Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

TIỄN BIỆT CHA BÊNÊĐICTÔ NGUYỄN HƯNG


THÁNH LỄ AN TÁNG CHA BÊNÊĐICTÔ NGUYỄN HƯNG

TẠI NHÀ THỜ CHÍNH TÒA XUÂN LỘC


Một lần gặp Cha, mãi nhớ Cha
Chỉ thoáng mà sao thấy đậm đà
Lần này gặp lại trong ly biệt
Ngậm ngùi, thương tiếc dáng hiền hòa.
SAO BIỂN.

                              TÔI NAY Ở TRỌ TRẦN GIAN                                                  TRĂN NĂM VỀ CHỐN XA XĂM CUỐI TRỜI
  Câu thơ của Bùi Giáng được Trịnh Công Sơn phổ nhạc, nhẹ nhành như áng mây chiều của phận người lãng đãng bay xa khỏi quán trọ đời mình. Người không có niềm tin Công Giáo nghĩ vậy đấy. Bởi làm sao lý giả được một người tài hoa không ngừng đóng góp cho đời mà lại chết, như mây bay về cuối trời mênh mang.
 Thật vậy 57 tuổi đời, cha Bênêđictô Nguyễn Hưng một Giáo sư tốt nghiệp tốt nghiệp từ Rôma về dạy học tại Đại Chủng viện, thế mà bắt đầu từ đau cổ họng sau Tết Nhâm Thìn, mấy tháng sau bệnh viện Pháp Việt chuẩn đoán là ung thư thực quản. Sau 3 tháng xạ trị rồi hòa trị tưởng là hết, thế mà khi đi kiểm tra sức khỏe bên Hoa Kỳ, Ngài cứ đuối dần đi và phải vào nằm bệnh viện ở Atlanta. Vào lúc 02h10' ngày13.05.2012 Ngài ra khỏi quán trọ trần gian, để lại một nỗi buồn tiếc nuối, một mất mát lớn lao cho giáo phận, gia đinh, và tất cả mọi người quên biết.
 Chắc chăn giáo xứ Chính Tòa vẫn còn nhớ hình ảnh thân thương của Ngài, một người thông minh xuất sắc, đa năng đa tài, lại khiêm tốn, vui tươi, đôi khi không thiếu những câu chuyện pha trò hóm hỉnh. Những bài thuyết giảng của Ngài luôn luôn bắt đầu bằng những câu chuyện dễ thương, dễ nhớ. Nhờ vậy, bài giảng đã cuốn hút mọi người đến gần Chúa hơn. Tất cả những hình ảnh đó có lễ đã ghi đậm nết không bao giờ phai nhòa tong tâm trí mỗi người chúng ta.
 Nay áng mây Bênêđictô đã bay về với Chúa, mang theo tất cả và để lại tất cả. Với tâm tình quý mến và thương tiếc, chúng ta cầu nguyện cho Ngài bay mãi đến cuối trời nơi Thiên Chúa ngự trong cõi vĩnh hằng.

 Thánh Lễ An Táng của Cha Bênêđictô Nguyễn Hưng, Được cử hành tại Thánh đường Giáo xứ Chính Tòa Xuân Lộc, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc chủ sự Thánh lễ cuối cùng cho Ngài. Cùng sự hiện diện của Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám Mục Giáo Phận Phú Cường. Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước,Giám Mục Phó Giáo Phận Phú Cường. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Sài Gòn.Quý Đức Ông, Quý Cha Tổng Đại Diện, Quý Cha, Quý Tu sĩ Nam Nữ Trong và ngoài Giáo Phận và hàng ngàn giáo dân từ khắp nơi đến đưa Cha về nơi an nghĩ sau cùng.
Vĩnh Biệt Cha - Nơi Thiên Quốc, Cha Cầu Nguyện Thật Nhiều Cho Giáo Phận
 (Photo : Vicente Nguyen Thuong )

THÁNH LỄ AN TÁNG CHA GIÁO BÊNÊĐICTÔ NGUYỄN HƯNG

Trong lời dẫn đầu lễ, bằng việc trích lại lời của một triết gia, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh đã ngỏ với cộng đoàn : “Các bạn hãy sống làm sao để khi các bạn sinh ra thì các bạn khóc còn người ta cười và khi các bạn chết đi thì các bạn cười mà người ta khóc”. Rồi ngài kết luận: “Cha Bênêđictô Nguyễn Hưng của chúng ta đã đạt được điều đó. Ngài là một con người thông minh nhưng rất khiêm nhường, sống hòa thuận với tất cả mọi người, yêu thương mọi người. Ngài có tài giảng thuyết và làm vui cho tất cả mọi người. Điều đó được chứng tỏ trong ngày lễ an táng của ngài đây. Sự hiện diện của Quý Đức Cha, Quý Đức Ông, Quý Cha và mọi người chứng tỏ điều tôi vừa nói. Việc ra đi của ngài làm cho chúng ta sững sờ và thương nhớ, nhưng chúng ta tin rằng Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự. Ngài sắp đặt và định đoạt cho số phận của mỗi người chúng ta tùy theo ý định của Ngài”.

Tác giả : Vũ Đương - Duy Hải
Lớp Thần IV - Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc
Phim : Nguyenthuong Media
Bầu khí oi nồng, nắng nóng của những ngày hè thường làm cho người ta có xu hướng tránh những chỗ đông người. Ấy vậy mà vào lúc 8g30 sáng Thứ Tư, ngày 23 tháng 5 năm 2012, trong và ngoài khuôn viên Nhà thờ Chính Toà Giáo phận Xuân Lộc, đã có sự hiện diện của rất nhiều người. Họ đến đây để tham dự Thánh lễ An Táng Cha Bênêđictô Nguyễn Hưng – nguyên Giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.

Nhìn quang cảnh này, ta liên tưởng đến sự hiệp thông của mọi thành phần dân Chúa : Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ, Chủng sinh và đông đảo giáo dân trong và ngoài giáo phận. Có thể nói đây là sự qui tụ xuất phát từ tình thương, vì cái nắng, cái nóng cũng không thể cản được tình cảm thân thương mà những người hiện diện dành cho Cha Bênêđictô. Chính vì thế, Thánh lễ đã được diễn ra trong không khí trang trọng của buổi cử hành phụng vụ và thắm đượm nghĩa tình.

Thánh lễ do Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc chủ tế. Cùng đồng tế với ngài, có Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ - Giám mục Giáo phận Phú Cường, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục phó Giáo phận Phú Cường, Đức Ông Vinh sơn Đặng Văn Tú - Tổng Đại Diện Giáo phận Xuân Lộc, Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn - Tổng Đại Diện Giáo phận Bà Rịa, Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo - Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, Quý Cha Quản Hạt, quý Cha giáo Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc và Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, quý cha Tổng giáo phận Huế, quý cha Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt, quý cha cùng du học với Cha Bênêđictô tại Rôma và hơn 200 linh mục trong, ngoài giáo phận.

Cuộc đời Cha Bênêđictô là chuỗi ngày sống tâm niệm đời linh mục của mình : “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Ngài đã cho đi tất cả theo Thánh Ý Chúa và cũng đã nhận lãnh tất cả như Thánh Ý Chúa : những đau đớn của bệnh tật, nỗi buồn khi không được gặp lại Đấng Bản Quyền của mình trong giờ lâm chung, không được nói lời chào anh em linh mục và gia đình, thân hữu, không được chết trên mảnh đất quê hương yêu dấu. Tuy nhiên, nhìn vào sự hiện diện của Quý Đức Cha, Quý Đức Ông, hơn 200 linh mục, gần 400 chủng sinh - tu sinh, đông đảo các nữ tu và nhiều giáo dân đến từ các giáo xứ trong Giáo hạt Xuân Lộc, cách riêng giáo xứ Chính Tòa Xuân Lộc, Giáo xứ Hà Nội (Xuân Lộc), Giáo xứ Hà Thành (Huế), Giáo xứ Thiện Phước (Bà Rịa), người ta có thể ngạc nhiên và tự hỏi: Phải chăng Cha Bênêđictô là một vĩ nhân hay ngài là người có mối quan hệ rộng rãi? Có thể, nhưng đúng hơn, ngài là một linh mục đã sống cho đi hơn là nhận lãnh. Với 57 năm sống trên dương thế, cách riêng 16 năm trong thiên chức linh mục, ngài đã sống trọn vẹn hai chữ “hiến dâng”.


Cái chết lấy đi sự sống, nhưng trả lại cho người quá cố những gì sự sống chưa thể trao tặng cho họ : Đó là lòng yêu thương thắm thiết của tất cả những người có liên hệ. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nên dù xa xôi đến mấy, cách trở đến đâu, dù bận bịu thế nào, mọi người vẫn dành thời gian đến đưa tiễn người quá cố về nơi an nghỉ ; Đó là sự khoan dung tha thứ trong ánh mắt của mọi người, vì chẳng ai muốn nhớ đến những bất toàn của người ra đi ; Đó là lời nguyện cầu thiết tha, xin cho người quá cố được về nơi vĩnh phúc… Với cha Bênêđictô Nguyễn Hưng, điều đó dường như còn nhiều hơn nữa. Chả thế mà trong lời dẫn đầu lễ, Đức Cha Chủ Tế đã nói những lời sau: “Nếu chỉ cần gõ lên dòng chữ Bênêđictô Nguyễn Hưng là hàng trăm trang web đưa tin cha Bênêđictô Nguyễn Hưng đã về cùng Chúa trong sự thương nhớ, cùng với những giai điệu ai điếu của hàng hàng lớp lớp người người trong nước cũng như kiều bào nước ngoài ca than thương nhớ và nuối tiếc sự ra đi của ngài đang trong lúc đỉnh cao của mùa gieo vãi, tựa như con tằm đến thời nhả tơ, như vầng ánh sáng trăng trên đỉnh…”.

Vâng, sự ra đi của Cha Bênêđictô đã làm sống lại trong lòng Đức Giám mục Giáo phận, trong lòng Linh mục đoàn Giáo phận, trong các chủng sinh, các tu sĩ và tất cả mọi người hình ảnh của một người linh mục rất đa tài và luôn hết lòng với anh em. Đức Cha đã rất xúc động trong lời mời gọi sám hối đầu lễ khi nhớ đến người cộng sự rất gần gũi và thân thương của mình. Đức Cha nhắc lại lời khuyên của một triết gia dành cho các học trò của mình: “Các bạn hãy sống làm sao để khi các bạn sinh ra thì các bạn khóc còn người ta cười và khi các bạn chết đi thì các bạn cười mà người ta khóc” . Rồi ngài kết luận: “Cha Bênêđíctô Nguyễn Hưng của chúng ta đã đạt được điều đó, ngài là một con người thông minh nhưng rất khiêm nhường, sống hòa thuận với tất cả mọi người, yêu thương mọi người. Ngài có tài giảng thuyết và làm vui cho tất cả mọi người. Điều đó được chứng tỏ trong ngày lễ an táng của ngài đây. Sự hiện diện của Quý Đức Cha, Quý Đức Ông, Quý Cha và mọi người chứng tỏ điều tôi vừa nói. Việc ra đi của ngài làm cho chúng ta sững sờ và thương nhớ, nhưng chúng ta tin rằng Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự. Ngài sắp đặt và định đoạt cho số phận của mỗi người chúng ta tùy theo ý định của Ngài”.

Sự nuối tiếc và lòng kính mến đối với Cha Bênêđictô càng trào dâng hơn nữa qua bài giảng lễ của Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc, người đã có dịp ở gần bên cha Bênêđictô trong những ngày cuối đời tại Hoa Kỳ. Cha Gioan nói: “Ơn Chúa quan phòng cho tôi được ở gần cha Bênêđictô trong những ngày giờ của tuần cuối cuộc đời của Cha. Tôi trân trọng lưu giữ trong lòng và cảm nhận sâu xa tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa và Hội Thánh trên Cha Bênêđictô”. Quả vậy, niềm tin Kitô giáo luôn khơi lên trong lòng con người niềm hy vọng. Vì thế, những thử thách, đau khổ là cửa ngõ để ta khám phá tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho con người qua Hội thánh. Cha Gioan đã nghiệm được điều này và ngài chia sẻ với cộng đoàn : “Điều an ủi lớn nhất mà Cha Bênêđictô có được, và chỉ trong Hội Thánh mới có điều an ủi này, đó là sự trợ lực của các Bí tích. Ba ngày trước khi Cha Bênêđictô qua đời, Đức Ông F.X. Phạm Văn Phương và các Cha đã ban Bí tích Xức dầu, Ơn Toàn Xá, Phép lành Tòa Thánh và sau đó đồng tế Thánh lễ ngay bên giường bệnh của Cha Bênêđictô.” Không chỉ có thế, Cha Bênêđictô còn nhận được tình thương của những người đang sống, sự hiệp thông của Hội thánh lữ hành : “Học trò nhớ những lớp học sinh động xưa, giáo dân nhớ những bài giảng hay, thú vị, bạn bè gợi lại bao kỷ niệm một thời chung sống và tựa hồ chẳng bao giờ nhạt phai vóc dáng một người: cái lưng hơi khum khum, chẳng bao giờ nhạt phai những niềm vui gặp gỡ hôm nào”. Những tình cảm này, giờ đây như quặn đau trong lòng nhiều người để bật ra thành tiếng nấc và những dòng lệ. Vì thế, Cha Gioan nói : “Là con người, cần khóc xin cứ khóc, đừng cản đôi dòng lệ khi nó cần biểu lộ lòng thương mến đối với nhau”.

Cảm thông và chia sẻ với nhau khi vui cũng như lúc buồn là cách thể hiện rất người và rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, người ta không dừng lại ở khía cạnh tình cảm ấy mà niềm tin dẫn họ đến niềm hy vọng. Cha Gioan lấy kinh nghiệm từ hai môn đệ trên đường đi Emmaus để chia sẻ với cộng đoàn : “Trong lúc tâm hồn ngổn ngang sầu muộn và sao xuyến như hai môn đệ Emmaus ta đừng quên có Chúa đồng hành : “Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”. (Ga 14,1-4).  Là Kitô hữu, trong khi bị quấn quýt bởi những mối dây xao xuyến khắc khoải của cuộc đời thì lại được mang một tin mừng : ‘Anh em đừng xao xuyến”. Chính vì thế, tiếng nấc, dòng lệ được kết thành lời nguyện tha thiết. Thái độ bên ngoài đã được nội tâm hoá, được đưa vào cuộc gặp gỡ sống động với Chúa. Do đó, Thánh lễ đã diễn ra hết sức trang nghiêm và sốt sắng do lòng quý mến của mọi người dành cho Cha Benêđictô và do niềm tin vào sự sống mới trong Đấng Phục Sinh.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha Đaminh Ngô Công Sứ, Quản hạt Xuân Lộc, công bố chúc thư của Cha Bênêđictô. Chúc thư được viết vào ngày 02/05/2012 tại Oklahoma (Hoa Kỳ). Trong chúc thư, Cha Benêđictô đã nêu lên hai ước nguyện rất giản dị của một linh mục luôn tâm niệm“cho thì có phúc hơn là nhận”: “Ước nguyện thứ nhất : Sau khi chữa bệnh sẽ cố gắng bằng mọi cách thu xếp để trở về với Giáo phận và gia đình. Ước nguyện thứ hai: nếu vì tình trạng sức khỏe không thể thu xếp được và phải ở lại Giáo phận Atlanta , xin Đức Ông F.X. Phạm Văn Phương, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ cùng cộng đoàn dân Chúa dâng thánh lễ an táng cho con ở đây. Sau thánh lễ an táng, con xin ủy quyền cho Đức Ông FX. Phạm Văn Phương và nữ tu Anna Nguyễn Ngọc Oanh, thuộc dòng nữ Đaminh Rosa de Lima miền Mân Côi – Giáo xứ Hà Nội, đưa xác con về cho giáo phận và gia đình tại Việt Nam”.

Nghe những dòng chúc thư vắn vỏi, những người hiện diện thấy sống mũi cay xè và lòng thổn thức, vì nó thật giản dị. Những ước nguyện đơn sơ quá, nhỏ nhoi quá so với một linh mục vốn được coi là tài hoa và thông thái. Với Thánh lễ An Táng hôm nay, tất cả đã được thực hiện như ước nguyện của Cha Bênêđictô. Cha Quản Hạt cũng thay lời cho gia đình linh tông huyết tộc của Cha Bênêđictô cảm tạ Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Chủng Sinh, Quý Tu Sĩ nam nữ và tất cả mọi người đã cử hành và tham dự tang lễ rất trang nghiêm, sốt sáng. Cha Quản Hạt cũng nhắc lại đôi nét về cuộc đời Cha Bênêđictô và một lần nữa những người tham dự thánh lễ cảm nhận được lòng quý mến từ người anh em linh mục đối với Cha Bênêđictô. Ngài kết thúc với lời trần tình: “Ngày hôm qua, khi mở nắp quan tài, chúng con xúc động vô vàn tin rằng ngoài những thành quả thiêng liêng thì con người gầy guộc đã không còn gì cả, không còn gì ngoài bộ lễ phục trắng mặc trên mình. Chúng con hạnh phúc để thưa với Quý Đức Cha, Quý Cha và mọi người đang hiện diện: Các linh mục của Hội Thánh khi chết là như vậy, chỉ biết một đời cho đi và điều đó có phúc hơn là nhận. Chính vì xác tín điều ấy mà các linh mục trong giáo hạt Xuân Lộc nhiều năm qua đã chọn cho mình một đám tang không kèn không trống, không vòng hoa phúng viếng, không bức trướng phân ưu. Làm như vậy có thể lòng của nhiều người, lòng của con cái, lòng của anh em linh mục cứ vẫn tiếc xót, cứ dằn vặt là mình chưa làm đủ, chưa lo lắng đủ, chưa quý mến đủ, chưa đền đáp xứng đáng với ơn cao nghĩa dầy của linh mục. Thế nhưng, khi tin rằng làm những việc ấy là thực hiện đúng ý nguyện của người anh em linh mục, chúng con biết rằng sẽ làm cho ngài vui, và làm cho lòng mọi người tổ chức được thanh thản”.

Sau lời cảm ơn của Cha Quản Hạt Xuân Lộc, Đức Ông Vinh sơn Đặng Văn Tú, Tổng Đại Diện Giáo phận, đã cử hành nghi thức tiễn biệt cho Cha Bênêđictô. Cũng những lời rất quen thuộc “Anh chị em thân mến, trong khi thi hành nhiệm vụ chôn cất thi hài này theo truyền thống Công Giáo, chúng ta biết rằng mọi vật đều phải trung thành sống cho Chúa...”  nhưng sao hôm nay nghe tha thiết và buồn đến thế. Dẫu biết rằng “mọi vật đều phải trung thành sống cho Chúa và có chết cũng là chết cho chúa” (Rm 14,8), nhưng sao người người cứ muốn níu kéo dài thêm mãi phút giây được nhìn thấy người đã ra đi, dù chỉ là nhìn thấy một chiếc áo quan thật buồn bã.

Sau Thánh lễ, linh cữu của Cha Bênêđictô được đưa đi an táng tại nghĩa trang giáo xứ Chính Tòa Xuân Lộc.
Tác giả bài viết: Vũ Đương - Duy Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét