Logo Năm Thánh 2010 bao gồm ba vòng tròn ôm gọn hình Chim Bồ Câu và hình Con Thuyền lướt sóng ở những vị trí có thể có thể nối kết lại như một bản đồ Việt Nam và hai hàng chữ vòng quanh muốn diễn tả một niềm vui tròn đầy.
Ba vòng tròn xanh đỏ vàng tiếp giáp nhau, hình dung ba Giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn có mặt với nhau từ ngày Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam 50 năm trước. Biểu tượng hòa theo lời kinh Năm Thánh 2010: “Cha đã sai Con Một xuống thế làm người, chia sẻ thân phận yếu hèn của chúng con, xả thân loan báo Tin Mừng Cứu Độ.”
Ba vòng tròn vàng, đỏ, xanh cũng gợi nhớ màu vàng của lòng tin, màu đỏ tình yêu và màu xanh đức hy vọng: “Lạy Cha, xin thắp sáng ngọn lửa tin cậy mến trong lòng chúng con, để chúng con noi gương các vị chứng nhân đức tin, biết củng cố và lưu truyền gia sản đức tin cho các thế hệ tương lai” (Kinh Năm Thánh 2010).
Ba vòng tròn lớn dần lên như những quầng sáng phát ra từ cây thánh giá màu vàng đậm là nguồn sáng, làm sáng ý: “Con Một Chúa xả thân loan báo Tin Mừng Cứu Độ” (Kinh Năm Thánh 2010).
Cánh chim câu trắng từ trời sải cánh, sà xuống con thuyền với đôi cánh buồm no gió đang lướt sóng gợi ý: Chúa Thánh Thần xuống đổ tràn ơn sủng cho Hàng Giáo phẩm Việt Nam đang dìu dắt Dân Chúa đi theo hướng đường của Đức Kitô. Biểu tượng hòa với lời kinh: “Xin Cha dùng ơn Thánh Thần soi sáng dẫn dắt chúng con bước theo Chúa Giêsu loan Tin Mừng Cứu Độ” (Kinh Năm Thánh 2010).
Hai hàng chữ chạy vòng quanh các biểu tượng nhắc nhớ Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam là năm hồng ân cho toàn Giáo Hội Việt Nam và cho cả quê hương đất nước này.
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Đại Hội Đức Mẹ La Vang lần thứ 29 - La Vang điểm đến
Hướng về lễ bế mạc Năm Thánh 2010 tại La Vang, đây là một vài thông tin.
T6, 17/12/2010 - 10:24
1. Vị trí
Linh Địa La Vang tọa lạc tại khu vực mà vào thời chúa Nguyễn Hoàng gọi là Dinh Cát, nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế, cách thành phố Huế 60km về phía Bắc, cách thị xã Quảng Trị 6km về phía Tây Nam.
Trên quốc lộ 1 xuyên Việt, có 2 lối rẽ vào đất Mẹ, cách quãng nhau chừng 5km. Nếu từ Nam ra Bắc, thì trước khi đến cây cầu Thạch Hãn, ở lối rẽ 1 phía tay trái có tấm biển với dòng chữ: “Thánh Địa La Vang - 2km”, và ở lối rẽ 2: “La Vang - 4km”.
Gần cuối 2 con đường tiến vào Linh Địa nầy, khách hành hương đã thấp thoáng nhìn thấy phía đằng trước toàn cảnh của Linh Địa với dáng vẻ uy nghi, thánh thiện: Công trường Mân Côi, Tháp Cổ, Linh Đài..., tất cả như hối thúc con cái Mẹ bước nhanh chân, lòng tràn ngập hân hoan, nao nức, môi mấp máy lời kinh Kính Mừng đầy tin tưởng, cậy trông.
2. Sự tích Đức Mẹ hiện ra tại La Vang
Tháng 08 năm 1798 từ Phú Xuân, vua Tây Sơn Cảnh Thịnh ban hành một sắc chỉ truyền phá hủy tất cả các nhà thờ, tất cả các nhà ở của các linh mục và bắt tất cả các tín hữu. Đây là một cuộc cấm đạo nghiêm ngặt, ác liệt, dù chỉ trong thời gian ngắn.
