Đức ông Konrad Krajewski nhớ lại thời khắc Đức Gioan Phaolô II băng hà
Một thành viên của Văn phòng Cử hành Nghi thức Phụng vụ cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gần đây đã nhắc lại thời khắc Đức Giáo Hoàng băng hà.
Đức ông Konrad Krajewski cho biết Đức Hồng y Stanislao Dziwisz, Thư ký riêng của Đức Giáo hoàng Wojtyla suốt 40 năm, là người đã phá tan bầu khí tĩnh lặng vào thời khắc Đức Giáo Hoàng băng hà.
“Chúng tôi đã quỳ quanh giường Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II... Ánh sáng dìu dịu hắt ra từ bóng đèn trên tường, nhưng bạn có thể nhìn thấy ngài khá rõ. Một lát sau, Đức Tổng Giám Mục (ngài được Đức Bênêđictô XVI trao mũ hồng y ngày 4/3/2006 - ND) đứng dậy. Ngài bật sáng các bóng đèn trong phòng và phá tan bầu khí tĩnh lặng trước cái chết của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II”, Đức ông Krajewski nói trong một bài viết đăng trên tờ L'Osservatore Romano hôm 2-4.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II băng hà ngày 2-4-2005.
“Bằng giọng xúc động nhưng mạch mẽ một cách ngạc nhiên (giọng nói điển hình của người miền núi), cất lên một vài âm điệu, ngài bắt đầu hát: “Lạy Chúa, chúng con ngợi khen Chúa. Lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa”. Dường như đó là một giọng nói vọng xuống từ trời cao. Tất cả chúng tôi ngạc nhiên nhìn Don Stanislao (tên thân mật của ĐHY - ND). Và ánh sáng hoà theo bài thánh ca và các phiên khúc cứ thế tiếp tục: “Ôi Lạy Cha Vĩnh Cửu, tất cả mọi loài trên trái đất thờ lạy Ngài...”; và mỗi người chúng tôi càng thêm xác tín”, Đức ông Krajewski nói.
“Nhờ đó, chúng tôi thấy mình đang đứng trước một sự kiện thật đặc biệt, chúng tôi suy ngẫm. Đức Gioan Phaolô II đã qua đời. Điều đó có nghĩa là bây giờ ngài sống mãi mãi”, ngài nói.
Mặc dù đau buồn - Đức ông Krajewski nói tiếp - họ vẫn tiếp tục hát. “Theo từng lời hát, giọng của chúng tôi trở nên mạnh mẽ và xác tín hơn. Bài thánh ca tung hô: “Đấng chiến thắng sự chết, Đấng đã mở cửa Nước Trời cho những ai có lòng tin”. Rồi cứ thế, chúng tôi hát Te Deum (Kinh Tạ Ơn), chúng tôi tôn vinh Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta có thể nhìn thấy và nhận ra Ngài trong con người của vị Giáo hoàng”.
“Đây cũng là kinh nghiệm của tất cả những ai đã gặp ngài suốt trong triều đại giáo hoàng của ngài. Bất cứ ai đã tiếp xúc với Đức Gioan Phaolô II đều cũng gặp được Chúa Giêsu, Đấng mà Đức Giáo Hoàng đã biểu hiện bằng cả con người của mình”.
“Một điểm nhận ra ngay tức khắc đó là Đức Giáo Hoàng là một người đầy tràn Thiên Chúa”.
Những năm cuối cuộc đời của ngài - Đức Ông Krajewski nói - “chỉ cần nhìn vào ngài là bạn có thể nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa”.
“Điều đó đã đủ để khiến bạn đi thú tội, không phải chỉ vì tội lỗi của bạn, mà vì bạn không được thánh thiện như ngài”.
Vào ngày 2-4-2005, khi rời Phủ Giáo hoàng tại Dinh Tông toà, Đức ông Krajewski nói ngài thấy “vô số người đi bộ trong thinh lặng với lòng sùng mộ. Mọi người ngừng lại, quỳ gối và khóc thương”.
“Có những người khóc chỉ vì một người thân yêu đã ra đi, và sau đó họ trở lại bình thường như trước. Và cũng có những người ở bên ngoài đã cảm thông với người trong cuộc bằng những giọt nước mắt và họ nhận ra rằng họ không xứng đáng trước mặt Chúa. Đó là những giọt nước mắt hồng ân: họ đã khởi đầu một cuộc hoán cải lạ lùng”, Đức ông Krajewski nói.
Đức Ông lưu ý rằng ngay cả ngày hôm nay, nhiều người làm việc tại Đền thờ Thánh Phêrô và tại các văn phòng khác ở Vatican đều dành một khoảnh khắc để cầu nguyện trước mộ của Đức Gioan Phaolô II. Họ chạm vào tấm bia mộ với một một nụ hôn cung kính. “Điều này diễn ra hằng ngày”, Đức Ông nói.
“Nếu phải nói điều quan trọng nhất trong đời sống linh mục và trong cuộc đời mỗi người chúng ta, nhìn vào Đức Giáo Hoàng, tôi sẽ nói: Chúng ta đừng làm lu mờ Thiên Chúa, nhưng trái lại, hãy tỏ lộ Người và làm cho mình trở thành dấu chỉ hữu hình của Người. Không có ai đã nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng Đức Gioan Phaolô II đã làm cho Thiên Chúa hữu hình qua cuộc sống của ngài”, Đức ông Krajewski nói.
Phần mộ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 5 năm sau đã trở thành điạ điểm thăm viếng nhiều nhất của Rôma
§ Tiền Hô
Kể từ năm 2005, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, hầm Vatican, nơi có đặt phần mộ của Ngài, đã trở thành một trong những điểm được viếng thăm thường xuyên nhất ở Rôma.
Các giới chức tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô cho hãng tin Zenit biết, trung bình có khoảng 12.000 người đến viếng thăm phần mộ này mỗi ngày, mở cửa cho công chúng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều (hoặc đến 6 giờ vào mùa hè). Nhiều vị giáo hoàng khác cũng an nghỉ gần Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ít ra trong danh sách có thể kể đến vị giáo hoàng đầu tiên - Thánh Phêrô.
Một hướng dẫn viên kêu gọi nhắc nhở du khách giữ im lặng và tưởng niệm vì nơi này là chốn linh thiêng.
Các lối dẫn vào hầm mộ được tạo ra từ bên phải vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Du khách đi xuống cầu thang này sẽ thấy các cây cột còn sót lại của ngôi thánh đường đầu tiên, được xây theo phong cách Constantine từ năm 326 đến 333.
Tiếp theo, họ sẽ đi ngang qua phần mộ của Đức Giáo Hoàng Calixtô III và sau đó là Bônifaciô VIII, Nicôla III, Innôxentê VII, Nicôla V, Phaolô II, Mácxêlô II, Gioan Phaolô I và Innôxentê IX.
Một số phần mộ lại được trưng bày hình ảnh của các vị giáo hoàng được chôn cất tại đó – tương tự những hình ảnh mà chúng ta có thể thấy nơi Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành, chúng được trang trí bằng những bức họa ảnh dưới thời 266 vị giáo hoàng chưa hề bị gián đoạn.
Trong một chuyến tham quan gần đây, phóng viên bài viết này ghi nhận rằng, đại đa số du khách đều tìm đến nơi an nghỉ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Vài người khác, đặc biệt là du khách lớn tuổi, cũng tạm dừng chân bên Đức Phaolô VI và Gioan Phaolô I. Một số người cho biết, phần mộ Đức Gioan Phaolô II, trước kia là nơi an táng Đức Gioan XXIII (kể từ năm 2002, Ngài được cải táng vào bên trong vương cung thánh đường Thánh Phêrô).
Luôn có một vệ sĩ canh giữ tại phần mộ Đức Gioan Phaolô II để yêu cầu khách hành hương tạm dừng cầu nguyện và lùi về không gian giới hạn đằng sau để lối đi được khai thông. Nhiều người đến đặt hoa, tràng hạt, huân chương và các vật thánh khác nhưng có một số lại nhìn bằng con mắt tò mò.
“Kể từ khi Đức Gioan Phalô II qua đời, chúng tôi phải tổ chức lại mọi việc khác trước, do số lượng khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới mỗi ngày”, một vị giám sát phần mộ cho hãng Zenit biết. “Không có một ngày nào mà người ta không đến nơi này”.
Trước đây, để xuống hầm mộ phải đi thông qua bên trong vương cung thánh đường - không được sáng sủa và chỉ có vài lối xuống. Ngày nay, khách hành hương đến hỏi làm cách nào để tìm ra phần còn lại của vị giáo hoàng người Ba Lan.
“Tôi thích thú nhìn thấy nó [phần mộ], vì đây là lần đầu tiên tôi đến đây”, một khách hành hương từ Tây Ban Nha nói với hãng Zenit ngay sau khi viếng thăm. “Tôi luôn đọc và nghe nói về Ngài và tôi yêu mến Ngài rất nhiều, điều đó đã thúc đẩy tôi đến viếng thăm nơi Ngài an nghỉ. Tôi yêu bầu không khí và thái độ của người ta [nơi đây]”.
Một khách hành hương Tây Ban Nha nói với chúng tôi rằng, được thấy hầm mộ là một trong những mục tiêu chính của mình khi đến Rôma. “Tôi ngưỡng mộ sự đơn giản và gần gũi với người khác của Ngài”, anh ta nói thêm, “Thật không may khi Ngài qua đời vì Ngài rất quan trọng, Ngài đã để lại dấu ấn trong lịch sử Kitô giáo và cả lịch sử thế giới”.
Một khách hành hương Argentina (Á Căn Đình) khẳng định rằng, cô rất vui mừng khi đến viếng thăm nơi an nghỉ của Ngài. “Được nhìn thấy phần mộ của Đức Gioan Phaolô II, những kí ức về cuộc đời Ngài lại hiện lên trong tâm trí tôi. Ngài là người rất đơn giản, nhân bản và gần gũi. Thật đáng buồn khi Ngài qua đời, mặc dù Đức Giáo Hoàng bây giờ cũng là một người tuyệt diệu”.
Sau cùng, những bản nhạc thánh liêng luôn được vang lên trong không gian này như khơi gợi lại hồi ức, làm cho những người khách hành hương tưởng nhớ và cảm tạ Đức Thánh Cha, Ngài đã ra đi vào một ngày 02 tháng 04 như hôm nay, bên cạnh đó còn có hàng chục ngàn tín hữu đang cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Ghi chép của Villa Carmen Elena.
nguyenthuong.ctxl@gmail.com
thật là hạnh phúc nhất trần gian cho những ai đã được gặp Thánh Giáo Hoàng GIOAN PHAOLO ll
Trả lờiXóaHương Vũ muốn mua cuốn sách ,hãy đứng dậy chúng ta cùng đi của Thánh Giáo Hoàng GIOAN PHAOLÔ ll mà không biết ở đâu bán
Trả lờiXóa