Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

TƯỜNG THUẬT THÁNH LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II



VATICAN - Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 1-5-2011 kính Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha Bênêđictô VI đã chủ sự Lễ Phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II trước thềm Đền thờ Thánh Phêrô.
Trái với lời tiên đoán thời tiết mưa, trời Rôma sáng Chúa Nhật đã có nắng ấm mùa xuân chan hoà rất đẹp. Tham dự Thánh lễ Phong Chân phước đã có 87 phái đoàn chính thức từ các nước về Roma dự lễ, trong đó có có 16 vị quốc trưởng, 5 hoàng gia Âu Châu là Bỉ, Tây Ban Nha, Anh, Luxemburg và Liechtenstein. Phải đoàn Italia do Tổng thống Giorgio Napolitano và Thủ tướng Silvio Berlusconi cầm đầu. Thủ tướng Francois Fillon đại diện cho nước Pháp, Vua Albert II và Hoàng hậu Paola đại diện cho nước Bỉ. Quận công Henri đại diện cho nước Luxembourg. Số tín hữu từ khắp nơi trên thế giới về dự Lễ Phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II vào khoảng 1 triệu người.
Đông đảo nhất là tín hữu Italia khoảng 300.000-400.000 người, đa số là các thế hệ đã sinh ra và lớn lên dưới triều đại của Đức Gioan Phaolô II. Ba Lan có 80.000 tín hữu do Hội đồng Giám mục hướng dẫn. Pháp có 40.000 tín hữu với 30 Giám mục. Trong số các tín Pháp có Nữ tu Marie Simon Pierre, người đã được phép lạ khỏi bệnh Parkinson nhờ lời bầu cử của Đức Gioan Phaolô II. Các nước khác, mỗi nước cũng từ 5.000-10.000 người trở lên. Từ Việt Nam cũng có một phái đoàn do Linh mục Trương Kim Hương hướng dẫn gồm khoảng 20 người, trong đó có 13 linh mục. Từ Anh quốc có phái đoàn 50 người do Cha Phaolô Huỳnh Chánh hướng dẫn.
Đã có hơn 2.300 ký giả từ 100 nước đăng ký để theo dõi và tường thuật, trong đó có 1.300 phóng viên các đài truyền hình. Lúc 2 giờ sáng, các nhân viên an ninh đã mở các rào chắn cho tín hữu vào thay vì lúc 5 giờ như dự định.
Quảng trường Thánh Phêrô, đại lộ Hoà Giải, lâu đài Thiên Thần, các con đường phụ cận Vatican đầy đặc tín hữu và du khách hành hương, khoảng trên 400.000 người. Những người không thể vào gần hơn đã tìm đến Quảng trường Thánh Gioan Laterano hay đến Circo Massimo, nơi chiều thứ Bảy đã có buổi canh thức do Đức Hồng y Agostino Vallini, Giám quản Roma chủ sự từ 8.00 cho tới 11.30 tối, với sự tham dự của hơn 100.000 tín hữu. Ở đâu không có màn hình, tín hữu đã theo dõi Thánh lễ qua radio và các loại điện thoại cầm tay đời mới như Ipad, Iphone. 

Quảng trường Thánh Phêrô được trang hoàng đơn sơ, nhưng rất đẹp. Bên trái có bức hình khổng lồ của Đức Gioan Phaolô II cầm gậy mục tử với lời người kêu gọi trong bài giảng Thánh lễ khai mào chức vụ Chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ ngày 22-10-1978: “Hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô”. Phía đối diện bên phải là nhiều bức hình ghi lại các biến cố chính trong triều đại của người, trong đó có buổi liên tôn cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi. Ở hai đầu hành lang bao bọc Quảng trường có hình bức khảm đá màu Mater Eccleasiae Mẹ Giáo Hội, mà Đức Giona Phaolô II đã cho đặt trên Dinh Tông toà trong Năm Thánh Mẫu.
Thềm Đền thờ được trang hoàng như một vườn hoa nhỏ rất dễ thương. Phía bên trái thềm Đền thờ Thánh Phêrô được dành cho mấy trăm hồng y, giám mục và các giám chức, và phía bên phải dành cho các phái đoàn chính thức. Ở bên trái phía chân thềm Đền thờ dành cho hơn 5.000 linh mục, các bệnh nhân, và người khuyết tật, còn phía bên phải được dành cho ngoại giao đoàn, chính quyền dân sự và khách mời danh dự.
Ngoài các hồng y, được đồng tế với Đức Thánh Cha còn có Đức cha Miệc-Tếk (Mieczyslaw Mokrzycki), Tổng Giám mục Giáo phận Lvov của Công giáo Latinh ở Ucraine, là người kế nhiệm Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ trong nhiệm vụ thư ký thứ hai của Đức cố Giáo Hoàng từ năm 1995 đến 2005.
Ban giúp lễ gồm các đại chủng sinh Giáo phận Rôma và các phó tế sẽ được thụ phong linh mục trong năm nay thuộc Giáo phận Rôma. Chén lễ dùng trong Thánh lễ cũng là chén mà Đức cố Giáo Hoàng đã dùng trong những năm cuối của triều đại Giáo hoàng. Cũng vậy, đối với áo lễ và mũ Giám mục mà Đức Thánh Cha đương kim dùng trong Thánh lễ Phong Chân phước. 

Xe díp chở Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đi một vòng để ngài chào các tín hữu giữa các tràng pháo tay và cờ vẫy trong khi ca đoàn Sistina hát thánh ca nhập lễ.

Sau phần mở đầu lễ và kinh Thương Xót, Đức Hồng y Agostino Vallini, Giám quản Roma và Đức ông Oder, thỉnh nguyện viên phong thánh tiến tới trước mặt Đức Thánh Cha và xin Đức Thánh Cha phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II.
Đức Hồng y Vallini nói: Lạy Đức Thánh Cha, vị Tổng Giám quản của Đức Thánh Cha cho Giáo phận Rôma khiêm tốn xin Đức Thánh Cha ghi vào sổ bộ các Chân phước, vị tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa Gioan Phaolô II. Tín hữu đã vỗ tay khi nghe tên Đức Gioan Phaolô II. Sau đó, Đức Hồng Y đã đọc tóm tắt tiểu sử của Đức Gioan Phaolô II.
Đức Karol Wojtila sinh tại Wadovice tại Ba Lan ngày 18-5-1920, là con trai thứ hai của ông Karol WJtila và bà Emilia KacẠđorowska. Năm 1929, bà Emilia qua đời khi Karol mới lên 9 tuổi. Anh cả của Karol là Edmund, là bác sĩ, cũng qua đời năm 1932. Chị gái là Olga qua đời năm 1914 trước khi Karol chào đời. Thân phụ là hạ sĩ quan cũng qua đời năm 1941. Năm 1938, sau khi hết chương trình trung học tại Wadovice, Karol ghi danh học Đại học Jagellónica tại Cracovia. Nhưng năm sau đó, Đức quốc xã xâm lăng Ba Lan, Karol phải làm việc trong một hầm đá, và sau đó trong nhà máy hoá học Solvay để sinh sống.
Từ năm 1942, khi cảm thấy tiếng Chúa gọi làm linh mục, Karol theo học các khoá đào tạo của đại chủng viện lén lút do Đức Hồng y Adam Stefan Sapieha tổ chức. Sau thế chiến thứ II, thầy Karol Wojtila được thụ phong linh mục ngày 1-11-1946, tiếp đến được gửi sang Rôma du học, và dọn luận án tiến sĩ thần học về đề tài đức tin trong các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá tại Đại học Giáo hoàng Angelicum. Trong các kỳ hè, Cha Karol đi làm việc mục vụ cho tín hữu Ba Lan tại các nước Pháp, Bỉ và Hà Lan.
