Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

LỄ KHAI MẠC ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN III


       Giới thiệu Đại hội Giáo lý toàn quốc lần III
      (tại Tổng giáo phận Hà Nội, từ ngày 9 đến 10 tháng Tám 2011)
 Đại hội giáo lý toàn quốc lần III sẽ được tổ chức tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, từ ngày 9 đến 10 tháng Tám 2011, với chủ đề Giáo lý trong viễn tượng loan báo Tin Mừng. Được biết, Đại hội giáo lý toàn quốc lần I (2006) đã được tổ chức tại Nha Trang, nhằm mục đích chia sẻ sinh hoạt giáo lý của các giáo phận; hình thành Ban Giáo lý Toàn quốc, Ban Giáo lý Giáo Tỉnh, Ban Giáo lý Miền; thống nhất Chương trình Soạn thảo tập Chỉ Nam Huấn Giáo của Hội Thánh Việt Nam. Và Đại hội giáo lý toàn quốc lần II tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Mỹ Tho (2008) được xây dựng theo hướng chuẩn bị Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Cụ thể, Đại hội đã lượng giá về các việc đã làm được và chưa làm được kể từ Đại hội lần I, đồng thời nhìn lại công cuộc giảng dạy giáo lý tại từng giáo phận trong 50 năm qua và đưa ra định hướng cho giai đoạn sắp tới.
Quy tụ Đại hội giáo lý lần này, với sự đa dạng về thành phần tham dự (đại diện một số các Ủy ban trực thuộc HĐGMVN; các trưởng và phó ban giáo lý các giáo phận; các giảng viên sư phạm giáo lý và chuyên viên về huấn giáo; đại diện các hội dòng hoạt động về giáo lý; đại diện giáo lý viên giáo dân của các giáo phận), Ban tổ chức muốn tạo cơ hội cho mọi thành phần gặp gỡ để chia sẻ kinh nghiệm mục vụ và tìm cách kết hợp chung, nhằm đẩy mạnh hoạt động huấn giáo hiệu quả hơn trong Hội Thánh tại Việt Nam.
Sau đây xin giới thiệu đôi nét cơ bản về Đại hội Giáo lý Toàn quốc lần III sắp diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8 năm nay.
Đại hội giáo lý toàn quốc lần III diễn ra trong bối cảnh nào?
Năm Thánh 2010 kết thúc và mở ra một giai đoạn mới với những sáng kiến mới. Trong bối cảnh đó, Đại hội Giáo lý Toàn quốc (ĐHGLTQ) lần III là cơ hội thuận tiện để khai mào cho cuộc canh tân huấn giáo tại Việt Nam hầu góp phần nâng cao trình độ giáo lý và trưởng thành đức tin của Dân Chúa. Đây là lúc chúng ta cùng nhau nhìn vào thực tại của đời sống và hoàn cảnh hiện tại của đức tin người Kitô hữu Việt Nam để khám phá ra ý nghĩa cũng như những thách đố của việc dạy giáo lý. Đây cũng là lúc chúng ta khám phá lại căn tính của việc dạy giáo lý bằng cách đặt nó vào khung cảnh của việc Rao giảng Tin Mừng (evangelization). Từ đó, xác định rõ những đối tượng và phương pháp cần phải có của việc dạy giáo lý cũng như vai trò và trách nhiệm của cộng đoàn tín hữu trong việc dạy giáo lý.
Đại hội phải diễn ra trong tinh thần nào?
Cuối bài thuyết trình về Hội nhập văn hóa trong công cuộc loan báo Tin Mừng của mình tại Đại hội LBTM Toàn Quốc tại GP. Xuân Lộc ngày 30/9–2/10/2010, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã đề nghị với Đại hội như sau: “Trong hoàn cảnh hiện tại, tổ chức một Đại hội như thế này là cố gắng vượt bực của Ban tổ chức. Xin chân thành cảm tạ tất cả những người đã âm thầm góp công góp của để có Đại hội này. Nhưng nếu được phép nói lên một đề nghị nho nhỏ và nếu mai sau, còn có Đại hội lần II, thì xin đề nghị đặt nặng nội dung hơn nữa, xin nêu rõ sợi chỉ đỏ của Đại hội, mục tiêu gần mà Đại hội muốn nhắm tới và dự phóng cho tương lai. Đặc biệt, thiết tưởng cũng nên có một kiến nghị hay thỉnh nguyện nào đó gửi lên HĐGMVN để chúng ta sớm có một chương trình LBTM chính thức cho GHVN” (ĐHLBTMTQ, trang 33). Thiết nghĩ những gì Đức cha Phaolô đề nghị với ĐHLBTMTQ cũng phải là tinh thần của ĐHGLTQ lần III.