Để tránh cơn bách hại, các tín hữu thuộc các giáo xứ Cổ Vưu, Hạnh Hoa, Thạch Hãn... trong tỉnh Quảng Trị chạy trốn vào vùng núi, bất chấp đói khát, thú dữ, nước độc, bệnh tật..., miễn sao cứu được thân. Họ hoảng sợ vì đã tận mắt chứng kiến cảnh cướp bóc, đốt phá, chém giết bạo tàn của binh lính.
Trong cơn nguy khốn ấy, mọi người thường xuyên nhắc nhủ nhau hãy trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ. Đêm ngày, họ hội họp nơi đám cỏ dưới tán cây cổ thụ, đọc kinh lần hạt kêu xin Đức Mẹ cứu giúp chở che.
Một hôm, đang lúc đọc kinh cầu nguyện thì Đức Mẹ hiện ra uy nghi rực rỡ, tươi đẹp vô ngần. Mẹ mặc áo choàng, tay ẵm Chúa Hài Đồng. Mẹ xuống đứng trên đám cỏ, gần gốc cây đa, nơi họ đang cầu nguyện. Mẹ tỏ vẻ nhân từ và âu yếm, an ủi các tín hữu vui lòng chịu khó và dạy hái lá quanh đó nấu uống sẽ lành các chứng bệnh.
Mẹ còn hứa rằng: “Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn nầy, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.
Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần như vậy. Cha ông chúng ta đã chứng thực và đã truyền lại cho đến ngày nay.
Kể từ ngày đó, phường Lá Vằng đã trở thành Linh Địa La Vang. Người người lương giáo khắp nơi tuôn về hành hương, cầu nguyện, xin ơn ..., và Đức Mẹ giữ lời hứa, đã ban xuống nhiều ơn thiêng: ơn phần hồn, ơn phần xác.
3. La Vang, Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang của Giáo hội Công giáo Việt Nam
Người công giáo Việt Nam có truyền thống tôn kính Đức Trinh Nữ Maria một cách đặc biệt, do đó đã có nhiều địa điểm hành hương trên khắp đất nước như Phú Nhai (Bùi Chu), Trà Kiệu (Quảng Nam), La Mã (Bến Tre), Bình Triệu (Thủ Đức), Bãi Dâu (Vũng Tàu) ...
Riêng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang thuộc Tổng Giáo phận Huế đã được các Giám mục Giáo tỉnh Huế và Giáo tỉnh Sài Gòn trước đây, trong phiên họp ngày 13.04.1961 tại Huế đã quyết định chọn là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc.
Ngày 01.05.1980, tại Hà Nội, các Giám mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong cuộc Hội nghị toàn thể lần đầu tiên đã đồng thanh biểu quyết “La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc của Giáo Hội Công giáo Việt Nam”.
Đền thờ La Vang được Đức Thánh Cha Gioan XXIII nâng lên bậc Tiểu Vương Cung Thánh Đường bằng Tông thư Magno Nos ngày 22.08.1961, hôm đó cũng là ngày ngôi Đền thờ La Vang được Cung Hiến và Giáo quyền chính thức tuyên bố Linh Địa La Vang là Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang.
La Vang ngày nay không còn là nơi âm u hiểm trở, ít ai biết đến như ngày xưa trong thời kỳ cấm đạo, nhưng đã trở thành nơi vang dội muôn ơn lành hồn xác Mẹ ban và ngân vọng bao lời kinh tin yêu phó thác của con cái Mẹ trên khắp nước Việt Nam và cả thế giới.
Lòng tôn sùng Đức Mẹ La Vang đã có liền sau khi Đức Mẹ hiện ra (1798). Từ ngày đó, giáo hữu xa gần hành hương La Vang và đã được Mẹ chở che, ủi an, nâng đỡ. Qua các thời đại, các thế hệ, giáo hữu lũ lượt tới La Vang kính viếng, cầu nguyện, nhất là từ khi có ngôi Đền Thánh đầu tiên năm 1820.
Các Đại Hội Tam niên Hành hương Đức Mẹ La Vang: từ lần thứ 1 năm 1901 đến lần thứ 28 năm 2008. Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 29 vào các ngày 4,5 và 6 tháng 01 năm 2011 đồng thời với Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam.
