Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

NGÀY HỌP MẶT CÂU LẠC BỘ ĐỒNG XANH THƠ XUÂN LỘC

Lễ kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu Bổn Mạng các xứ truyền giáo, cũng là Bổn Mạng của CLB ĐXT Xuân Lộc. Hôm nay cũng là ngày ra mắt và là ngày họp mặt lần đầu tiên của CLB được tổ chức tại Giáo xứ Bình Lâm, Giáo phận Xuân Lộc.

Khởi đầu từ cuộc họp các tác giả Đồng Xanh Thơ Dũng Lạc tại Phan Thiết ngày 20-1-2010, Đồng Xanh Thơ Xuân Lộc chỉ có 4 thành viên với những thao thức loan báo Tin Mừng qua Thơ Văn trong sự nghiệp kế thừa Văn học Công giáo và gây nguồn cảm hứng cho lớp người trẻ. Các thành viên đã ấp ủ hoài bão cùng với sự kiên trì hy sinh đóng góp phần nhỏ bé của mình trong sự nghiệp Văn học Công giáo qua việc đã tổ chức một kỳ thi viết cho giới trẻ và đã thực hiện 3 tập văn thơ Công giáo. Và cũng chỉ với số thành viên ấy, CLB ĐXT Xuân Lộc được thành lập từ ngày 30-6-2011 với Cha Linh hướng là Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền.
Được sự thuận tình, nâng đỡ và khích lệ của Đức Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc, sự hỗ trợ của Cha linh hướng, khuyên khích và giúp đỡ chuyên trang ĐXT  Dũng Lạc, hoài bão cộng với sự hy sinh của anh chị em.. cuộc Họp Mặt câu Lạc Bộ Đồng Xanh thơ Xuân lộc lần đầu tiên đã được tổ chức hôm nay ngày 1-10-2011, Lễ Thánh Nữ Têrêxa, Bổn mạng CLB.


Hiện diện trong buổi họp mặt đáng nhớ này, có:
-       Linh mục Jos. Tạ Duy Tuyền, Chánh xứ Bình Lâm, Linh hướng CLB ĐXT Xuân Lộc
-       Linh mục Anrê Phạm Linh Tiên, Phó xứ Bình Lâm.
-       Vị đại diện Ban Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Bình Lâm.
-       Anh PM. Cao Huy Hoàng, Chủ nhiệm chuyên san Đồng Xanh Thơ Dũng Lạc.
-       Anh Piô X Lê Hồng Bảo, Chủ nhiệm chuyên san Vườn Ô Liu Dũng Lạc.
-       Anh AP. Mặc Trầm Cung, Chủ nhiệm CLB Thi Ca Cầu Nguyện.
-       Anh Tadeo Nguyễn Thanh Xuân, Chủ nhiệm CLB ĐXT Qui Nhơn.
-       Ông Giuse Phạn Quang Vinh, đại diện cho Linh mục Phêrô Vương Văn Tuyên, Gx. An Lộc.
-       Anh Hoàng Công Nga, đại diện các tác giả Bà Rịa - Vũng Tàu.
-       Ông Nguyễn Nghĩnh, nhà thơ Nghinh Nguyên, đại diện các tác giả Phan Thiết.
-       Nhà báo Quốc Hùng.
-       Nhà báo Minh Đoàn.
-       Cùng với sự hiện diện của 20 tác giả và khách mời.
Rất tiếc vì là ngày lễ Thánh Têrêxa, Bổn mạng nhiều hội đoàn nên một số linh mục, phó tế và một số tác giả có công tác ở các giáo xứ không thể tham dự được…
Ngày 30-9-2011, sau cơm tối, lúc 19g30 các tác giả đã có buổi họp thân mật để bàn thảo về mục đích và hoạch định phương hướng làm việc.
Về mục đích, CLB nhắm tới
- Góp phần loan báo Tin Mừng qua văn học.
- Khơi dậy ý thức loan báo Tin Mừng qua văn học cho lớp kế thừa.
- Thơ văn đồng hành cùng các việc mục vụ của giáo Phận nhà, nhất là trong ngũ niên chuẩn bị mừng kỷ niệm Kim khánh của Giáo phận.
Về phương hướng
- Các thành viên góp bài, CLB phát hành mỗi tháng một số, đăng đàn dunglac.org.
- Photo khoảng 50 đến 100 tập cho mỗi số, để biếu tặng các xứ, sinh viên học sinh… để phổ biến văn học Công giáo và tìm thêm thành viên.
- Họp định kỳ mỗi năm một lần vào dịp lễ Thánh nữ Têrêxa, Bổn mạng.…
Sáng ngày 1-10-2011, lúc 4 giờ 30, Thánh lễ mừng kính Thánh nữ Têrêxa, Bổn mạng của một giáo họ trong giáo xứ và của CLB Đồng Xanh Thơ Xuân Lộc thật long trọng và xúc động trong tâm tình tri ân hồng ân Thiên Chúa đã ban cho giáo họ, giáo xứ và CLB.
Chuẩn bị vào giờ khai mạc MC Trần Đức Hiển của Gx. Bình Lâm đã khởi động bằng những bài hát sinh động, cử điệu duyên dáng “Không ai thắp đèn rồi đặt dưới gầm giường…”, thật vui vẻ.
Ngày họp mặt chính thức đã bắt đầu lúc 8g00 với kinh Chúa Thánh Thần, giới thiệu thành phần tham dự, tuyên bố lý do, Cha Linh hướng ban huấn từ và chính ngài tuyên bố khai mạc ngày họp mặt.
Sau vài phút sinh hoạt giao lưu vui nhộn, cuộc họp mặt đón nhận bài thuyết trình của Cha Linh hướng,Linh mục Jos. Tạ Duy Tuyền, với đề tài: CÁCH THỨC LOAN BÁO TIN MỪNG CHO NGƯỜI VIỆT NAM HÔM NAY


Đã có một thời người ta coi việc truyền giáo như là việc thay cũ đổi mới, một cuộc cách mạng để gạt bỏ một lối sống cũ để thay vào đó một lối sống mới phù hợp với Tin Mừng. Thế nên, việc rao giảng Tin Mừng đã không đem lại kết quả là bao, có khi trở thành phản chứng trong môi trường truyền giáo. Đó cũng là bi kịch đã diễn ra tại Việt Nam vào thời gian đầu của việc truyền giáoTrong quá khứ, Giáo hội Việt Nam đã trở thành một tà đạo đối với dân tộc. “Điểm then chốt ở đây là: Giáo Hội chưa thích nghi để hội nhập văn hoá, để diễn tả niềm tin theo ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam. Giáo Hội đã có thời kỳ gạt bỏ tất cả những lề thói, tập tục của văn hoá Việt Nam như thờ kính tổ tiên, tôn thờ thần hoàng, hay các anh hùng dân tộc...”. 
Các tham dự viên phấn khởi cảm ơn Cha đã trình bày một đề tài vừa rất lịch sử vừa rất thời sự. Sau vài phút giải lao. Buổi họp trở lại với việc bầu Ban Quản trị CLB và chính thức ghi danh các thành viên của CLB.
Các tham dự viên thuộc GP. Xuân Lộc với quyền đề cử và bầu cử, đã hoàn thành nhiệm vụ trong tinh thần yêu thương, vui vẻ với kết quả Ban Quản trị như sau:
- Chủ nhiệm: anh Cao Danh Viện
- Phó Chủ nhiệm: anh Đỗ Văn Tích
- Thư ký kiêm Thủ quỹ: chị Thanh Hương
Sau khi Ban Quản trị ra mắt và chụp hình chung với Cha Linh hướng và Chủ nhiệm Chuyên trang ĐXT Dũng Lạc, họ chính thức ghi danh các thành viên tự nguyện vào CLB gồm 17 thành viên có mặt và 5 thành viên vì các lý do riêng không tham dự được.
Tiếp theo anh PM. Cao Huy Hoàng, Chủ nhiệm Chuyên trang ĐXT Dũng Lạc thuyết trình đề tài: KẾ THỪA VĂN HỌC CÔNG GIÁO TRONG THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG
Trước khi thuyết trình, anh cảm ơn Cha Linh hướng đã chấp thuận và hỗ trợ cho tổ chức cuộc họp mặt. Anh cảm ơn cách đặc biệt đến Cha Giám đốc Mạng lưới Dũng Lạc đã chuyển lời thăm hỏi, và chúc mừng cuộc họp mặt. Anh cũng cảm ơn, và chuyển lời chúc mừng, và quà của Anh Phạm Quang Trình, và của chị Ngô Tuý Phượng, Hội Văn bút Hải Ngoại. Cùng tỏ lòng quý mến với tất cả quí chủ nhiệm các CLB, quý khách, và quý tác giả.
Bài thuyết trình bắt đầu với câu anh đã nói trong buổi trao giải Nhánh Huệ Nước Trời: “Nhờ các nhà truyền giáo, người Việt Nam đã có thể dùng chữ Quốc Ngữ thay cho chữ Hán và chữ Nôm. Chắc chắn không ai chối cãi được rằng, mục đích ban đầu và chính yếu của chữ Quốc ngữ khi được thành lập là để chuyển tải Lời Chúa đến cho mọi người”.
Và kết thúc với phần “Sứ mệnh của chúng ta, trong cơn khủng hoảng”:
Là một người Công giáo với ơn gọi tiên tri được nhận lãnh qua Bí tích Rửa Tội, với ơn gọi đặc biệt khi được Chúa ban khả năng vốn học, vốn viết và vốn quý chuộng di sản của Cha Ông: chữ Quốc Ngữ và Đức tin Công giáo, thiết tưởng, đã đến lúc khôi phục mục đích ban đầu của chữ Quốc Ngữ cho xứng với hồng ân cao cả.
Chắc chắn chúng ta sẽ không có những tác phẩm “dựa vào “cảm hứng” để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng”.
Bởi lẽ, chúng ta có một nguồn cảm hứng mà chúng ta tin là không chỉ bất tận, không chỉ vĩnh cửu, mà còn là luôn luôn mới ở mọi thời, mọi nơi, luôn luôn mang lại bình an và hạnh phúc cho cả người viết lẫn người đọc. Nguồn cảm hứng ấy chính là Thiên Chúa, là tình yêu Thiên Chúa, là chân lý của Thiên Chúa là Lời Chúa, là Kinh Thánh, là Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền…”. 
Mấy phút giải lao, qý cha, quý khách và tất cả các tham dự viên đều được Ban Quản trị ĐXT Xuân Lộc trao tặng 3 số chuyên san Đồng Xanh Thơ Xuân Lộc đã phát hành, và đặc biệt nhận thêm tập thơ “Tin Yêu” của chính tay nhà thơ Nghinh Nguyên trao tặng.
Anh Piô X Lê Hồng Bảo chia sẻ thêm phần “VAI TRÒ NGƯỜI KẾ THỪA”.
“Đặc điểm của kế thừa: Liên tục - Trọn vẹn - Phát huy.
Tuy nhiên, do thời cuộc, chúng ta đã không có được những điều kiện đó. Không thể phủ nhận tình trạng gián đoạn của Văn học Công giáo Việt Nam trong thời gian qua. Mấy ai được đọc các tác phẩm của Lê Đình Bảng, Phạm Đình Khiêm, Võ Long Tê, Trăng Thập Tự…? Mấy ai hiểu được các điển tích, điển cố trong thơ Hàn Mặc Tử? Mấy ai cảm nhận được ý nghĩa Tin Mừng trong Thơ - Văn Công giáo trước đây và hiện nay?
Rất may, với Văn học Công giáo, chúng ta có Thánh Linh soi sáng và dẫn đường. Có thể nói, nhược điểm trên có thể tác động lớn đối với nhiều nền văn học khác, nhưng với Văn học Công giáo thì hoàn toàn có thể khắc phục nhờ vào Thánh Thần Chúa, nhờ vào ơn mạc khải. Theo nhận định chung, thì cứ 3.000 người đọc mới có 1 người viết. Với Văn học Công giáo Việt Nam hiện nay, tỷ lệ đó thấp hơn nhiều. Có lẽ chỉ khoảng 1/1000 hoặc thậm chí còn ít hơn. Tuy nhiên, điều đó không thể hiện ưu điểm mà chỉ nói lên sự suy thoái của Văn hoá Đọc”.
Xem nguyên văn bài ghi nhận
Kết thúc buổi thảo luận, các thành viên có 15 phút Chầu Thánh Thể để cảm tạ Chúa đã ban cho buổi họp mặt được mọi điều tốt đẹp.
Một bữa cơm trưa tại Gx. Bình Lâm, do Cha Linh hướng thiết đãi, ngon và vui thân mật trong tình cha con và huynh đệ với những câu chuyện tâm tình của Cha Linh hướng và của nhiều anh em lớn nhỏ sẻ chia công việc cầm bút. Thật cảm động, thật ấn tượng, những mẫu gương làm công tác văn học Công giáo như một chứng nhân đức tin giữa dòng xuôi, dòng ngược.
Bài hát “Khúc Cảm Tạ” của Nhạc sĩ Mai Nguyên Vũ là những tâm tình được cất lên trước lúc chia tay, lắng đọng trong tâm hồn của mỗi thành viên như lời nhắc nhở mỗi người trong vai trò của những chứng nhân loan báo Tin Mừng qua Thơ Văn, dù vui hay buồn, thất bại hay thành công tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa:
Xin dâng lên Chúa tiếng yêu ngọt ngào
Nguyện ghi nhớ thánh ân Ngài trao
Nguyện theo chân Chúa đi qua, đồi Tabor hay thập giá.
Ôi tình yêu Chúa mênh mang tràn đầy
Tình yêu Chúa bao la trùng khơi
Thuyền hồn con mãi êm trôi, hưởng tình yêu ôi tuyệt vời.
Nguyễn Lặng Thầm ghi nhận
Vincente Nguyễn Viết Thương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét