Bài suy tư của Đức cha Michel Chafik, Trưởng Hội Thừa sai Công giáo Copte tại Paris
TTCG (Rôma, 18-4-2011, Zenit.org) - Chỉ còn vài ngày nữa là tới lễ Phong Chân phước cho Đức Gioan Phaolô II, xin giới thiệu bài suy tư được ĐGM. Michel Chafik, Trưởng Hội Thừa sai Công giáo Copte tại Paris - Đức Bà Ai Cập, dành cho Zenit.
“Đối với chúng tôi, những người Coptes, Đức Gioan Phaolô II vẫn mãi mãi là vị Giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến Ai Cập”, Đức cha Chafik đã khẳng định khi người gợi lại chuyến hành hương được đặt dưới dấu chỉ hiệp nhất của ĐGH người Ba Lan. “Khi đến mùa xuân Ai Cập”, chúng ta thấy “sứ điệp tình yêu và lòng khoan dung của người vẫn còn mang tính thời sự đáng cho chúng ta phải ngạc nhiên”, vị giáo sĩ cấp cao của nghi lễ Copte nhận xét.
Vị Trưởng Hội Thừa sai Công giáo Copte tại Paris đã liệt kê ra “những mùa” trong cuộc đời mà Đức Gioan Phaolô II đã thể hiện “một cách hết sức tuyệt vời” trong cuộc sống của người. Từ một “thanh niên hăng say, nôn nóng muốn thay đổi thế giới” đến một “vận động viên đã trở nên yếu sức”, Đức cha Chafik gợi lại một cuộc sinh hạ mới: cuộc khai sinh của một vị thánh.
“Santo Subito!” - phong thánh ngay lập tức! - đám đông có mặt tại sân trước Quảng trường Thánh Phêrô đã hô to từng tiếng một như thế. Một đám đông đa dạng quy tụ về đây từ bốn phương trời là hình ảnh của Giáo Hội hoàn vũ; một đám đông côi cút vừa mất đi vị Giáo hoàng của mình, là Đức Gioan Phaolô II rất đáng mến.
Để được công nhận là thánh, phải có một phép lạ; đó là tiến trình để phong thánh. Phép lạ đã xảy ra: thời gian dài do Giáo Hội ấn định đã được rút ngắn lại trước sự nóng lòng của mọi người, đến độ chỉ vừa đúng 6 năm sau ngày Đức Gioan Phaolô II qua đời, người đã được phong Chân phước.
Khi người kế vị Thánh Phêrô đi theo bước chân của Thánh Máccô
Mỗi người có một Gioan Phaolô II theo cách của mình. Đức Gioan Phaolô II là người anh em của người dân Ba Lan, là người cha của thế hệ mang tên người. Còn đối với chúng tôi, những người Coptes, thì người vẫn mãi mãi là vị Giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến Ai Cập. Trong chuyến công du đến đất nước này, từ ngày 24 đến 26-2-2000, người đã biểu lộ lòng tôn kính đối với mảnh đất của chúng tôi, mảnh đất - mà cùng với sự mạc khải của Chúa dành cho Môsê, với cuộc trốn chạy của Thánh gia, và là nơi khai sinh truyền thống đan tu - đã chứng kiến “sự khởi đầu và diễn tiến của Lịch sử Cứu độ”.
Một chuyến công du mang dấu chỉ hiệp nhất
Chuyến công du này, chuyến công du theo bước chân Thánh Máccô, được ĐGH đặt dưới dấu chỉ của sự hiệp nhất.
- Trước tiên là hiệp nhất giữa các Kitô hữu
Nhân cuộc họp đại kết diễn ra tại thủ đô Le Caire, trong Nhà thờ chính toà Đức Bà Ai Cập Médinet Nasr, Đức Gioan Phaolô II đã mời gọi các Kitô hữu liên kết thành “một thân mình duy nhất, là hình ảnh của thế giới đang đến”. Cái hôn mà vị thủ lãnh của Giáo hội Công giáo trao cho Đức Thượng phụ Giáo chủ Chanouda III của Giáo hội Chính thống Copte, Tiến sĩ Safwat el-Baïady của Giáo hội Tin lành, và Giáo chủ Ghayes-Abdel-Melk của Giáo hội Episcopale, là một dấu chỉ hết sức cảm động nói lên khát vọng muốn chia sẻ trọn vẹn tình hiệp thông.
Tương tự như thế, Đức Gioan Phaolô II cũng khuyến khích người Công giáo thuộc các lễ nghi khác nhau tại Ai Cập (Công giáo Hy Lạp, Công giáo Syrie, Công giáo Latinh, Công giáo Arménie và Công giáo Maronites) trau dồi sự hiệp nhất này để nó ngày càng được bền chặt hơn.
- Tiếp đến là hiệp nhất giữa các tôn giáo khác
Trong quốc gia này, một quốc gia mà Hồi giáo chiếm ưu thế, ĐGH mong ước đối thoại cả với Hồi giáo. Cuộc gặp gỡ của Đức Gioan Phaolô II với vị thủ lãnh của một trong những bộ tộc cổ xưa nhất của Hồi giáo là tộc trưởng cheikh Mohammad Sayyed Tantaoui, Imam d'al-Azhar, đã tạo nên một biến cố lịch sử vô tiền khoáng hậu. Người biểu lộ mối quan tâm của Vatican đối với Hồi giáo, và người ao ước bắc những chiếc cầu cảm thông và đối thoại với Hồi giáo.
ĐGH nhấn mạnh đến vai trò rất tích cực của Giáo hội Công giáo Copte, dưới sự lãnh đạo của Đức Thượng phụ Giáo chủ Stéphanos II Ghattas thời bấy giờ trong lĩnh vực này. Người vui mừng khi thấy Toà Thượng phụ cam kết thiết lập những mối dây tương giao thân thiện với những người Hồi giáo “để giúp cho những thành phần trong mỗi cộng đoàn chân thành nỗ lực làm việc để hiểu biết nhau, và cũng để sử dụng những khả năng của mình nhằm phục vụ quê hương”.
Khi đến mùa xuân Ai Cập, chúng ta thấy sứ điệp tình yêu và lòng khoan dung của người vẫn còn mang tính thời sự đáng cho chúng ta phải ngạc nhiên.
Xúc động khi ngắm nhìn những bức ảnh
Những thước phim lưu trữ cho ta thấy một Gioan Phaolô II lưng còng đang bước đi chậm chạp. Trước ngày người 80 tuổi, sức khoẻ của người sa sút đến độ không còn cứu vãn được. Thế nhưng, điều này vẫn không làm giảm đi sự phấn khởi của đám đông, những tiếng reo hò và những bài ca chào mừng vẫn theo ngài trong suốt chặng đường người đi qua.
Nếu sự nhiệt tâm của người Công giáo Coptes đã thể hiện rõ ràng, và nếu ta có thể dự đoán được các niềm tin khác cũng có cùng sự nhiệt tâm như thế, thì sự nhiệt tâm của người Hồi giáo cũng không có gì phải làm ta ngạc nhiên. Một điều gì đó nơi Đức Gioan Phaolô II đã đem lại một sự hoà hợp nào đó trong con người họ: đó là một niềm tin vô điều kiện vào Thiên Chúa, một thái độ cúi mình thật thấp, một thái độ khiêm hạ trước Đấng Tối Cao.
Trên con đường nên thánh
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu mà Đức Gioan Phaolô II
đã làm phát sinh ở bất cứ nơi nào người đến?
Một con người có khả năng
Khi nói về người, người ta đề cập đến uy tín của người, như một đặc ân và một sự lôi cuốn, hay đơn giản hơn, đó là tình người. Cái tình của một con người dám dấn thân, một con người có khả năng, một con người dám đương đầu, hết chống lại chủ nghĩa quốc xã lại đương đầu với những chủ nghĩa cộng sản, rồi thuyết tương đối, chủ nghĩa hậu hiện đại, là những chủ nghĩa chỉ muốn khai trừ Kitô giáo.
Còn hơn cả những giáo huấn của người, đám đông dân chúng được đáng động bởi những chứng tá cuộc sống của người; một cuộc sống không thiếu những thử thách. Mồ côi khi tuổi còn rất nhỏ, công dân của một đất nước bị kìm kẹp bởi hai chế độ cực quyền, nạn nhân của một vụ mưu sát và của biết bao cuộc tấn công, biết bao vụ kiện giả dối, nhưng cuộc sống của người không phải vì thế mà kém toả sáng.
Tôi đã có diễm phúc được gặp Đức Gioan Phaolô II, đã trao đổi với người đôi câu. Bản chất vui vẻ của người đã đánh động tâm hồn tôi, cũng như thái độ tôn trọng sự sống và sự thán phục của người đối với sự sống.
Một vị thánh
Vị thánh là người tràn đầy tình yêu của Chúa Cha, trở nên con người toàn vẹn và hoàn hảo đến độ phản chiếu được ánh sáng thần linh của tình yêu ấy.
Ta thấy Đức Gioan Phaolô II trải qua cuộc sống và hoà hợp một cách thật tuyệt vời với từng mùa của cuộc sống.
Người từng là một chàng thanh niên hăng say, nóng lòng muốn thay đổi thế giới qua việc loan báo Tin Mừng.
Khi đến tuổi trưởng thành, khi tuổi đời đứng bóng, người được chọn làm Giáo hoàng. Người đã trở nên người biện hộ cho Thiên Chúa, đã trở nên nhà chiến đấu với đôi tay trần muốn phá đổ những bức tường ngăn cách. Trong tất cả những bức tường, những bức tường bằng đá cũng như những bức tường bằng xác thịt, người vẫn tìm ra kẽ hở và tìm được một lối đi.
Cuối cùng, khi cuộc đời xế bóng, người được giao phó cho một sứ mệnh mới: trở nên sứ giả của tính dễ bị tổn thương. Vận động viên ngày ấy giờ đã trở nên yếu ớt, dễ vỡ hơn cả một mảnh thuỷ tinh. Với hết cả tâm hồn, người chấp nhận sự suy nhược ấy.
Người ta thấy người già đi. Thân xác người co rúm lại, gần như người không còn gánh nổi thân xác của mình. Rồi đến một ngày cái vỏ bên ngoài tự bóc trần dưới tác động của một cuộc sinh hạ mới: khai sinh của một vị thánh.
“Santo subito!” - Phong thánh cho ngài ngay lập tức!
ĐGM. Michel Chafik
Trưởng Hội Thừa sai Công giáo Copte tại Pháp
Đức Bà Ai Cập
Paris, tháng 4-2011
G.B. Lưu Văn Lộc chuyển ngữ
nguyenthuong.ctxl@gmail.com
tạ ơn CHÚA amen ,,,xin cảm ơn vì bài viết ..
Trả lờiXóa