Sau khi về nước năm 1948, Cha Karol làm cha phó hai giáo xứ, rồi làm tuyên uý sinh viên cho tới năm 1951. Sau đó, Cha làm Giáo sư Đạo đức học tại Đại Chủng viện Cracovia và tại Phân khoa Thần học Lublin. Năm 1958, Đức Giáo hoàng Piô XII chỉ định Cha làm Giám mục Phụ tá Cracovia. Năm 1964, ngài được chỉ định làm Tổng Giám mục Cracovia, và năm 1967, ngài được Đức Giáo hoàng Phaolô VI vinh thăng Hồng y. Đức cha Wojtila đã tham dự Công đồng Chung Vatican II và góp phần hữu hiệu trong việc soạn thảo Hiến chế Vui mừng và Hy vọng. Đức Hồng y Wojtila cũng đã tham dự 5 Thượng Hội đồng Giám mục.
Ngày 16-10-1978, Đức Hồng y Wojtila được bầu làm Giáo hoàng lấy tên là Gioan Phaolô II, và ngày 22-10, ngài đã chính thức khai mạc chức vụ Chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ với lời kêu gọi thời danh: “Hãy mở cửa cho Chúa Kitô. Còn hơn thế nữa hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô”.
Trong 27 năm làm Giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã thực hiện 104 chuyến tông du ngoài Italia và viếng thăm 127 quốc gia, cũng như 145 chuyến viếng thăm trong nước Italia và thăm 317 trên 332 giáo xứ của Giáo phận Roma.
Trong số các tài liệu quan trọng của ngài, có 14 Thông điệp, 15 Tông huấn, 11 Tông hiến, 45 Tông thư, và 5 cuốn sách. Trong triều đại của mình Đức Gioan Phaolô II cũng đã chủ sự 147 lễ tôn phong chân phước cho 1.338 vi tôi tớ Chúa, và 51 lễ phong hiển thánh cho 482 chân phước. Người cũng đã triệu tập 9 Công nghị Hồng y và vinh thăng 231 Hồng y cộng với 1 vị giấu tên. Người cũng đã chủ toạ 6 phiên họp khoáng đại các Hồng y.
Từ năm 1978, Đức Gioan Phaolô II cũng triệu tập 15 Thượng Hội đồng Giám mục: 6 Thượng Hội đồng bình thường, 1 ngoai thường và 8 đặc biệt.
Ngày 13-5-1981 người bị mưu sát tại Quảng trường Thánh Phêrô, nhưng đã được Đức Mẹ cứu sống, và người đã tha thứ cho kẻ mưu sát mình.
Sự lo lắng mục vụ cho Giáo Hội của người được diễn tả ra bằng cách thành lập nhiều giáo phận và giáo miền mới, ban hành Bộ Giáo Luật mới cho Giáo hội Công giáo Latinh và cho các Giáo hội Công giáo Đông phương, đề nghị với Dân Chúa các thời gian củng cố tinh thần sâu đậm bằng cách công bố Năm Thánh Cứu Độ, Năm Thánh Mẫu và Năm Thánh Thể, cũng như Đại Năm Thánh 2.000. Người tới gần các thế hệ trẻ bằng cách thành lập Ngày Quốc tế giới trẻ.
Đã không có vị Giáo hoàng nào gặp gỡ nhiều người như Đức Gioan Phaolô II. Đã có hơn 17.600.000 tín hữu hành hương tham dự 1.160 buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư hằng tuần, không kể các buổi tiếp kiến đặc biệt và các lễ nghi phụng vụ. Chỉ nội trong Đại Năm Thánh 2.000, đã có hơn 8 triệu tín hữu và du khách hành hương tham dự các lễ nghi tôn giáo do người cử hành. Ngoài ra, còn có các buổi tiếp kiến các nhân vật chính quyền, 38 cuộc viếng thăm chính thức, 738 buổi tiếp kiến hay gặp gỡ các quốc trưởng các nước, và 246 buổi tiếp kiến các thủ tướng.
Đức Gioan Phaolô II qua đời trong Dinh Tông toà tại Rôma lúc 21 giờ 37 phút tối thứ bảy ngày 2-4-2005, áp ngày lễ kính Lòng Thương Xót Chúa do chính người thành lập. Thánh lễ An táng trọng thể đã diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô và Lễ nghi An táng đã diễn ra tại hầm Đền thờ ngày 8-4-2005.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đọc công thức phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II như sau:
Chấp nhận ước mong của người anh em chúng tôi là Đức Hồng y Agostino Vallini, Giám quản Giáo phận Rôma, của nhiều anh em khác trong Hàng Giám mục, và nhiều tín hữu, sau khi đã có ý kiến của Bộ Phong thánh, với quyền Tông đồ của chúng tôi, chúng tôi chấp thuận rằng vị tôi tớ đáng kính của Thiên Chúa Gioan Phaolô II, Giáo hoàng, từ nay trở đi được gọi là Chân phước, và có thể cử hành lễ của người hằng năm vào ngày 22-10 tại các nơi và theo các điều lệ do Giáo luật thiết định. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Mọi người đã hân hoan vỗ tay rất lâu trong khi tấm màn che hình Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II ở bao lơn chính giữa Đền thờ Thánh Phêrô được từ từ vén lên. Hình Đức Giáo Hoàng nhìn nghiêng tươi vui mỉm cười hóm hỉnh, mắt to mắt bé.
Ca đoàn và cộng đoàn hát 3 lần Amen, trong khi đó thánh tích của vị tân chân phước là một ống nhỏ đựng máu của người đã được Nữ tu Marie Simon Pierre và Nữ tu Tobiana, người đã phục vụ Đức Gioan Phaolô II, rước lên đặt tại giá cao cạnh bàn thờ. Ống máu nhỏ được gắn ở giữa 4 nhành ô liu bằng bạc.
Đây là 1 trong 4 ống máu đã được các nhân viên y tế lấy trong những ngày cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II và được giữ tại nhà thương Chúa Hài Đồng Giêsu, phòng hờ trường hợp phải chuyền máu cho ngài, nhưng đã không dùng đến. Máu ở thể lỏng vì chất chống đông tụ. Hiện nay 2 ống do Đức Hồng y Stanislaw Dziwicz giữ bên Cracovia, ống còn lại do các nữ tu nhà thương Chúa Hài Đồng Giêsu giữ gìn như thánh tích quý báu.
Các bài đọc phụng vụ đã được tuyên đọc bằng các thứ Ba Lan và Anh. Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý và Phúc Ân được hát bằng tiếng Latinh.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha ca ngợi mối phúc thật mà Đức Gioan Phaolô II đã nhận lãnh, đó là mối phúc đức tin, lòng kính mến của Người đối Đức Mẹ, và công trình của Đức Chân phước Giáo hoàng dẫn Dân Chúa tiến qua ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ ba, và sau cùng là kinh nghiệm bản thân của ngài về vị tiền nhiệm. Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, “Cách đây hơn 6 năm, chúng ta đã tụ họp tại Quảng trường này để cử hành Lễ An táng Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Nỗi đau buồn vì sự mất mát thật là sâu đậm, nhưng cũng có một cảm thức lớn lao hơn nữa về một ân phúc vô biên bao trùm Rôma và toàn thế giới: ân phúc ấy như là thành quả trọn cuộc đời vị tiền nhiệm yêu quý của tôi và đặc biệt là chứng tá của ngài trong đau khổ. Ngay từ ngày ấy, chúng ta đã cảm thấy hương thơm thánh thiện của ngài loan tỏa và Dân Chúa đã biểu lộ lòng tôn kính ngài bằng nhiều cách. Vì thế, tôi đã muốn rằng án phong chân phước cho ngài được tiến hành sớm trong niềm tôn trọng đúng phép đối với qui luật của Giáo Hội. Và nay, ngày mong đợi đã đến; và đã đến sớm, vì điều đẹp lòng Chúa là: Đức Gioan Phaolô II là Chân phước!”
Đức Thánh Cha chào thăm tất cả các Hồng y, Thượng phụ, các Giám mục, Linh mục và các phái đoàn chính thức, các đại sứ và chính quyền, các tu sĩ nam nữ và giáo dân, cả những người theo dõi qua truyền thanh và truyến hình, rồi ngài nói đến Chúa Nhật thứ hai sau Phục Sinh, Chúa Nhật mà Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã đặt tên là Chúa Nhật kính Lòng Từ Bi Chúa. Đức Thánh Cha nói: “Chúa Nhật này được chọn làm ngày cử hành lễ phong chân phước vì, do một ý định của Chúa Quan Phòng, vị tiền nhiệm của tôi đã từ trần chính vào tối hôm áp lễ này. Ngoài ra, hôm nay là ngày đầu tháng 5, tháng kính Đức Mẹ Maria và cũng là ngày kính nhớ Thánh Giuse Thợ. Các yếu tố này góp phần làm cho kinh nguyện của chúng ta thêm phong phú, nâng đỡ chúng ta là những người còn lữ hành trong thời gian và không gian; trong khi ở trên trời, đại lễ nơi các Thiên Thần và các Thánh rất khác! Tuy nhiên, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, một Đức Kitô là Chúa, Đấng giống như chiếc cầu nối liền đất và Trời, và chúng ta trong lúc này đây, chúng ta cảm thấy gần gũi hơn bao giờ hết, như thể được tham dự vào Phụng vụ thiên quốc.
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha áp dụng một số ý tưởng trong các bài đọc của Thánh lễ vào cuộc đời của Đức Chân phước Giáo hoàng: “Phúc cho những người không thấy mà tin” (Ga 20,29). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố mối phúc này: mối phúc đức tin này đánh động chúng ta một cách đặc biệt vì chúng ta tụ họp nơi đây để cử hành một lễ phong chân phước, và hơn nữa, hôm nay là lễ phong chân phước cho một vị Giáo hoàng, người kế vị Thánh Phêrô được kêu gọi củng cố anh em mình trong đức tin. Đức Gioan Phaolô II là chân phước vì niềm tin của ngài, niềm tin mạnh mẽ và quảng đại, tông truyền. Và chúng ta nhớ ngay tới một mối phúc khác: “Hỡi Simon, con của Giona, con có phúc vì không phải phàm nhân tỏ điều đó cho con, nhưng chính là Cha Thầy ở trên trời” (Mt 16,17). Cha trên trời đã tỏ điều gì cho Simon? Thưa đó là: Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Do niềm tin đó, Simon trở thành “Phêrô”, là đá tảng trên đó Chúa Giêsu xây dựng Giáo Hội của Người. Hạnh phúc vĩnh cửu của Đức Gioan Phaolô II mà hôm nay Giáo Hội vui mừng tuyên bố, hệ tại lời này của Chúa Kitô: “Hỡi Simon, con có phúc” và “Phúc cho những ai không thấy mà tin!”. Hạnh phúc đức tin, mà Đức Gioan Phaolô II đã lãnh nhận từ Chúa Cha như hồng ân, để xây dựng Giáo Hội của Chúa Kitô”. (...)
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: Anh chị em thân mến, hôm nay hình ảnh Đức Gioan Phaolô II kính mến chiếu toả rạng ngời trước mắt chúng ta trong ánh sáng thiêng liêng tràn đầy của Chúa Kitô Phục Sinh. Hôm nay, tên của ngài được thêm vào hàng ngũ các thánh và chân phước mà ngài đã tôn phong trong gần 27 năm làm Giáo hoàng, nhắc nhớ hùng hồn về ơn gọi của tất cả hãy đạt tới đỉnh cao của đời sống Kitô, đạt tới sự thánh thiện, như Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân) của Công Đồng đã quả quyết. Tất cả mọi thành phần của Dân Chúa - giám mục, linh mục, phó tế, giáo dân, tu sĩ nam nữ - chúng ta đang tiến về quê hương thiên quốc, nơi mà Đức Trinh Nữ Maria đi trước chúng ta, Mẹ kết hiệp một cách đặc biệt và hoàn hảo với Mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội. Đức Karol Wojtila, trước tiên như Giám mục Phụ tá, rồi như Tổng Giám mục Giáo phận Cracovia, đã tham dự Công đồng Chung Vatican II và ngài biết rõ rằng sự kiện Công Đồng dành cho Mẹ Maria chương cuối cùng trong Văn kiện về Giáo Hội có nghĩa là đặt Mẹ Đấng Cứu Chuộc như hình ảnh và mẫu gương thánh thiện cho mỗi Kitô hữu và cho toàn thể Giáo Hội. Cái nhìn thần học này cũng là cái nhìn mà Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã khám phá khi còn trẻ, và sau đó đã bảo tồn và đào sâu suốt đời. Đó là một cái nhìn được tóm gọn trong hình ảnh của Kinh Thánh về Chúa Kitô trên Thánh Giá cạnh Đức Maria Mẹ Người. Đó là một hình ảnh ở trong Tin mừng theo Thánh Gioan (19,25-27) và được tóm tắt trong huy hiệu Giám mục và huy hiệu Giáo hoàng của Đức Karol Wojtila: trên đó có một Thánh Giá màu vàng, một chữ M dưới chân bên phải của Thánh Giá, và khẩu hiệu “Totus tuus” (Toàn thân con thuộc về Mẹ) là câu nói nổi tiếng của Thánh Louis Marie de Montfort trong đó Đức Karol Wojtila đã tìm được nguyên lý nền tảng cho cuộc đời của ngài: “Toàn thân con thuộc về Mẹ, mọi sự của con là của Mẹ. Con đón nhận Mẹ trong mọi sự của con. Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con trái tim Mẹ” (Totus tuus ego sum et omnia mea tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi cor tuum) (Trattato della vera devozione alla Santa Vergina, n.266).
Trong di chúc, Đức tân Chân phước đã viết: “Ngày 16-10-1978, khi Mật nghị Hồng y chọn Gioan Phaolô II, Đức Hồng y Stefan Wyszynbski, Giáo chủ Ba Lan, nói với tôi: “Nhiệm vụ của vị Giáo hoàng mới là đưa Giáo Hội vào Ngàn Năm Thứ Ba”. Và ngài viết thêm: “Một lần nữa tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa Thánh Linh vì đại hồng ân Công đồng Chung Vatican II, mà tôi cảm thấy mắc nợ cùng với toàn thể Giáo Hội, nhất là toàn thể Hàng Giám mục. Tôi xác tín rằng về lâu về dài các thế hệ mới còn được kín múc từ sự phong phú mà Công đồng Chung của thế kỷ 20 đã rộng ban cho chúng ta. Trong tư cách là Giám mục đã tham dự Công Đồng từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng, tôi muốn phó thác gia sản lớn lao này cho tất cả những người đang và sẽ được kêu gọi thi hành gia sản này trong tương lai. Về phần tôi, tôi cảm tạ Vị Mục Tử Vĩnh Cữu đã cho tôi được phục vụ chính nghĩa rất cao cả trong tất cả những năm qua trong triều đại Giáo hoàng của tôi”.
Đâu là chính nghĩa ấy? Chính nghĩa ấy đã được Đức Gioan Phaolô II nói đến trong Thánh lễ trọng thể đầu tiên của ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô, với những lời đáng ghi nhớ: “Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, đúng hơn, hãy mở toang mọi cánh cửa cho Chúa Kitô!”. Điều mà Đức tân Giáo hoàng yêu cầu tất cả mọi người, chính ngài đã thi hành trước tiên: ngài đã mở rộng cho Chúa Kitô xã hội, văn hoá, các chế độ chính trị và kinh tế, với sức mạnh của một người khổng lồ, sức mạnh ngài nhận được từ Thiên Chúa, ngài đã đảo lộn một xu hướng dường như không thể lật ngược được”.
Tiếp tục bài giảng trong Lễ Phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: Đức Karol Wojtila lên ngai toà Thánh Phêrô mang theo suy tư sâu sắc của ngài về sự đối chiếu giữa thuyết mácxít và Kitô giáo, quy trọng tâm vào con người. Sứ điệp của ngài là: con người là đường đi của Giáo Hội và Chúa Kitô là con đường của con người. Với sứ điệp này, vốn là đại gia sản của Công đồng Chung Vatican II và của vị tôi tớ Chúa Đức Giáo hoàng Phaolô VI, “hoa tiêu” của Công Đồng, Đức Gioan Phaolô II đã hướng dẫn Dân Chúa tiến qua ngưỡng cửa Ngàn Năm Thứ Ba, mà nhờ Chúa Kitô, ngài đã có thể gọi là “ngưỡng cửa hy vọng”. Đúng vậy, qua hành trình dài chuẩn bị Đại Năm Thánh, ngài đã mang lại cho Kitô giáo một hướng đi mới tiến về tương lai, tương lai của Thiên Chúa, tương lai siêu việt so với lịch sử, nhưng cũng ảnh hưởng trên lịch sử. Sức mạnh của niềm hy vọng ấy trước đó phần nào đã bị nhường cho chủ thuyết mácxít và ý thức hệ tiến bộ, nhưng ngài đã phục hồi một cách hợp pháp cho Kitô giáo, trả lại cho Kitô giáo hình dạng đích thực của niềm hy vọng, một niềm hy vọng cần được sống trong lịch sử với tinh thần chờ đợi, trong cuộc sống bản thân và cộng đồng, hướng về Chúa Kitô, là sự sung mãn của con người và là sự viên mãn những mong đợi công lý và hoà bình.
Trong phần kết của bài giảng, Đức Thánh Cha gợi lại quan hệ bản thân với Đức Chân phước Giáo hoàng. Ngài nói: “Sau cùng, tôi cũng muốn cảm tạ Thiên Chúa vì kinh nghiệm bản thân Chúa đã ban cho tôi, được cộng tác lâu dài với Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Trước kia, tôi đã từng được biết và quý mến ngài, nhưng từ năm 1982, khi ngài gọi tôi về Roma làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, trong 23 năm trời, tôi đã được ở gần ngài và ngày càng kính mến ngài hơn. Công tác phục vụ của tôi được nâng đỡ nhờ linh đạo sâu xa và những trực giác phong phú của ngài. Gương cầu nguyện của ngài luôn đánh động và khích lệ tôi: ngài chìm đắm trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, dù giữa bao nhiêu công việc bề bộn trong sứ vụ của ngài. Rồi chứng tá của ngài trong đau khổ: Chúa đã dần dần tước bỏ mọi sự của ngài, nhưng ngài vẫn luôn là “một đá tảng” như Chúa Kitô đã muốn. Lòng khiêm tốn sâu xa của ngài được ăn rễ sâu nơi sự kết hiệp thân mật với Chúa Kitô, đã giúp ngài tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội và mang lại cho thế giới một sứ điệp hùng hồn hơn, chính trong thời kỳ sức lực thể lý của ngài bị suy giảm. Vì thế, ngài đã thực hiện một cách ngoại thường ơn gọi của mỗi linh mục và giám mục, đó là trở nên một với Chúa Giêsu, Đấng mà hằng ngày các vị lãnh nhận và trao ban trong Thánh Thể”.
“Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II yêu quý, phúc cho ngài vì ngài đã tin! Chúng con xin ngài tiếp tục nâng đỡ niềm tin của Dân Chúa từ trời cao. Amen.
Bài giảng của Đức Thánh Cha đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay dài của tín hữu.
Lời nguyện giáo dân cầu cho các nhu cầu của Giáo Hội được đọc bằng các thứ tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Nga và Anh. Lời nguyện tiếng Đức cầu cho Kitô hữu bị bách hại được can đảm và kiên trì trong đức tin.
Ba cặp nam nữ đã bưng lễ vật lên Đức Thánh Cha, đi đầu là một cặp nam nữ trong sắc phục cổ truyền Ba Lan rất đẹp.
Đức Thánh Cha đã cho một số tín hữu rước lễ, trong đó có Nữ tu Marie Simon Pierre và Nữ tu Tobiana. 800 linh mục đã giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.
Cuối Thánh lễ, trước khi đọc kinh Lay Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Ý. Ngài chào các phái đoàn chính thức, các giới lãnh đạo dân sự và quân sự, các linh mục tu sĩ nam nữ và rất đông đảo tín hữu đến tham dự Thánh lễ Phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II. Ngài ước mong cuộc sống và công trình của Chân phước Gioan Phaolô II là suối nguồn cho một dấn thân mới phục vụ tất cả mọi người và toàn con người. Đức Thánh Cha xin vị tân Chân phước chúc lành cho các cố gắng của mỗi người trong việc xây dựng một nền văn minh tình thương, trong sự tôn trọng phẩm giá của từng người được dựng nên giống hình ảnh của Chúa, và đặc biết chú ý tới những người yếu đuối hơn.
Đức Thánh Cha đã đặc biệt cám ơn chính quyền Italia, tổng thống, chính phủ và các giới chức thành phố Roma, cũng như mọi tổ chức và hiệp hội, các lực lượng an ninh và đông đảo các thiện nguyện viên vì sự cộng tác tích cực và quý báu cho ngày lễ này. Ngài cũng chào các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô các đường phụ cận và tại nhiều nơi khác trong thành phố Roma, đặc biệt là các bệnh nhân, người già cả cũng như những ai theo dõi lễ nghi qua các đài phát thanh truyền hình. Ngài phó thác mọi người cho lời bầu cử của tân Chân phước và tình yêu thương hiền mẫu của Mẹ Maria.
Sau cùng, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho mọi người.


Tiếp đến, ngài và các vị Hồng y đồng tế đã vào bên trong Đền thờ Thánh Phêrô để tôn kính quan tài của Đức Gioan Phaolô II, theo sau là các phải đoàn chính quyền, các giám mục, các bệnh nhân, rồi đến các tín hữu.
Lễ nghi mở mộ Đức Gioan Phaolô II đã diễn ra lúc 9 giờ sáng thứ sáu 29-4-2011 dưới hầm Đền thờ Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Toà Thánh. Quan tài của Đức Gioan Phaolô II được đặt trước mộ của Thánh Phêrô có phủ một khăn thêu vàng. Sáng Chúa Nhật, quan tài đã được đưa lên đặt trước bàn thờ tuyên xưng đức tin của Đền thờ Thánh Phệrô. Chiều thứ hai 2-5, quan tài Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II sẽ được bỏ vào một hộc trong Nhà nguyện Thánh Sebastiano cạnh Nhà nguyện Pietà. Tấm bia mộ của người sẽ được đưa về Cracovia và sẽ được đặt trong nhà thờ mới dâng kính người.
Lúc 10g30 sáng thứ hai 2-5-2011, Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Toà Thánh chủ sự Thánh lễ Tạ ơn tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trần Phúc Nhạc - Linh Tiến Khải




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hotline : 072 90 4000

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Radio Mẹ Hằng Cứu Giúp