Đâu là ý nghĩa và mục đích của Đại hội?
Đại hội sắp tới là ĐHGLTQ lần III và tổ chức tại TGP. Hà Nội. Như thế, chúng ta đã tổ chức Đại hội ở cả ba miền đất như dự tính ban đầu. Có thể nói Đại hội lần này là hoa quả của Đại hội lần II tại Mỹ Tho, vì Đại hội lần trước hướng đến việc đẩy mạnh hoạt động giáo lý tại miền Bắc. Chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa vì miền Bắc trong năm 2010 đã tổ chức được Hội nghị Giáo lý Giáo tỉnh tại GP. Bắc Ninh và GP Hưng Hóa và đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội. Về Hà Nội, chúng ta về lại quê hương của thánh Anrê và các bạn tử đạo. Tâm tình của chúng ta cũng chính là tâm tình của ĐHY Ivan Dias trong bài giảng tại nhà thờ chính tòa Hà Nội ngày 7.1.2011: “Chúng tôi cảm động nhớ đến thánh Anrê Dũng Lạc là linh mục Hà Nội, gốc Bắc Ninh. Ngài sinh ra trong một gia đình khiêm hạ, đơn nghèo và ngoại giáo. Khi còn bé gia đình phải rời bỏ làng quê để đến Hà Nội này tìm một đời sống tốt hơn. Chính nơi đây cậu bé gặp một thầy giảng, được thầy thương đưa về Vĩnh Trị, dạy giáo lý vỡ lòng và rửa tội cho. Sau đó Anrê Dũng Lạc học chữ Hán và tiếng La Tinh, được trao nhiệm vụ dạy giáo lý và sau cùng chịu chức linh mục ngày 15 tháng 3 năm 1832. Trong khi thi hành sứ vụ mục tử, cha bị quan bắt, bị đánh đập tàn nhẫn, bị ép buộc phải bước qua thánh giá như dấu chỉ bỏ đạo, nhưng cha can đảm từ chối. Trái lại cha ôm thánh giá và hôn cách cung kính. Ngày 21 tháng 12 năm 1839, cha thể hiện một dấu chứng tuyệt vời về tình yêu của cha đối với Chúa Kitô và Giáo Hội là chịu chết chém đầu tại Cầu Giấy (Hà Nội).” Với sự bảo trợ của thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo, chúng ta tin Đại hội sẽ đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng và hoa trái dồi dào trong hoạt động giáo lý.
Mục đích của Đại hội là đưa ra những nguyên tắc và đường hướng chung cho hoạt động giáo lý trên cả nước (Đề nghị của Đại hội Dân Chúa 11/2010, số 2) dựa trên bối cảnh văn hóa Việt Nam và tinh thần của sách Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy giáo lý năm 1997 của Bộ Giáo Sĩ.
Nội dung chính và sợi chỉ đỏ của Đại hội là gì?
Nội dung chính của Đại hội là khám phá lại căn tính của việc dạy giáo lý xoay quanh 3 trục chính là Lời Chúa, Đức tin và Giáo Hội: (1) huấn giáo là tác vụ Lời Chúa, (2) huấn giáo là giáo dục đức tin, và (3) huấn giáo là hoạt động của Giáo Hội. Từ đó, khám phá lại bản chất – mục đích – nhiệm vụ của việc dạy giáo lý, tìm kiếm một phương pháp hữu hiệu và tương thích, xác định vai trò và trách nhiệm của cộng đoàn trong việc dạy giáo lý. Sợi chỉ đỏ của Đại hội là thống nhất tầm nhìn và sứ mạng của huấn giáo (vision & mission).
Đâu là mục tiêu Đại hội nhắm tới và dự phóng tương lai?
Mục tiêu của Đại hội là thống nhất tầm nhìn và nhiệm vụ của huấn giáo để phát triển đồng bộ trên cả 3 miền đất nước, hướng tới việc giúp HĐGMVN soạn thảo một Chỉ nam về Huấn giáo tại Việt Nam theo đề nghị của Bộ Giáo sĩ trong HDTQ 1997 số 282: “Hội đồng Giám mục soạn thảo, trên bình diện quốc gia, những tài liệu quan trọng thích hợp. Những tài liệu này mang nhiều tên gọi khác nhau: Hướng dẫn về huấn giáo, Những đường hướng huấn giáo, Tài liệu căn bản, Những bản văn tham khảo, vv… chủ yếu được dành cho những người có trách nhiệm và cho các giáo lý viên. Những tài liệu này sẽ làm rõ ý nhiệm của huấn giáo: bản chất, mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, đối tượng học giáo lý, phương pháp.”
Nội dung và chương trình làm việc ra sao?
Chương trình gồm 3 đề tài chính, mỗi buổi suy tư và thảo luận một đề tài, cụ thể như sau:
● Ngày thứ nhất 9.8.2011
– Đề tài 1a: Rao giảng Tin Mừng hôm nay và những thách thức của nó (HDTQ 60 – 72)
– Đề tài 1b: Giáo lý trong viễn tượng Rao giảng Tin Mừng: tác vụ của Lời
(Trọng tâm của đề tài này là đặt Lời Chúa vào trung tâm của giáo lý)
– Đề tài 2a: Giáo dục bằng giáo lý & giáo lý bằng giáo dục (HDTQ 147)
– Đề tài 2b: Giáo lý là giáo dục đức tin
(Trọng tâm của đề tài này là đưa giáo lý ra khỏi khuôn khổ lớp học và nhấn mạnh đến việc mở ra cho gặp gỡ và đối thoại).
● Ngày thứ hai 10.8.2011
– Đề tài 3a: Vai trò của cộng đoàn trong việc dạy giáo lý (HDTQ 220-221).
– Đề tài 3b: Giáo lý là hoạt động của Giáo hội (HDTQ 253-254).
(Trọng tâm của đề tài này là đặt giáo lý vào trung tâm hoạt động mục vụ của cộng đoàn).

Khai mạc Đại hội Giáo lý toàn quốc lần thứ 3


Vào hồi 8 giờ sáng nay, 9 tháng Tám 2011, tại hội trường Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Đại hội Giáo lý toàn quốc lần thứ 3. Tham dự lễ khai mạc có Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc - Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, gần 100 linh mục, 57 nam nữ tu sĩ và 41 giáo dân đến từ 26 giáo phận trong cả nước. Tất cả các tham dự viên đều là những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực huấn giáo.
Sau lời chào mừng và giới thiệu của cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền- trưởng Ban giáo lý toàn quốc, là nghi thức tôn vinh Lời Chúa do cha Antôn Đoàn Văn Vinh, thuộc Tu đoàn Nhà Chúa chủ sự.
Tiếp theo là diễn văn khai mạc của Đức cha Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, giới thiệu ý nghĩa và mục đích của Đại hội. Đức cha Phaolô nhấn mạnh đến việc dạy và học giáo lý trong viễn tượng loan báo Tin Mừng.
Trong bài huấn dụ sau đó, Đức Tổng giám mục Phêrô nói ngài rất hài lòng về chương trình làm việc cũng như mục tiêu mà Đại hội nhắm tới. Ngài khích lệ và cầu chúc Đại hội gặp được Chúa và thành công.
Nội dung chính của Đại Hội lần thứ 3 là khám phá lại căn tính của việc dạy giáo lý xoay quanh 3 trục chính là Lời Chúa, Đức tin và Giáo Hội: (1) huấn giáo là tác vụ Lời Chúa, (2) huấn giáo là giáo dục đức tin, và (3) huấn giáo là hoạt động của Giáo Hội. Từ đó, khám phá lại bản chất – mục đích – nhiệm vụ của việc dạy giáo lý, tìm kiếm một phương pháp hữu hiệu và tương thích, xác định vai trò và trách nhiệm của cộng đoàn trong việc dạy giáo lý. Sợi chỉ đỏ của Đại Hội là thống nhất tầm nhìn và sứ mạng của huấn giáo (vision & mission).
Theo đúng lịch trình, lễ khai mạc kết thúc lúc 8 giờ 30 và ngay sau đó là phần thuyết trình của Đức Tổng giám mục Phêrô với đề tài: Rao giảng Tin Mừng hôm nay và những thách thức của nó.
Đại hội sẽ tiếp tục làm việc đến hết ngày mai, 10 tháng Tám, với 3 đề tài thuyết trình còn lại của hôm nay và 2 đề tài cho sáng mai. Đại hội cũng phổ biến bản Dự thảo Nội quy của Ban Giáo lý và bầu ra Ban Thường vụ của các giáo tỉnh và Ban Thường vụ toàn quốc.
Sáng thứ Năm 11-08 Đại hội Giáo lý toàn quốc lần thứ 3 sẽ bế mạc với thánh lễ đồng tế do cha Tân Trưởng ban Giáo lý toàn quốc chủ sự.
Ngày thứ nhất, 09.08.2011
UB GIÁO LÝ ĐỨC TIN (09.08.2011) – Sáng thứ ba 9 tháng 8 năm 2011,vào lúc 5 giờ 30 Đức cha chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin Phaolô Bùi Văn Đọc đã chủ tế Thánh lễ cầu nguyện cho Đại hội tại nhà nguyện Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội.
Tham dự viên Đại hội lần thứ 3 này có 198 người, thuộc các Ban giáo lý của 26 Giáo phận trên toàn quốc, trong đó có 2 giám mục, 96 linh mục, 59 tu sĩ nam & nữ và 41 giáo dân nam & nữ. Số đại biểu đông nhất là 98, thuộc giáo tỉnh Hà Nội, tiếp theo là giáo tỉnh Sài Gòn với con số đại biểu là 57 và giáo tỉnh Huế là 43. So với 2 Đại hội trước, thì Đại hội lần này có số tham dự viên đông nhất.
Đúng 8 giờ, tại Hội trường Đại chủng viện thánh Giuse, Đại hội chính thức khai mạc với nghi thức cung nghinh Lời Chúa rất sốt sắng, lời chào mừng và giới thiệu thành phần tham dự của linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Giáo lý toàn quốc. Tiếp theo Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin đã công bố ý nghĩa và mục đích của Đại hội với những lời lẽ ngắn gọn nhưng thật đầy đủ trong câu Lời Chúa: “Anh em đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em…” và sau đó linh mục Giuse Hồ Sĩ Hữu, Thư ký Ban Thường vụ giới thiệu chương trình làm việc những ngày của Đại hội.
Lúc 8 giờ 30, Đức Tổng giám mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã có bài thuyết trình đầu tiên với đề tài Rao giảng Tin Mừng hôm nay với những thách thức của nó”. Bài thuyết trình nhằm giúp tham dự viên hiểu ý nghĩa và tiến trình của việc Phúc âm hóa hay Rao giảng Tin Mừng (évangélisation) cũng như sự cấp bách và những thách thức của nó do tác động của những thay đổi sâu rộng và mau chóng về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và tôn giáo, trên thế giới cũng như trên đất nước.
Tiếp đến là bài thuyết trình của linh mục Giuse Vũ Quang Học (Ban Giáo lý giáo tỉnh miền Bắc) với đề tài: “Giáo lý viên trong viễn tưởng rao giảng Tin Mừng”. Bài này giúp tham dự viên hiểu bản chất, mục đích và nhiệm vụ của việc dạy giáo lý: nhìn giáo lý trong viễn tượng loan báo Tin Mừng thì việc dạy giáo lý là một giai đoạn chủ yếu trong tiến trình Rao giảng Tin Mừng, và giáo lý là tác vụ Lời Chúa, là việc giáo dục đức tin, là hoạt động của Giáo hội; mục đích của việc dạy giáo lý là hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu Kitô; và nhiệm vụ căn bản của việc dạy giáo lý là giúp hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý, dạy cầu nguyện, giáo dục đời sống cộng đoàn và khai tâm cho việc truyền giáo.
Sau giờ nghỉ giải lao là phần thảo luận riêng của 10 nhóm trong một tiếng, mỗi nhóm có các linh mục trưởng ban Giáo lý các giáo phận phụ trách. Phần thảo luận gồm 4 câu hỏi mà Đại hội đề ra:
1. Rao giảng Tin Mừng hay Phúc âm hóa (évangélisation), trước và sau Công đồng Vaticanô II, được hiểu như thế nào? CuốnHướng dẫn Tổng quát 1997 hiểu Rao giảng Tin Mừng theo nghĩa nào? Đặt trong viễn tượng Rao giảng Tin Mừng này, việc dạy giáo lý có được sự thay đổi và bước tiến mới nào?
2. Việc dạy giáo lý có nhiệm vụ khai tâm và giáo dục. Việc dạy giáo lý tại giáo phận của quý anh chị đã đảm nhận nhiệm vụ này như thế nào? Kinh nghiệm dạy giáo lý nào quý anh chị muốn chia sẻ với Đại hội?
3. Việc dạy giáo lý trong giáo phận của quý anh chị có là nơi giúp Kitô hữu sống kinh nghiệm thiêng liêng tức gặp gỡ và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu hay chỉ là trường dạy chân lý đức tin và luân lý? Để đạt mục đích này, cần đổi mới những gì trong việc dạy giáo lý?
4. Lộ trình và giáo trình huấn luyện của giáo phận có hỗ trợ các giảng viên giáo lý chu toàn các nhiệm vụ căn bản trên không? Nhiệm vụ nào cần được quan tâm nhiều hơn?
Đến 11 giờ đại diện các nhóm trình bày tóm tắt phần thảo luận và Ban giáo lý Giáo tỉnh miền Bắc đúc kết. Lúc 12 giờ các đại biểu dùng cơm trưa trong tinh thần liên kết sống động, tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm của giáo phận mình.
(Nguồn: giaolyductin.og


nguyenthuong.ctxl@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hotline : 072 90 4000

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Radio Mẹ Hằng Cứu Giúp