đề nghị với anh chị em một số chiều kích cơ bản của nền linh đạo này:
1. Gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô. Trước hết và trên hết, những sứ giả mới của Tin Mừng cần phải có một đức Tin sống động, được xây dựng trên nền tảng cuộc gặp gỡ sâu xa, cá vị và có sức biến đổi, với con người sống động của Đức Giêsu Kitô, một cuộc gặp gỡ đem lại hiệu quả là bản thân được hoán cải và trở nên môn đệ của Chúa Giêsu trong lời nói và việc làm. Tóm lại, chúng ta loan báo Đấng mình đã thấy, đã nghe và chạm đến (x. 1 Ga 1, 1-3). Cuộc gặp gỡ cá vị này và đời sống người môn đệ là điều hết sức cần thiết. Thiếu điều này, không ai có thể chạm đến cái hồn của châu Á.
2. Say mê sứ vụ. Nếu chúng ta có mặt là để thi hành sứ vụ, thì chúng ta cần phải có niềm say mê sứ vụ. Truyện kể về Giáo hội tại châu Á đan xen với truyện kể về các vị thừa sai và các vị tử đạo. Các vị là những giáo dân, tu sĩ nam nữ và hàng giáo sĩ đã dám liều mạng sống mình vì Đức Kitô. Câu chuyện về các ngài thôi thúc và khích lệ chúng ta. Các ngài là hiện thân của niềm say mê truyền giáo theo một cách thức mà loài người không thể làm được, nhưng đối với Thiên Chúa thì hoàn toàn có thể (x. Lc 18, 27). Chân phước Gioan Phaolô II khẳng định: “Một ngọn lửa chỉ có thể được thắp lên bởi chính một vật đang cháy lửa… (chúng ta) phải cháy lửa tình yêu Chúa Kitô và lửa nhiệt thành mong ước làm cho Đức Kitô được nhiều người nhận biết hơn, yêu mến hơn, bước theo sát Người hơn” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 23). Lời Thánh Phaolô: “Tình yêu Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5, 14) lay động cõi lòng chúng ta hãy chia sẻ tình yêu khôn sánh của Chúa Giêsu cho toàn thể thế giới. Bởi lẽ chúng ta xác tín rằng mọi niềm khao khát của các dân tộc Á châu đều được kiện toàn nơi Chúa Giêsu, Đấng là Sự Sống.
3. Tập trung vào Nước Thiên Chúa. Việc loan báo Chúa Giêsu tác động đến mọi khía cạnh cuộc sống và các tầng lớp xã hội –toàn bộ cuộc sống con người. Do đó linh đạo Tân Phúc âm hóa không tách thế giới của chúng ta khỏi Triều đại của Thiên Chúa. Không tách đời sống vật chất khỏi tôn giáo, cũng không làm cho đời sống đức Tin xa lìa nghĩa vụ làm thay đổi đời sống chính trị và kinh tế xã hội. Trên hết, linh đạo của sứ giả Tân Phúc âm hóa không tách Đức Giêsu Kitô ra khỏi Nước Chúa, cũng không tách những giá trị của Nước Chúa ra khỏi Con người Đức Giêsu. Tập trung vào Nước Thiên Chúa là trao bản thân mình cho Chúa Giêsu và tầm nhìn của Người về một nhân loại mới đúng theo khuôn mẫu của Người.
4. Quyết tâm hiệp nhất. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chúng ta được hiệp nhất với Chúa Cha, với Người và với nhau (x. Ga 17, 20-22). Qua cuộc Khổ nạn, cái Chết và sự Phục sinh của Người, Chúa Giêsu đã phục hồi mọi sự nơi chính mình Người, và đưa nhân loại cùng toàn thể thụ tạo vào sự hiệp thông với Chúa Cha và Thánh Thần. Như Chúa Giêsu, những nam nữ thừa sai Tân Phúc âm hóa cần phải sống và cổ võ sự hiệp thông. Quả thật, linh đạo hiệp thông chính là linh đạo của Tân Phúc âm hóa. Chân phước Gioan Phaolô II nhắc chúng ta nhớ “hiệp thông và sứ vụ gắn kết với nhau không thể tách rời”. Thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi “là nguồn mạch và là hoa trái của sứ vụ: hiệp thông đưa đến sứ vụ và sứ vụ được hoàn tất trong hiệp thông” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số24, trích dẫn Thông điệp Christifideles laici, số 32). Vì thế đây phải là phương châm của chúng ta: “hiệp thông vì sứ vụ” và “sứ vụ vì hiệp thông” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 25). Các sứ giả Tin Mừng sẽ gặt hái kết quả hữu hiệu khi sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và quảng đại dấn thân làm chứng và cổ võ sống thông hiệp với Chúa, với nhau và với mọi thụ tạo.
Trong bối cảnh châu Á đang tìm kiếm sự hài hòa giữa những căng thẳng và xung đột đang gia tăng, mọi thành phần dân Chúa –giáo sĩ và giáo dân, nam cũng như nữ, giới trẻ cũng như thiếu niên nhi đồng– đều được mời gọi trở thành những người loan báo Tin Mừng, sứ giả của Lời Chúa, người kiến tạo hòa bình và xây dựng sự hiệp thông. Một sự hiệp thông như vậy cần được thể hiện qua chính sự hiệp thông sống động của các cộng đoàn giáo xứ và giáo phận.
5. Đối thoại, một phương cách sống và thi hành sứ vụ. Công cuộc Tân Phúc âm hóa kêu gọi lấy tinh thần đối thoại thúc đẩy cuộc sống hằng ngày và chọn tương quan hòa hợp chứ không đối đầu. Đối thoại phải là tiêu chí cho mọi hình thức thực thi sứ vụ và phục vụ tại châu Á. Đặc trưng của đối thoại là khiêm tốn nhận ra sự hiện diện kín đáo của Thiên Chúa trong cuộc tranh đấu của người nghèo, trong sự phong phú về văn hóa của nhân dân, trong sự đa dạng về truyền thống tôn giáo và trong thẳm sâu cõi lòng mỗi người. Đối thoại như thế là lối sống và phương cách truyền giáo của chúng ta. Đối thoại trở thành nền tảng cho nền linh đạo hiệp thông nhằm canh tân sứ giả Tin Mừng.
6. Hiện diện khiêm hạ. Chúng tôi tin rằng mỗi người châu Á đều dự phần và đồng hành trong cuộc hành trình tiến đến Nước Thiên Chúa, và tin rằng những cánh đồng truyền giáo là những thửa đất có sự hiện diện và hoạt động lạ lùng của Thánh Thần Thiên Chúa. Trên cánh đồng truyền giáo bao la tại châu Á, chứng từ lặng lẽ nhưng hùng hồn của đời sống Kitô hữu đích thực đòi phải biết hiện diện trong khiêm hạ, biết sống đối thoại, trong đó bao gồm cuộc sống cầu nguyện và “chiêm niệm”. Đó là yêu cầu đặt ra cho các sứ giả mới của Tin Mừng, hoạt động giữa những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng cầu nguyện. Sự hiện diện khiêm hạ phải được thể hiện bằng nếp sống giản dị và liên kết với người nghèo.
7. Vai trò ngôn sứ của người truyền giáo. Trở nên ngôn sứ là trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhận diện những nghịch lý tại châu Á và tố cáo bất cứ những gì làm suy yếu, hạ thấp giá trị và tước bỏ phẩm giá của con cái Thiên Chúa. Những sứ giả mới của Tin Mừng phải bảo vệ phẩm giá làm người của tất cả mọi người, nhất là của phụ nữ, trẻ em và những người không có đủ điều kiện sống cho ra con người trong xã hội châu Á chúng ta. Qua việc tố cáo bất công, những sứ giả mới của Tin Mừng loan báo tình yêu của Thiên Chúa, “những điều quan trọng hơn trong Lề Luật” tức là là công bình, lòng nhân từ và thành tín (Mt 23, 23), và tình yêu được Chúa Giêsu dành ưu tiên cho người nghèo.
8. Liên đới với những nạn nhân. Trong Hội nghị, chúng tôi đã lưu ý con số các nạn nhân của quá trình toàn cầu hóa, của bất công, của thảm họa hạt nhân và thiên tai, của những cuộc tấn công do những kẻ cực đoan và khủng bố gây ra, con số ấy đang gia tăng từng ngày. Chúa Giêsu đứng về phía nạn nhân của các thảm họa và bất công. Người liên đới với những ai bị xã hội loại bỏ. Liên đới và xót thương những nạn nhân và bị gạt ra ngoài lề xã hội phải trở thành chiều kích chính yếu của linh đạo Tân Phúc âm hóa.
9. Chăm sóc tạo thành. Hội nghị cũng đã lưu ý việc lạm dụng thiên nhiên vì lợi ích kinh tế thiển cận và ích kỷ vẫn chưa được khắc phục. Những nguyên nhân do con người gây ra đã góp phần đáng kể làm cho trái đất nóng lên và khí hậu thay đổi, khiến người nghèo và người bị bóc lột phải hứng chịu những tác động bi đát hơn nữa. Mối quan tâm đến sinh thái, việc bảo toàn công trình tạo dựng, bao gồm sự công bằng và đồng cảm giữa các thế hệ, là yếu tố cơ bản trong linh đạo hiệp thông.
10. Can đảm sống đức Tin và tử đạo. Từ buổi đầu Kitô giáo có mặt đến nay, mảnh đất Á châu đã thấm máu đào của các vị tử đạo. Nếu ngày nay chúng ta được mời gọi hãy đem sự hy sinh cao cả mà làm chứng cho đức Tin, chúng ta sẽ không từ nan. Chúa Giêsu đã căn dặn chúng ta, hy sinh như thế là dấu chứng tối hậu chúng ta tận trung với Người và với sứ mạng của Người. Xin các vị tử đạo tại đất nước chúng ta, trong đó có nhiều vị đã được tôn kính trên bàn thờ, giúp chúng ta biết noi gương các ngài và chuyển cầu cho chúng ta được thêm mạnh sức. Chúng ta tri ân Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố nhiều vị chứng nhân người Á châu là những đấng tử đạo của Giáo hội, “máu các vị tử đạo là hạt giống phát sinh Kitô giáo”.
Kết luận
Trong Năm Đức Tin này, vào thập niên thứ hai của thiên niên kỷ mới, nhân dịp kỷ niệm 40 năm FABC, chúng tôi kêu gọi mọi người thuộc các Giáo hội tại châu Á hãy nuôi dưỡng niềm say mê đặc biệt đối với công cuộc Tân Phúc âm hóa.
Chúng ta không được để mình thờ ơ hoặc bi quan trước những trào lưu xã hội tại châu Á đang đe dọa cấu trúc xã hội, sự bền vững của gia đình và tầm nhìn đức Tin của chính cộng đoàn Kitô hữu. Ẩn bên trong những thực tại này có thể là những nguồn lực nội tại của Thánh Thần, đang hoạt động trong lòng những giá trị Á châu, là những hạt giống của một nhân loại mới đang khao khát sự sống viên mãn trong Đức Giêsu.
Sứ vụ của công cuộc Tân Phúc âm hóa, mới trong nhiệt tâm, mới về phương pháp và mới trong cách diễn tả, đang được đặt ra cấp thiết. Sứ vụ này kêu gọi các sứ giả Tin Mừng phải canh tân đổi mới với một linh đạo được đổi mới, linh đạo hiệp thông, linh đạo truyền giáo, linh đạo Tân Phúc âm hóa. Mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình cần phải trở thành trường dạy nền linh đạo này. Sứ vụ này đòi hỏi các nhà thừa sai mới phải sống hoán cải sâu sắc, phải thay đổi tầm nhìn cũng như phải nên giống Đức Kitô trong tâm tư và thái độ, và phải hiệp thông với Thiên Chúa. Sứ vụ này đòi hỏi phải có niềm tin sống động vào Chúa, phó thác nơi Chúa, theo chân Chúa Giêsu từ trong tư tưởng, tình cảm đến hành động.
“Đoàn chiên nhỏ bé” của Chúa Giêsu không được rụt rè hoặc sợ hãi giữa hàng tỉ người châu Á, chiếm hơn 60% dân số thế giới. Bởi vì chúng ta có chính Đức Giêsu Kitô, là nguồn duy nhất mang lại niềm tin cho chúng ta, là hồng ân độc đáo Thiên Chúa ban cho loài người. Người đồng hành với chúng ta như đã từng đi với các môn đệ trên đường đến Emmaus (x. Lc 24, 13-32). Trong mỗi cử hành Thánh Thể, Người mở mắt và sưởi ấm trái tim chúng ta bằng ngọn lửa tình yêu đối với công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu Á.
Xin Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ của chúng ta, đồng hành cùng chúng ta đang bước đi trên những nẻo đường Á châu để “kể chuyện Chúa Giêsu”. Chúng ta không sợ. Chúng ta đã được Chúa bảo đảm, “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27). Và chúng ta đã nhận được lời Người cam kết: “Hãy nhớ, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Xuân Lộc và TP.HCM, Việt Nam
Ngày 16 tháng Mười Hai 2012
Thành Thi chuyển ngữ

THƯ CHUNG CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

Văn Phòng TGM Xuân Lộc xin chuyển đến quí Cha, Quí  Tu Sỹ, chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân thư chung của Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc về việc Tòa thánh bổ nhiệm Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu làm Giám mục Phó Giáo phận Bùi Chu. Xin được trích nguyên văn :


Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

XE HOA DIỄU HÀNH RƯỚC CHÚA HÀI ĐỒNG


     Hòa trong niềm vui Giáng Sinh - Mừng Con Thiên Chúa xuống thế làm người, khắp nơi trên thế giới tưng bừng như ngày hội.

     Tại khu vực thị Xã Long Khánh, Giáo xứ Chính Tòa Xuân lộc và các giáo xứ khác đã trang hoàng các xe hoa rước Chúa Hài Đồng. Đoàn xe diễu hành trên các tuyến đường chính trong thị xã, tạo một bầu không khí Mừng lễ tưng bừng.
     Bắt đầu từ chiều ngày 23/12/2012, 13 chiếc xe hoa thuộc 10 giáo xứ : Chính Tòa, Tân Xuân, Tân Phú, Bảo Vinh, Xuân Khánh, Suối Tre, Núi Đỏ, An Lộc, Cáp Rang, Cẩm Tân, đã tuần tự diễu hành khởi đi từ Nhà Thờ Chính Tòa, đến TGM Xuân Lộc và Đại Chủng Viện. Đức Giám Mục Giáo phận đã tiến ra để chúc lành cho đoàn diễu hành và phát lệnh khởi kiệu.
     Sau đó đoàn xe diễu hành tiến về từng giáo xứ trong thị xã. Ông già Noel phát quà cho các em thiếu nhi, tạo nên bầu khí vui tươi và đầy ý nghĩa.
     Đây là lần đầu tiên có đoàn xe hoa diễu hành mừng Chúa Giáng Sinh trong thị xã Long Khánh. Đoàn xe được đông đảo bà con giáo dân và mọi người ủng hộ.

Video & photodesign Nguyenthuong Media

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 bổ nhiệm Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu làm Giám mục Phó Giáo phận Bùi Chu


  Vào ngày 24 tháng Mười Hai 2012, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo : Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chính thứ bổ nhiệm Đức Giám mục Tôma Vũ Đình Hiệu – Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, hiệu tòa Bahanna – làm Giám mục phó Giáo phận Bùi Chu.
ĐỨC CHA TÔMA VŨ ĐÌNH HIỆU :
- Sinh ngày 30/10/1954 tại Ninh Mỹ, Nam Ðịnh, Giáo Phận Bùi Chu.
– Gia đình cư ngụ tại Giáo Xứ Thiên Phước, ấp Tân Mai 2, xã Phước Tân, Long Thành, Ðồng Nai.
– 1966-1967 : Tu học tại Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô, Phú Nhuận.
– 1967-1969 : Tu học tại Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô, Phước Lâm.
– 1969-1973 : Tu học tại Ðại Chủng Viện Thánh Phaolô, Xuân Lộc.
– 1973-1977 : Tu học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Ðà Lạt, Khóa 16.
– 1978-1988 : Phục vụ ở Giáo xứ Thiên Phước (Tân Mai 2).
– 1988-1999 : bí thư của Ðức Cha Nguyễn Minh Nhật.
– 25/01/1999 : Thụ Phong Linh Mục tại Nhà Thờ Chính Tòa Xuân Lộc (là nghĩa tử của Cha Giuse Trần Văn Hàm K1, Chính xứ Thiên Phước).
- 2000-2006 : Du học tại Toulouse, Pháp, đậu Cao học Thần học Luân Lý.
– 2006-2009 : Chánh Văn Phòng Tòa Giám Mục Xuân Lộc.
– 25/07/2009 : được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Xuân Lộc. Với vinh dự là Giám Mục thứ 101 của hàng Giám Mục Việt Nam và là Giám Mục thứ 14 của Giáo Hoàng Học Viện Piô X.
– Khẩu hiệu Giám mục : “Ngài yêu đến cùng” (Ga 13,1).
Kính Chúc Đức Cha Phó nhiều sức khỏe, và mọi sự bằng an hồn xác và nguyện xin Chúa tuôn đổ hồng ân, để Đức Cha chu toàn sứ vụ mới một cách tốt đẹp.
Trong lịch sử Giáo hội VN, hai địa phận Bùi Chu và Phát diệm là hai giáo phận hùng mạnh và nổi tiếng của miền Bắc sẽ được cai quản bởi hai giám mục trẻ xuất thân từ Xuân Lộc. Đức cha Nguyễn Năng và ĐC Vũ Đình Hiệu

Chúng ta cũng nên biết qua một số biệt từ của Giáo Luật:

Episcopus Auxiliaris/Auxiliarius - Auxiliary Bishop - Giám mục phụ tá: Giám mục được bài sai để phụ giúp cho một giáo phận, hoặc để giúp giám mục chính tòa thi hành hữu hiệu nhiệm vụ mình. Một giáo phận lớn có thể có nhiều giám mục phụ tá. Theo nguyên tắc giáo luật một giám mục được thụ phong phải có một tòa, dù là thực thụ hay trong tiềm năng. Vì thế các giám mục phụ tá thường có một hiệu tòa. Tức là một tòa đã có từ lâu rồi nhưng không tồn tại nữa. 

(Episcopus) Coadjutor - coadjuor bishop - Giám mục phó: Giám mục phó vừa là người giúp và có đồng trách nhiệm để cai quản một giáo phận nào đó. Khi giám mục chính tòa, vì bất cứ lý do gì mà mất đi, giám mục phó tự động lên vai chính đảm trách công việc. Thí dụ trước đây ĐC Nguyễn Minh Nhật là coadjutor thời ĐC Nguyễn V Lãng đang làm chính. Vì mỗi giáo phận chỉ có một vị giám mục chính tòa, các vị khác dù là phó hay phụ tá đều có một hiệu tòa (tòa danh dự trên danh nghĩa)

(theo DD TCV Phaolo Xuan Loc )
Giáo Phận Việt Nam & Các Đức Giám Mục 2012

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Thánh lễ Bế mạc Đại hội toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X

Thánh lễ Bế mạc Đại hội toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X

 WHĐ – Sau năm ngày họp tại giáo phận Xuân Lộc, ngày thứ sáu 16-12-2012 (Chúa nhật thứ 3 Mùa Vọng), Đại hội toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X đã cử hành kỷ niệm 40 năm thành lập (1972-2012) với Thánh lễ bế mạc tại Nhà thờ chính toà TGP.TPHCM vào lúc 9g30. Đồng tế với các Hồng y, Giám mục và linh mục của Đại hội, còn có một số Giám mục và nhiều linh mục Việt Nam, cùng đông đảo tu sĩ và giáo dân tham dự.
Trong bài giảng lễ, vị Hồng y chủ tế, cũng là Chủ tịch* FABC, nhắc nhở mọi người hãy chuẩn bị lễ Giáng sinh bằng cách thực hiện lời khuyên của Gioan Tẩy Giả, mở lòng ra đón Chúa Giêsu để Ngài mang lại cho mọi người ơn bình an, niềm vui và hy vọng.
Cuối Thánh lễ, Đức hồng y chủ tế Gracias tuyên đọc sứ điệp Đại hội nói về Linh đạo của Tân phúc âm hóa với 9 đặc điểm: gặp gỡ Đức Kitô, nhiệt thành loan báo Tin Mừng, tập chú vào Nước Trời, dấn thân xây dựng sự hiệp thông, đối thoại, khiêm tốn, nhất tâm bảo vệ phẩm giá con người, liên đới với các nạn nhân trong xã hội, và can đảm thể hiện đức tin bằng sự hy sinh.
Tiếp lời Đức hồng y Gracias, sau khi nhắc nhở cộng đoàn hãy tập chú vào Đức Kitô và nhìn xem bao tâm hồn đang khao khát sự sống tròn đầy, Đức hồng y Gaudencio Rosales - đặc sứ của Đức Thánh Cha - đã chuyển lời cám ơn của Đức Thánh Cha đến giáo phận Xuân Lộc, Tổng giáo phận TP.HCM, đến Đức Tổng giám mục Hà Nội, Đức Tổng giám mục Girelli, giáo dân Việt Nam, và Chính phủ Việt Nam đã nồng hậu tiếp đón các thành viên Đại hội.
Sau lời cám ơn của Đức hồng y Gracias gửi đến vị Đặc sứ Toà Thánh, Thánh lễ đã kết thúc bằng phép lành trọng thể. Sau đó các thành viên Đại hội đã đến Tòa Tổng giám mục dùng cơm trưa trong bầu khí giao lưu rất ấm áp giữa những người tham dự.
Giuse Mạnh Hữu ( Web HD GMVN )


Thánh lễ Khai mạc Đại hội toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X

Thánh lễ Khai mạc Đại hội toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X

WHĐ – Lúc 9 giờ sáng 11-12-2012, tại nhà nguyện lớn của Toà giám mục Xuân Lộc, Đại hội toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) lần thứ X đã khai mạc bằng một Thánh lễ trang trọng do Đức hồng y Gaudencio Rosales, Đặc sứ của Đức Thánh Cha, chủ tế.
Trước Thánh lễ, các thành viên Đại hội FABC đã chụp hình chung kỷ niệm ở phía trước và trong Hội trường của Đại hội.
Trong Thánh lễ, ngoài các thành viên của Đại hội, còn có sự hiện diện của các linh mục và đại diện mọi thành phần Dân Chúa của giáo phận Xuân Lộc. Chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ, Đức hồng y Gaudencio đặt vấn đề: Tại Á châu, Kitô hữu rất ít, nên có thể nói ở châu lục chúng ta có tới 99 con chiên lạc, và chỉ có 1 con chiên ở trong chuồng! Mà Chúa thì không muốn mất một con chiên nào! Dù chỉ một con chiên lạc, Ngài cũng bỏ tất cả để đi tìm! Huống hồ là 99 con lạc! Vậy trách nhiệm của chúng ta là gì?
Sau Thánh lễ, Đức hồng y Gaudencio nói với cộng đoàn trong nhà nguyện về sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Đại hội FABC X, trong khi Đức Tổng giám mục Girelli tiếp xúc với phái đoàn chính phủ đến thăm tại phòng khách Toà giám mục.
Lúc 10g30 Đại hội cử hành nghi thức khai mạc. Một cuộc rước trọng thể đưa phái đoàn FABC cùng với đại diện chính quyền và đại diện các tôn giáo bạn đi từ Toà giám mục vào Hội trường Đại chủng viện, băng qua một hàng rào danh dự tuyệt đẹp với muôn màu quốc phục, cồng chiêng, nón lọng rực rỡ, trong tiếng trống kèn rộn rã vang lừng. Người trong cuộc cảm thấy như chìm trong cả một khung trời đầy mầu sắc và âm thanh, rất hân hoan hoành tráng, tạo nên niềm hy vọng mới mẻ về một tương lai đầy hứa hẹn!
Vào trong hội trường, chương trình bắt đầu bằng một màn múa trống hết sức ấn tượng của các nữ tu dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh mục. Sau đó là những bài phát biểu của:
– Lm. Raymond Leslie O’Toole, Thư ký thường trực của FABC: cám ơn và giới thiệu chương trình;
– Ông Trần Thanh Hùng, Trưởng ban Tôn giáo Tỉnh Đồng Nai: giới thiệu phái đoàn chính quyền và tôn giáo bạn;
– Đức giám mục Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục chính toà Xuân Lộc: chào mừng Đại hội;
– Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam: Giáo hội Việt Nam và FABC;
– Đức hồng y Oswald Gracias, Tổng thư ký FABC: trình bày sơ lược 10 Đại hội FABC;
– Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Đức Thánh Cha tại Việt Nam: FABC và năm Đức Tin;
– Đức hồng y Gaudencio Borbon Rosales, Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Đại hội X FABC: chuyển sứ điệp của Đức Thánh Cha đến Đại hội và dân tộc Việt Nam;
– Ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ: chúc mừng Đại hội;
– Đức hồng y GB. Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục TGP.TPHCM: diễn tả tâm tình của giáo dân Việt Nam đối với Đại hội.
Chương trình khai mạc kết thúc bằng vũ khúc “Dân ca ba miền” hết sức đặc sắc của các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc.
Trước khi ra về, Phái đoàn chính quyền đã trao tặng Đại hội X FABC những lẵng hoa thật lớn và thật đẹp.
Phái đoàn FABC sau đó dùng cơm trưa vào lúc 13g30, và phiên họp đầu tiên của Đại hội đã bắt đầu vào lúc 16g. Với giờ cầu nguyện Taizé lúc 20g30, ngày khai mạc Đại hội FABC X đã kết thúc trong bình an.







Ảnh: TT Xuân Lộc
Giuse Mạnh Hữu ( Web HD GMVN )