4. Các công trình đã được xây dựng
Theo Thư Chung ngày 08-08-1961 của Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam về việc thi hành lời Khấn hứa với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, một kế hoạch kiến thiết quy mô Linh địa La Vang đã được khởi công:
- Công trường Mân Côi rộng 30m, dài 480m, rãi đá, tráng nhựa. Dọc 2 bên có 15 pho tượng các Mầu nhiệm Mân Côi bằng đá cẩm thạch theo nghệ thuật hiện đại.
- Hai hồ Tịnh Tâm rộng trên 6 mẫu.
- Linh đài Đức Mẹ với 3 cây đa cổ thụ bằng xi-măng cốt sắt chỉ mới hoàn tất giai đoạn đầu. Một bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối từ Non Nước (Đà Nẵng).
- Nhà Tĩnh Tâm ở khu vực phía sau Đền Thờ.
- Nhà Hành Hương, quen gọi là nhà Đại Chúng, đối diện nhà Tĩnh Tâm, cùng kích cỡ, dùng làm nơi tạm trú cho khách hành hương.
- Hồ Giênêdaret và 2 cây cầu uốn cong nối 2 đường kiệu với đồi Canvariô.
- Nhà vệ sinh 120 phòng.
- Tháp nước và bơm. Giếng nước máy bơm gió.
Tiếc thay những công trình này đã bị chiến tranh tàn phá hết, nhất là chiến cuộc 1972 và cơn bão 1985. Chỉ còn nơi Linh đài Đức Mẹ hiện ra, 3 cây đa bằng bê-tông xi-măng đứng vững nguyên vẹn.
5. Linh địa La Vang ngày nay
Từ năm 1995, Linh Địa La Vang bắt đầu được trùng tu lại dần dần.
Ngày 01.12.2005, Đức Hồng y Crescenzio Sepe chủ sự nghi lễ Khánh Thành Nhà Hành Hương.
Ngày 13.06.2008, phái đoàn Tòa Thánh, do Đức Ông Pietro Parolin dẫn đoàn đã chủ tế Thánh lễ tại Linh Đài Mẹ La Vang. Dịp này, ngài trao tặng La Vang món quà của Đức Thánh Cha, đó là chiếc hào quang dùng cho việc suy tôn Bí Tích Thánh Thể.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xét cần ưu tiên và đặc biệt tái thiết, phát triển Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang thành một Trung Tâm Huấn luyện và Đào tạo Mục vụ toàn quốc để thống nhất việc mục vụ của toàn thể Giáo Hội Việt Nam nhằm canh tân đời sống đức tin và truyền giáo.
Hiện tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang được Ủy ban Nghệ Thuật Thánh của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đảm nhận thực hiện Dự án tái thiết.
Từ ngày 04 đến 06-01-2011, tại La Vang sẽ diễn ra Đại lễ Bế Mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, cũng là Đại Hội La Vang lần thứ 29. Dịp này, sau Thánh lễ Bế mạc, Đặc sứ của Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường
.
Đức Hồng Y Ivan Dias Đặc Sứ của Đức Thánh Cha tại Việt Nam
Đức Hồng Y Ivan Dias, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, sẽ chủ sự các lễ nghi bế mạc Năm Thánh.
VATICAN. Hôm 18-12-2010, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Ivan Dias, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, làm đặc sứ của ngài đến chủ sự các lễ nghi bế mạc Năm Thánh tại Việt Nam.
Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận đại diện Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam sẽ được bế mạc tại Trung tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc Lavang từ ngày 4 đến 6-1-2011 sắp tới. Năm Thánh đã được khai mạc trọng thể tại Sở Kiện, thuộc tổng giáo phận Hà Nội ngày 24-11 năm 2009, và có cao điểm là Đại hội Dân Chúa ở Sàigòn hồi trung tuần tháng 11 vừa qua.
ĐHY Ivan Dias người Ấn độ năm nay 75 tuổi (1936), đã từng làm Sứ thần Tòa Thánh tại Ghana, Benin, Togo, Đại Hàn, Albani, TGM giáo phận Mumbai Ấn độ, và từ gần 5 năm nay làm Tổng trưởng Bộ truyền giáo (SD 18-12-2010)
Trần Đức Anh OP VietCatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét