Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

TỤC LỆ NGÀY TẾT VỚI NHÀ ĐẠO

 
Tết đối với người Việt Nam chúng ta là một ngày trọng đại. Từ ngàn xưa đã có những nét đẹp văn hoá ngày Tết mà cho đến nay vẫn tồn tại và cần được phát huy. Người Công giáo Việt Nam cũng tiếp nhận những phong tục tốt đẹp này theo tinh thần Thư Chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam là “Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn ta đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”.

Sau đây là ghi nhận một số những tục lệ tốt đẹp ngày Tết mà nhiều nơi đang áp dụng.

Tảo mộ
Người Việt Nam có tục lệ đi tảo mộ ngày cuối năm, cứ từ khoảng 23 tháng Chạp trở đi, người ta đến các nghĩa trang để sửa sang lại phần mộ ông bà tổ tiên, cha mẹ đã quá cố. Tục lệ này nói lên lòng tri ân, tưởng nhớ người đã khuất nhân dịp đón xuân mới. Người Công giáo cũng tiếp nhận điều tốt đẹp này, nên dịp cuối năm, các nghĩa trang giáo xứ luôn luôn có đông đảo giáo dân đến viếng, quét vôi, dọn cỏ, trồng hoa, thắp hương và hơn hết là dâng lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.

Lễ tất niên tạ ơn
Tại nhiều xứ, ngoài lễ tạ ơn chung của giáo xứ, các khu họ đều xin lễ tất niên vào tuần lễ giáp Tết. Tuỳ theo số khu họ trong một giáo xứ mà cha xứ sắp xếp để mỗi khu họ có được một thánh lễ riêng. Toàn thể giáo dân trong khu họ được mời tham dự với hương hoa, của lễ và những ý nguyện riêng mà tựu trung là tạ ơn, cầu nguyện cho những người mới qua đời trong năm, cầu xin cho một năm mới bình an. Sau thánh lễ, tuỳ theo điều kiện, bà con quây quần liên hoan để có dịp chia sẻ tâm tư, tình cảm vui buồn. Tạo tình đoàn kết yêu thương nhau trong tinh thần “Góp gạo nấu cơm chung” nhẹ nhàng nhưng đậm đà tình nghĩa.

Đón ông bà

Chiều 30 Tết, theo phong tục Việt Nam, mỗi gia đình thường dọn một mâm cỗ, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên theo ý nghĩa đón ông bà về ăn Tết với con cháu. Tục lệ này cũng được đón nhận nơi đồng bào Công giáo. Nhiều giáo xứ, ngay từ sáng 30 đã mở cửa nhà hài cốt, nhà tưởng niệm... để giáo dân đến kính viếng, mời ông bà tổ tiên cùng chứng kiến những ngày Tết xum họp của con cháu. Ai ai cũng xin ông bà cầu bầu cùng Thiên Chúa chúc lành cho con cháu trong năm mới và còn hiệp ý xin lễ cầu nguyện cho các ngài (qua các thùng xin lễ).

Đón giao thừa

Đón giao thừa là một nét đẹp không thể thiếu của các gia đình Việt Nam dù ở thôn quê hay thành thị. Trước giờ giao thừa, mọi người dù ở đâu, làm gì cũng cố gắng trở về quây quần bên nhau để chờ đón giây phút linh thiêng. Với người Công giáo Việt Nam, từ sau Công đồng Vatican II, Giáo hội Việt Nam đã đề nghị các giáo xứ tổ chức thánh lễ tạ ơn cuối năm trước giờ giao thừa. Trong thánh lễ này cũng có dành thời gian để mục tử và đoàn chiên nhìn lại sinh hoạt mục vụ năm cũ, đề ra những chương trình cho năm mới. Phần cuối lễ thường là dành để cộng đoàn, cha xứ cùng chúc mừng năm mới với những tràng vỗ tay hoan hỉ. Thánh lễ thường kết thúc khoảng 23 giờ để mọi người trở về gia đình đón giao thừa.

Hái lộc

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, theo tinh thần hội nhập văn hoá, hầu như tại các xứ đạo đều có tổ chức “hái lộc đầu xuân”. “Lộc” ở đây là các phong bao lì xì, trong có kèm một câu trích trong sách Tin Mừng, được treo trên các chậu cảnh hay những cành đào, cành mai đặt trên cung thánh. Sau lễ giao thừa, mọi người lần lượt lên “hái lộc Lời Chúa”. Mỗi câu Lời Chúa nhận được như là ý Chúa gửi đến mỗi người, mỗi gia đình. Hiện nay, với công nghệ in ấn hiện đại, mỗi gia đình thường được cha xứ và hội đồng giáo xứ gửi biếu một tờ lộc in lớn, còn hái lộc tại nhà thờ là lời Chúa gửi đến từng cá nhân người đón nhận.

Giờ kinh giao thừa

Sau thánh lễ tại nhà thờ, gần tới giờ giao thừa, cha mẹ con cái họp nhau đầy đủ trước bàn thờ nơi gian nhà chính; quần áo chỉnh tề, trang nghiêm, tâm hồn thanh thản, vui tươi sẵn sàng chào đón năm mới. Đúng giờ giao thừa, mỗi người cầm một thẻ nhang đã đốt sẵn, cùng nhau cử hành nghi lễ. Chương trình cơ bản là: lời nguyện mở đầu của cha hay mẹ; tuyên xưng đức tin; suy tôn Lời Chúa; các thành viên dâng lời nguyện tự phát; tôn kính tổ tiên qua nghi thức dâng hương bái tạ. Hát một bài tạ ơn.

Sau đó, con cái lần lượt đến chúc thọ ông bà, chúc tuổi cha mẹ. Các bậc bề trên nhắn nhủ, chúc lành cho các con cháu. Kết thúc là phần liên hoan đón mừng năm mới của gia đình.

Trên đây là một số ghi nhận của người viết qua các gia đình Công giáo ở nhiều nơi, thành phố, nông thôn đã thực hiện. Rất mong những phong tục tốt đẹp đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam được duy trì và phát huy vì “những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người” (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, 17,1)
Minh Đỗ 



NHỮNG NĂM THÌN TRONG LỊCH SỬ GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM THÌN 2012
Những năm Thìn trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam
WHĐ (19.01.2012) – Nhân dịp Xuân về, trước thềm Năm mới Nhâm Thìn 2012, WHĐ điểm lại một số sự kiện của lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam diễn ra trong các năm Thìn, từ những ngày đầu tiên - khi hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên quê hương Việt Nam...
Thế kỷ XVII
1652 – Nhâm Thìn:
– Tác phẩm Lịch sử Vương quốc Đàng ngoài  (bản tiếng La Tinh) của Alexandre de Rhodes được ấn hành tại Rôma.
– Tác phẩm Tường trình về Đàng Trong của Alexandre de Rhodes được ấn hành tại Paris. Trong tác phẩm này, Alexandre de Rhodes tường thuật hoạt động truyền giáo của ngài ở Đàng Trong vào năm 1644-1645, trong đó nhắc đến việc bắt đạo năm 1644 và cuộc tử đạo của Thầy giảng Anrê Phú Yên ngày 26-07-1644.
1664 – Giáp Thìn:
Ðức Giáo hoàng Alexandrô VII chính thức công nhận Hội Thừa sai Paris. Hội ra đời năm 1660 và có công lao rất lớn trong việc truyền giáo tại Việt Nam.
1676 – Bính Thìn:
Hai linh mục Juan de Santa Cruz và Juan Arjona, dòng Đa Minh, đến truyền giáo tại Phố Hiến (Hưng Yên).
Thế kỷ XVIII
1700 – Canh Thìn:
Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ra sắc chỉ cấm đạo.
1712 – Nhâm Thìn:
Chúa Trịnh Cương (1709-1729) ra sắc chỉ cấm đạo thứ 2 (trong 4 sắc chỉ vào các năm 1709, 1712, 1721, 1722).
1736 – Bính Thìn:
Chúa Trịnh Giang (1729-1740) ra sắc chỉ cấm đạo.
1760 – Canh Thìn:
Thánh Martinô Tạ Ðức Thịnh, linh mục tử đạo, chào đời  tại Kẻ Sặt, Hải Dương,
1772 – Nhâm Thìn:
Thánh Ðaminh Nguyễn Văn Hạnh (Diệu), linh mục tử đạo -  chào đời  tại Năng A, Nghệ An.
1796 – Bính Thìn:
 Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng - trùm họ, giáo dân tử đạo - chào đời  tại Ðầu Nước, Cù Lao Giêng,
 Thánh Giuse Phạm Trọng Tả - cai tổng, giáo dân tử đạo - chào đời tại Quần Cống, Nam Ðịnh,
 Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự - linh mục dòng Ða Minh, tử đạo - chào đời tại Ninh Cường, Bùi Chu.
Thế kỷ XIX
Năm 1808 – Mậu Thìn:
– Thánh Anrê Trần Văn Trông - binh sĩ, giáo dân tử đạo -  chào đời tại Kim Long, Huế,
 Thánh Phêrô Cao (Pierre Rose Dumoulin Borie) - Giám mục Hội Thừa Sai Paris, địa phận Tây Ðàng Ngoài, tử đạo - chào đời tại Beynat, Tulle, Pháp.
 Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng (Ðắc) - trùm họ, giáo dân tử đạo - chào đời tại Kẻ Lái, Quảng Bình.
 Thánh Micae Hồ Ðình Hy – quan thái bộc, giáo dân tử đạo - chào đời tại Như Lâm, Thừa Thiên.
 Thánh Phêrô Nguyễn Văn Ðường - thầy giảng tử đạo - chào đời tại Kẻ Sở, Hà Nam.
1820 – Canh Thìn:
Thánh Tôma Trần Văn Thiện - chủng sinh, tử đạo - chào đời tại Trung Quán, Quảng Bình.
1832 – Nhâm Thìn:
Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang - thầy giảng Dòng ba Ða Minh, tử đạo - chào đời tại Trà Vi, Nam Ðịnh.
1844 – Giáp Thìn:
Đức Thánh Cha Grêgôriô XVI chia giáo phận Đàng Trong thành 2 giáo phận mới:
– Giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) gồm Lục tỉnh Nam Kỳ và Cao Miên do Đức cha Dominique Lefèbvre Ngãi làm Đại diện Tông tòa.
– Giáo phận Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) với Đại diện Tông tòa là Đức cha E.T. Cuénot Thể.
1856 – Bính Thìn:
Ngày 13-02 (nhằm mồng 8 Tết Bính Thìn), Thánh Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng chịu xử trảm tại Ninh Bình, dưới thời Tự Đức.
Thế kỷ XX
1928 – Mậu Thìn:
Đức cha Allys Lý, GP Huế, nâng La Vang lên hàng giáo xứ.
1940 – Canh Thìn:
ĐGH Piô XII bổ nhiệm tân Giám mục Gioan Maria Phan Ðình Phùng làm Giám mục phó giáo phận Phát Diệm.
1964 – Giáp Thìn:
– Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng Xitô Thánh Gia tại Việt Nam được nâng lên hàng Tỉnh Dòng.
– Đức cha Giuse Lê Quý Thanh được tấn phong Giám mục ngày 13-02, nhằm mồng Một Tết Giáp Thìn. Ngài được ĐGH Gioan XXIII bổ nhiệm làm Giám mục phó Phát Diệm. Tông sắc bổ nhiệm được ban hành năm 1963. Ngài là cháu ba đời của nhà bác học Lê Quý Đôn.
– Các giám mục miền Nam tham dự Công đồng Vatican II từ 14-09 đến 21-11. Kết thúc khoá họp này, có ba văn kiện được công bố: 1) Hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium, 2) Sắc lệnh về Hiệp Nhất Unitatis Redintegratio, 3) Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Ðông Phương Orientalium Ecclesiarum. Đồng thời ĐGH Phaolô VI công bố Đức Trinh nữ Maria là Mẹ Giáo Hội.
1976 – Bính Thìn:
– Tháng 5, Ðức TGM Giuse Maria Trịnh Như Khuê, Tổng Giáo phận Hà Nội, được ÐGH Phaolô VI chọn làm Hồng Y. Ngài là Hồng Y tiên khởi của Việt Nam.
– Ðức cha Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm, Giám mục phụ tá giáo phận Sài Gòn, tạ thế ngày 2-10, sau 10 năm làm giám mục phụ tá TGP Sài Gòn.
– Tháng 12, bản dịch Kinh Thánh của linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn được xuất bản tại Sài Gòn, với số lượng phát hành 10.000 quyển.
1988 – Mậu Thìn:
– Ngày 21-01, Ðức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (1909-1988), Giám mục GP Đà Nẵng, từ trần.
– Ngày 8-06, Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921-1988), TGP Huế, từ trần.
– Ngày 19-06, tại Rôma, ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong 117 chân phước Tử đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh.
– Ngày 14-11, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm tân GM Giuse Nguyễn Văn Yến làm giám mục phó GP Phát Diệm.
– Ngày 19-12, Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng (1921-1988), Giám mục GP Xuân Lộc, từ trần.  
Thế kỷ XXI
2000 – Canh Thìn:
– Giáo Hội tại VN cùng với Giáo Hội khắp nơi trên thế giới cử hành Năm Thánh Tôn vinh Chúa Ba Ngôi và sống Bí tích Thánh Thể.
– Đoàn giám mục Việt Nam dự Hội nghị lần VII của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu ở Samphran, Thái Lan (từ ngày 3 đến 13-01).
– Ngày 05-03, tại Rôma, ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong Thầy giảng Anrê Phú Yên, vị chứng nhân tiên khởi của Việt Nam (26-07-1644), lên bậc Chân phước.
– Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam họp tại Hà Nội, từ ngày 01 đến 02-05.
– Ngày 27-05, Đức TGM Jean Louis Tauran, Ngoại trưởng Toà Thánh, làm việc với ông Nguyễn Dy Niên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại Roma, về những vấn đề có liên quan giữa Toà Thánh và Việt Nam.
– Tháng 8, đoàn Giới trẻ Công giáo Việt Nam tham dự Đại hội Quốc tế giới trẻ ở Roma.
– Từ ngày 02 đến 07-10, Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Đại hội Thường niên tại Hà Nội. Các giám mục đã gửi thư mục vụ mời gọi toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam tích cực sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng. HĐGMVN quyết định tổ chức lạc quyên trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm để lập quỹ dự phòng cứu trợ thiên tai và dự định mở rộng hoạt động với một số Uỷ ban giám mục mới như: Giáo lý, Bác ái Xã hội, Văn hoá và Phúc Âm hoá.
– Từ ngày 23 đến 27-10, tọa đàm về “Một số vấn đề về Văn hoá Công giáo Việt Nam từ khởi thuỷ đến đầu thế kỷ XX” do Uỷ ban Giám mục về Giáo dân tổ chức tại toà Tổng giám mục Huế.


Vincente Nguyễn Viết Thương

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

TẾT ĐẾN NÓI CHUYỆN VỀ TẾT NGUYÊN ĐÁN



TẾT ĐẾN
NÓI CHUYỆN VỀ TẾT NGUYÊN ĐÁN
Bước sang năm mới Dương lịch thì tâm hồn của những người con dân Đất Việt dù ở bắt cứ nơi đâu cũng bắt đầu nôn nao, nô nức, rộn ràng đón mừng dịp lễ hội lớn nhất trong năm: Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết CảTết TaTết Âm lịchTết Cổ Truyền, hay chỉ đơn giản là Tết).
1.  Từ ngữ
“Tết” là chữ Nôm, được mượn từ chữ “Tiết” (節)  của Hán Việt mà đọc trại thành “Tết”. Còn “Nguyên Đán” (元旦) là hai chữ Hán Việt. “Nguyên” (元) có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai; còn “Đán” (旦) có nghĩa là buổi sáng sớm. Nếu đọc đúng theo ngữ pháp Hán Việt thì phải đọc là “Nguyên Đán Tiết” (元旦節). Tết Nguyên Đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là “Xuân tiết” (春節), “Tân niên” (新年) hoặc “Nông lịch Tân niên” (農曆新年).

2. Nguồn gốc

Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng Chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng Mười Một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ “tạo thiên lập địa” như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.

Đến đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thuỷ Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng Mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng Giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa. Vì chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc (nằm trong thế giới Hán hoá) nên Việt Nam cũng có Tết Nguyên Đán vào tháng Giêng. Hiện nay dân chúng chỉ ăn tết vài ngày đầu tháng Giêng (ba ngày Tết, bảy ngày Xuân).

3. Tên gọi

Khi chưa có sự du nhập của văn hoá Tây phương thì Việt Nam theo cách tính lịch của Trung Quốc, ta hay gọi là Âm lịch (tính theo chu kỳ mặt trăng). Tên gọi của năm Âm lịch không gọi theo số như Dương lịch (tính theo chu kỳ mặt trời) mà dùng tên ghép gồm hai chữ. Chữ đầu là một trong 10 thiên can (Giáp, Ất, Bính, Ðinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Chữ thứ nhì là một trong 12 địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão hay Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Mười hai địa chi là tên 12 con vật. Vì bội số chung của 10 (thiên can) và 12 (địa chi) là 60, nên cứ 60 năm thì hết một chu trình kết hợp giữa các thiên can và địa chi. Cho nên, cứ 60 năm thì tên gọi các năm lặp lại như cũ.
Theo chu trình thì năm nay là sự kết hợp thứ 29 giữa thiên can Nhâm ( : thuỷ dương) và địa chi Thìn ( : con rồng). Bởi thế, Âm lịch năm nay được gọi là năm Nhâm Thìn (壬辰).
4. Đón tết

Vì có một lịch sử lâu đời, và do sự ảnh hưởng của nhiều luồng văn hoá khác nhau, nên hình thức đón tết của người Việt thật đa dạng và phong phú. Tuỳ theo hoàn cảnh và nhận thức có khác nhau nên mỗi địa phương hay mỗi nhóm người có những nét chung và những nét đặc trưng riêng biệt để đón tết.
Ví dụMọi nhà đều sửa sang, quét dọn, trang trí bàn thờ, sắm sửa đồ dùng, ăn mặc quần áo mới… Tuy nhiên, ngoài Bắc thì chưng hoa đào, còn trong Nam thì chưng hoa mai; người Công giáo không đưa ông Táo về Trời hay xin xăm đầu năm, nhưng có Lễ Giao Thừa, Lễ Mồng Một - cầu bình an cho năm mới, Lễ Mồng Hai - kính nhớ Tổ tiên và Ông bà Cha mẹ, Lễ Mồng Ba - thánh hoá công ăn việc làm, có bốc lộc Lời Chúa đầu năm…
Ngoài những thích nghi với văn hoá dân tộc của Phụng vụ nói chung, hiện nay một số nhà thờ vào dịp tết cũng có treo câu đối, hoành phi, hay chỉ trang trí theo hình thức câu đối, hoành phi ở gian cung thánh. Câu đối được xem là tinh hoa của văn hoá chữ Hán, người Trung Quốc quan niệm: "Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa”. Bởi thế, câu đối thể hiện được sự tinh tế cao sâu về nội dung và sự cao sang, trang trọng về hình thức cũng như diễn tả cốt cách, phong thái và tâm hồn của người viết. Nếu sử dụng một câu đối cao sâu về tư tưởng và bài trí thích hợp thì tạo ấn tượng khó quên và dễ đi vào lòng người. Do đó, việc thích nghi dùng câu đối trong trang trí phụng vụ, nơi trang nghiêm và thánh thiêng vào dịp Tết dân tộc âu cũng là việc nên làm.

Vì nhiều lý do mà nét văn hoá viết và bài trí câu đối dường như đã mai một theo thời gian. Hiện nay, để viết, cảm nhận và trang trí câu đối cho đúng gặp rất nhiều khó khăn. Xin được trình bày đôi nét về câu đối.
5. Câu đối


Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị lý tưởng, ý chí, quan điểm, tình cảm của người viết trong một bối cảnh, biến cố, môi trường sống. Nên lưu ý là từ đối () ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi. Câu đối là một trong những thể loại của Văn học Trung Quốc và Việt Nam.
Câu đối có nguồn gốc từ người Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi câu đối là “đối liên” (對聯). “Liên” () có khi đọc là liễn, có nghĩa là câu đối. Tên gọi xưa của câu đối là “đào phù” (桃符).
Cách viết: Khi viết câu đối, nếu chọn được câu chữ tuân theo nguyên tắc sau thì đôi câu đối được gọi là chỉnh đối hay đối cân.
- Đối ý: hai ý đối phải cân nhau mà đặt thành 1 cặp sóng đôi.
- Đối chữ: phải xét 2 phương diện thanh âm và từ loại:
+ Về thanh âm: thanh bằng đối với thanh trắc và ngược lại.
+ Về từ loại: thực tự (tự là chữphải đối với thực tự; hư tự phải đối với hư tự; danh từ phải đối vớidanh từđộng từ phải đối với động từ Nếu vế đối này có dùng chữ Hán Việt thì vế kia cũng phải dùng chữ Hán Việt...
- Đối vế: Một câu đối gồm hai vế sóng đôi. Nếu câu đối do một người sáng tác gọi là vế trên và vế dưới. Nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia đối lại thì gọi là vế đề và vế đối.
Số chữ trong câu đối không nhất định là bao nhiêu chữ. Theo số chữ và cách đặt câu có thể chia câu đối ra làm các thể sau: câu tiểu đối (là những câu 4 chữ trở xuống), câu đối thơ (là những câu làm theo lối đặt câu của thể thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn), câu đối phú (là những câu làm theo các lối đặt câu của thể phú, gồm có: song quan, cách cú, gối hạc hay hạc tất).

Cách treo: Khi một câu đối do một người làm ra cả hai vế, thì chữ cuối cùng của vế trên (khi treo là câu bên trái của người đọc) là thanh trắc; còn chữ cuối cùng của vế dưới (khi treo là câu bên phải của người đọc) là thanh bằng.

Ví dụ: Tân Xuân Thánh Thiện (vế trên, treo bên trái của người đọc – thanh trắc)
            Năm Mới Phát Tài (vế dưới, treo bên phải của người đọc – thanh bằng)
Lưu ý: Nếu là câu đối hoàn toàn chữ Hán thì vế trên (vế đề - chữ cuối thanh trắc) phải treo bên phảicủa người đọc (vì người Trung Quốc ngày xưa viết từ phải qua).
Xin được trích dẫn một số câu đối được sử dụng vào dịp Tết trong tuyển tập “Câu Đối” của Trần Quang Chu:

    1.  Tết Bình An Vạn Sự Như Ý
Xuân Thánh Thiện Ơn Chúa Thoả Lòng
    2.  Năm Cũ Bước Qua Bao La Ân Sủng Chúa
Năm Mới Bước Lại Rộng Rãi Nghĩa Tình Người
    3.  Xuân Thánh Thiện Chúa Thương Gia Đình Thuận Thảo
Tết Đạo Đức Mẹ Giúp Giáo Xứ Thịnh Cường   
    4.  Xuân Lại Đến Nhớ Mùa Xuân Trên Thiên Quốc
Tết Lại Về Mơ Tết Nhứt Trên Nước Chúa Hiển Vinh
    5.  Vui Tết Đến Ơn Chúa Phát Tài Phát Lộc
Mừng Xuân Sang Lộc Thánh Gặp Phước Gặp Lành
    6.  Mừng Xuân Vạn Sự Như Ý Chúa
Vui Tết Mọi Bề Đẹp Ý Cha
    7.  Xuân Về Thêm Tuổi Thêm Nhân Đức
Tết Đến Thêm Phúc Thêm Khôn Ngoan
    8.  Một Năm Qua Chúa Thứ Tha Bao Lỗi Lầm Thiếu Sót
Một Năm Mới Con Cám Đội Bao Hồng Ân
Cuối cùng, xin kính gửi đến mọi người lời kính chúc qua câu đối:
Tân Niên Đến Chúa Ban Bình An Cho Nhân Loại 
Nhâm Thìn Về Mẹ Giữ Hạnh Phúc Với Đàn Con
 
Thomas Nguyễn Văn Hiệp


Hotline : 072 90 4000

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Radio Mẹ Hằng Cứu Giúp