Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

MÙA CHAY với Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II


                                 Trọng Tâm Của Mùa Chay

Bài giảng thứ tư lễ Tro ngày 28.02.2001
Đức Cố GH. Gioan Phaolô II


Hãy xé lòng, đừng xé áo (Ge 2,12-18)
Hãy làm hòa với Thiên Chúa, vì đây là thời gian thuận tiện
(2Cr 5,20-6,2)
Cha của anh em, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả lại cho anh em
(Mt 6,1-6.16-18)
“Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong sạch,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy” (Tv 50,10)

Theo một nghĩa nào đó, lời Thánh vịnh đáp ca chính là trọng tâm của mùa Chay, đồng thời lời ấy diễn tả chương trình chính yếu của mùa Chay. Những lời này trích từ thánh vịnh xin Chúa thương xót, trong đó tội nhân mở tâm hồn mình ra với Thiên Chúa, xưng thú tội lỗi mình và van xin ơn tha thứ vì những tội đã phạm: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm và con thật đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt ngài… Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần nhan thánh, đừng cất khỏi lòng con Thần Khí thánh của Ngài” (Tv 51,2-4.11)
Thánh vịnh  này là lời giải thích phụng vụ xức tro một cách hữu hiệu đặc biệt. Tro bụi là dấu chỉ tính tạm thời của con người và sự phục lụy cái chết. Trong mùa Chay này, khi chúng ta chuẩn bị tái hiện trong phụng vụ mầu nhiệm cái chết trên thập giá của Đấng Cứu độ, chúng ta phải cảm nhận và trải nghiệm sâu xa hơn nữa bản tính phải chết của chính chúng ta. Chúng ta là loài phải chết, tuy nhiên cái chết của chúng ta không có nghĩa hủy diệt và trở thành hư không. Trong cái chết ấy, Thiên Chúa đã khắc ghi niềm hy vọng sâu xa cho một thụ tạo mới. Vì vậy, hối nhân tham dự ngày Thứ tư Lễ Tro có thể phải kêu lên: “Lạy Thiên Chúa xin tạo cho con một quả tim trong sạch, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy” (Tv 51,12)
Với tinh thần này, chúng ta bắt đầu hành trình mùa Chay, mang lấy tinh thần của Năm toàn xá, là năm thánh đánh dấu thời gian sám hối và hòa giải đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Đó là năm của tinh thần hăng say mãnh liệt, trong thời gian đó, lòng thương xót của Thiên Chúa tuôn đổ dồi dào trên thế giới… Cuộc hành trình mà mùa Chay mời gọi chúng ta trên hết là thực hiện việc cầu nguyện: trong tuần lệ này, các cộng đoàn Kitô hữu phải trở nên “những trường cầu nguyện’ đích thực. Một mục tiêu quan trọng khác là giúp tín hữu đến với các bí tích Hòa giải, nhờ đó mỗi người có thể “tái khám phá Đức Giêsu như là  mầu nhiệm của lòng thương xót, là Đấng mà nơi người, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta thấy lòng nhân ái của Chúa và hòa giải chúng ta một cách trọn vẹn với Chúa” (bước vào ngàn năm mới, 37)
Hơn nữa, kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa không thể không thúc đẩy chúng ta dấn than vào việc bác ái, khích lệ cộng đoàn Kitô hữu thắt kết mọi sự trong đức ái. Trong trường học của Đức Kitô, cộng đoàn hiểu hơn nữa đòi hỏi của lựa chọn ưu tiên vì người nghèo, lựa chọn này là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa, sự quan phòng và lòng thương xót của Người.
“Hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr5,20)… Những lời này không ngừng vang vọng trong tâm trí chúng ta. Phụng vụ nói với chúng ta rằng, ‘hôm nayl à thời gian thuận tiện để’ chúng ta làm hòa với Thiên Chúa. Suy nghĩ thế, chúng ta hãy tiến lên nhận tro và bước những bước đầu tiên trong hành trình mùa Chay. Hãy tiếp tục tiến bước trên con đường này một cách quảng đại, kiên quyết hướng nhìn về Đức Kitô, Đấng chịu đóng đinh. Bởi thập giá mới có thể xây dựng một tương lai hy vọng và bình an cho mọi người.


Tại Sao Chúng Ta Ăn Chay?

Phải chăng đó là cách ăn chay mà ta ưa thích?
(Is 58:1-9)
Lạy Chúa, một tấm lòng tan nát, hèn mọn, Người sẽ chẳng khinh chê.
(Tv 50)
Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi,  bấy giờ họ mới ăn chay
(Mt 9:14-15)

Tại sao chúng ta ăn chay? Có lẽ giây phút này đây chúng ta nhớ đến lời Đức Giêsu đáp lại các môn đệ ông Gioan Tẩy giả khi họ hỏi Người :
“Tại sao môn đệ ông không ăn chay? Đức Giêsu nói: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, khi ấy họ mới ăn chay” (Mt 9:15).
Thật vậy thời gian Mùa Chay nhắc nhở chúng ta rằng chàng rể đã bị đem đi xa chúng ta. Bị đem đi, bị bắt, bị tù, bị sĩ nhục, bị đánh đòn, bị đội mũ gai, bị đóng đinh…Chay tịnh trong thời gian Mùa Chay diễn tả sự liên đới với Đức Giêsu . Đó là ý nghĩa của Mùa Chay xuyên suốt nhiều thế kỷ và ngày nay vẫn còn như thế.
Tại sao chúng ta ăn chay? Cần phải đưa ra một câu trả lời rộng rãi hơn, sâu sắc hơn, để làm sáng tỏ mối liên hệ giữa chay tịnh và "sự hoán cải”, đó là sự thay đổi thiêng liêng đem con người đến gần Thiên Chúa..
Con người hướng về của cải vật chất và rất thường lạm dụng chúng. Ở đây không chỉ là vấn đề đồ ăn, thức uống. Khi con người hoàn toàn hướng về việc sở hữu và sử dụng những của cải vật chất, nghĩa là sự vật, khi ấy nó cũng là toàn bộ nền văn minh được đo lường theo lượng và phẩm của sự vật với vai trò là hỗ trợ con người, chứ không được đo lường với thước dây phù hợp với con người. Thật ra, nền văn minh này,  cung cấp của cải vật chất không chỉ để phục vụ con người thực hiện những hoạt động sáng tạo và hữu ích, mà còn hơn thế nữa…để làm thỏa mãn giác quan, thỏa mãn sự kích động từ giác quan, thỏa mãn thú vui tạm thời, thỏa mãn nhiều loại cảm giác tuyệt vời hơn…
Nhìn thấy được điều này, con người hiện đại cần phải ăn chay,  nghĩa là, không chỉ kiêng cữ đồ ăn, thức uống mà thôi, mà còn bao gồm nhiều những thứ khác như mức tiêu thụ, sự kích động, sự thỏa mãn của các giác quan. Chay tịnh là kiêng cữ, là từ bỏ cái gì đó.
Tại sao phải từ bỏ cái gì đó? Tại sao lấy đi khỏi chính mình một điều gì đó? Chúng ta đã trả lời phần nào câu hỏi này rồi. Tuy nhiên, câu hỏi này chưa hoàn chỉnh, nếu chúng ta chưa nhận ra con người đó là cũng là chính mình, bởi vì người ấy thành công trong việc từ bỏ điều gì đó khỏi mình, bởi vì người ấy có thể nói “không” với chính mình. Con người là một hữu thể bao gồm thân xác và linh hồn. Một vài nhà văn hiện đại diễn tả cấu trúc đa dạng của con người dưới nhiều tầng lớp, chẳng hạn họ nói rằng, những lớp bề mặt của cá tính chúng ta trái nghịch với những lớp chiều sâu. Sự sống của chúng ta dường như được chia thành nhiều tầng và diễn ra qua những tầng ấy. Trong khi những lớp bề mặt được kết nối lại với dục vọng của chúng ta, thì trái lại những lớp chiều sâu là một sự biểu lộ của tinh thần con người, một ý chí có ý thức, đó là sự suy tư, là lương tâm, là khả năng sống những giá trị cao hơn.
+ ĐGH Gioan Phaolô 2

Con Đường Hoán Cải

Tôi đưa cho anh em con đường sống hay phải chết,
được chúc phúc hay bị nguyền rủa. (Đnl 30:15-20)
Hạnh phúc cho những ai hy vọng vào Thiên Chúa. (Tv 1)
Nếu ai muốn theo tôi…(Lc 9,23).

Trong Mùa Chay này, Đức Giêsu mời gọi chúng ta theo Người  lên Giêrusalem để chịu hy sinh trên Thập Giá. “Nếu ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ minh, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”(Lc 9:23). Dĩ nhiên đây là một lời mời gọi mang tính đòi hỏi và khó khăn, nhưng nó có thể phóng ra sức mạnh sáng tạo của tình yêu nơi những ai chấp nhận nó.
Vì thế, từ giây phút đầu tiên của Mùa chay này, chúng ta hướng mắt về Thập giá Vinh quang của Chúa Giêsu. Tác giả sách Gương Chúa Giêsu viết như sau: "Trong  Thập giá có sự cứu chuộc, trong Thập giá có sự sống; trong Thập giá có sự che chở quân thù; trong Thập giá là món quà siêu phàm cùa sự ngọt ngào từ trời cao; trong Thập giá là sức mạnh của tâm trí và niềm vui của  tinh thần; trong Thập giá, nhân đức thêm vào nhân đức và sự thánh thiện thì hoàn hảo”(XII, 1).
“Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1:14)…Chúng ta nghe lại lần nữa đoạn văn này từ Thánh sử Marcô. Đoạn văn này nhắc chúng ta nhớ rằng ơn cứu chuộc mà Đức Giêsu ban tặng cho chúng ta trong mầu nhiệm vượt qua của Người đòi hỏi chúng ta đáp trả. Vì thế phụng vụ thúc giục chúng ta diễn tả một cách rỏ rệt hồng ân hoán cải tâm hồn, chỉ cho chúng ta cách thức và phương tiện sử dụng.
Chú ý lắng nghe lời Thiên Chúa, kiên trì cầu nguyện, chay tịnh bên trong và bên ngoài, làm việc bác ái, để cụ thể bày tỏ sự liên đới chặt chẽ với anh chị em chúng ta; đây là những việc đương nhiên đối với những ai được tái sinh vào đời sống mới trong Bí tích Thánh tẩy, không còn khuynh hướng sống theo tính xác thịt nữa nhưng sống theo Thần khí (Rm 8:4). “ Bài giảng thứ tư Lễ Tro, 12-02-1997
Hãy cần cù chuyển trao nguyên vẹn di sản thiêng liêng đã được ủy thác cho bạn. Hãy trung thành với việc cầu nguyện hằng ngày của bạn, với thánh lể và bí tích hòa giải, thường xuyên gặp gở Chúa Giêsu  là Đấng cứu độ trìu mến và thương xót. Hãy bảo vệ sự thánh thiêng của sự sống và sự thánh thiện của đời sống hôn nhân. Hãy hiểu cho rõ đức tin công giáo thánh thiện và sống nhờ giáo huấn của đức tin ấy. Hãy đối mặt với những thử thách khó khăn của đời sống văn minh hiện đại với nghị lực và sự kiên nhẫn của người Kitô hữu. Chinh Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Nếu ai muốn làm môn đệ tôi, hãy từ bỏ chính mình và vác Thập giá mình mà theo tôi” (Mt 16:24; Mc 8:34).
Từ bỏ chính mình là bỏ đi những kế hoạch riêng của mình, những kế hoạch ấy thường nhỏ mọn và tầm thường, đễ chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa. Đó là con đường hoán cải, điều không thễ thiếu trong đời sống Kitô hữu, và đã khiến Thánh Phaolô noi: “Không còn phải là tôi sống nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20)
Đức Giêsu không đòi hỏi chúng ta từ bỏ cuộc sống nhưng chấp nhận sự mới mẽ và sự sung mãn đầy tràn của sự sống mà một mình Người mới có thễ ban tặng. Con người có khuynh hướng sâu xa là “chỉ nghĩ đến mình”, còn cá nhân mình như là trung tâm của sự chú ý, và coi mình như là chuẩn mực đễ đánh giá mọi thứ. Ngược lại, ai chọn lựa theo Đức Giêsu thì không chỉ nghĩ đến mình và không đánh giá mọi sự theo lợi ích của riêng mình. Nhười ấy nhìn cuộc đời như là hồng ân nhưng không, không theo kiểu chinh phục và sở hữu. Cuộc đời chỉ sung mãn khi được sống trong sự cho đi, và đó là hoa trái của ân sủng trong Đức Kitô: một cuộc đời tự do và hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em.
+ ĐGH Gioan Phalô 2
Sứ điệp giới trẻ,  14-02-2001


Lm. Giuse Nguyễn Văn Chữ, OP. chuyển ngữ

nguyenthuong.ctxl@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét